26/10/2011 16:36 GMT+7

Ông Lê Hùng Dũng: Mình không làm được thì rút lui

SĨ HUYÊN thực hiện
SĨ HUYÊN thực hiện

TTO - Với những lý do như bận công tác hoặc sắp chuyển công tác hoặc sức khỏe, bốn ủy viên của Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) nhiệm kỳ IV đã chính thức nộp đơn xin rút lui.

TTO - Với những lý do như bận công tác hoặc sắp chuyển công tác hoặc sức khỏe, bốn ủy viên của Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) nhiệm kỳ IV đã chính thức nộp đơn xin rút lui.

Bốn người đó là chủ tịch Lê Hùng Dũng, phó chủ tịch Trần Lệ Nguyên, tổng thư ký Dương Vũ Lâm cùng cựu HLV Tam Lang,

Lá đơn này đã được đại hội thường niên của HFF thông qua trong phiên họp diễn ra trưa 26-10.

Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện cùng ông Lê Hùng Dũng sau khi ông nói lời từ biệt với HFF.

* Đây là lần thứ nhì trong nhiệm kỳ IV, ông nói lời rút lui. Lần này yêu cầu ấy được chấp thuận. Ông có thể nói rõ hơn lý do?

- Lý do chính đáng nhất mà tôi đưa ra rồi được các ủy viên đồng thuận chính là việc tôi không còn nhiều thời gian để tham gia các hoạt động phong trào. Mình không làm được thì rút lui để anh em khác làm thay.

* Hiện đang rộ lên thông tin ông rút lui để dễ dàng làm việc cho VPF trong thời gian tới. Bởi nếu còn giữ chức chủ tịch HFF thì ông sẽ khó tránh được điều dị nghị rằng phía sau ông là các CLB của bóng đá thành phố?

- Lời đồn thì khó mà ngăn cấm vì mọi người có quyền tự do cá nhân. Về phần mình, tôi khẳng định đến lúc này chưa ai mời tôi đến làm việc cho VPF cả, và tổ chức VPF ấy cũng chưa được khai sinh. Nói thật, kể cả khi VPF chào đời và tôi có được tín nhiệm, được mời ra làm việc, tôi cũng phải cân nhắc mình có thời gian để dành cho tổ chức này hay không.

* Ông chia tay HFF khi nhiệm kỳ IV sắp kết thúc. Với ông, đâu là điều day dứt nhất?

- Đó chính là nỗi đau của việc đội TP.HCM (tiền thân là đội bóng lừng danh, giàu thành tích Cảng Sài Gòn) phải xuống chơi ở Giải hạng nhất. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng đau nhất chính là việc chiều 23-8-2009 ấy, nhiều cầu thủ TP.HCM không chịu thi đấu đúng sức mình và thua Bình Dương 2-3.

Đêm hôm ấy, có vài cầu thủ Bình Dương gọi điện thoại cho tôi nói rằng "Chú ơi, tụi cháu không muốn đá thắng TP.HCM vì có còn động lực gì nữa mà đá. Vậy mà cầu thủ TP.HCM chơi bóng còn tệ hại hơn chúng cháu, trong khi họ cần phải thắng để lấy suất đi đá play off!".

Nghe cầu thủ Bình Dương nói mà tôi nhói cả lòng, tan nát con tim. Hơn chục năm làm bóng đá, đó chính là nỗi đau lớn nhất với tôi. HFF lẫn cá nhân tôi đều có trách nhiệm với việc rớt hạng ấy, dù rằng chúng tôi đã làm hết sức mình ngoài sân cỏ và cũng không có thẩm quyền - dù là nhỏ nhất - để can thiệp hay góp ý về chuyên môn với CLB.

* Bên cạnh nỗi đau chắc cũng có những việc ông vui và hài lòng trong nhiệm kỳ IV với tư cách là chủ tịch HFF?

- Buồn vui trong cuộc đời, trong công việc luôn quyện chặt nhau. Vui nhất trong nhiệm kỳ này là HFF đã làm được điều mà Thành ủy và UBND thành phố chỉ đạo: sân Thống Nhất phải luôn sáng đèn vào mỗi dịp cuối tuần. Có nghĩa rằng quả bóng V-League và Giải hạng nhất phải luôn diễn ra tại thành phố. HFF nhận và làm được.

Niềm vui thứ hai là chương trình phát triển bóng đá phong trào mang tên Tầm nhìn châu Á với kinh phí do AFC cung cấp đã lan tỏa rộng khắp. Chương trình ấy được AFC kiểm tra chặt chẽ và đi đến kết luận rằng TP.HCM làm tốt, thậm chí là rất tốt hơn nhiều quốc gia khác vì họ chỉ chăm chăm vào việc moi tiền từ AFC. Và cũng chính vì làm tốt chương trình ấy mà AFC trao cho TP.HCM phần thưởng - quyền đăng cai tổ chức vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ U-19 châu Á vào năm 2014.

Niềm vui thứ ba là HFF tuy không dồi dào kinh phí nhưng không khi nào thiếu tiền để chăm lo cho các hoạt động, các giải đấu của bóng đá phong trào.

Tôi không kể công, nhưng ra đi và để lại sau lưng những niềm vui, nỗi buồn như vậy xem ra cũng được chứ không quá tệ hại.

* Xin cảm ơn ông.

SĨ HUYÊN thực hiện

SĨ HUYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên