Tưởng niệm 15 năm ngày mất của nhà văn Sơn Nam, NXB Trẻ ra mắt quyển sách Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ. Sách gây chú ý vì lần đầu tiên con gái lớn của ông là bà Đào Thúy Hằng viết về ba Sơn Nam.
Sách gồm hai phần. Phần 1 là "Nhớ ba tôi" với 16 bài viết là tâm sự của bà Thúy Hằng về người cha tên tuổi với giọng văn rặt Nam Bộ và giàu cảm xúc.
Phần 2 mang tên Chân dung một "Ông già đi bộ", tập hợp những bài viết của các nhà văn, nhà báo thân thiết với Sơn Nam như Lý Lan, Ngô Khắc Tài, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Chức, Võ Đắc Danh, Lam Điền.
Viết vì nhớ ba Sơn Nam
Vốn là nhà giáo và chưa bao giờ viết sách, lại không rành thế giới mạng nên bà Thúy Hằng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình viết sách về ba.
Thế nhưng những trải lòng rất chân thành, tình cảm của bà trên trang cá nhân vào những khoảnh khắc nhớ ba Sơn Nam đã làm lay động những người yêu Sơn Nam.
Và hôm nay, độc giả ái mộ ông lại có cơ hội khám phá Sơn Nam trong một hình ảnh rất riêng tư, rất đời thường.
Có thể nói Sơn Nam là cái tên mang đậm dấu ấn của văn hóa phương Nam.
Những tác phẩm, những nghiên cứu ông để lại cho thế hệ sau đều rất giá trị và rất nhiều người lo ngại sau này ai sẽ thay thế Sơn Nam. Thế nhưng, cuộc đời ông quả kỳ lạ và lắm thăng trầm.
Bà Thúy Hằng viết có lần chị em bà về thăm ông bà nội, bà ôm hai chị em và nói tội nghiệp, có cha mà cũng như không: "Tối ngày nó đi lưu linh, lưu địa ở đâu...". Bà Hằng bênh ba, nói ba nổi tiếng lắm, thì bà nội bảo: "Hứ, nổi tiếng cái gì mà trong túi hông có một xu...".
Câu chuyện tưởng bâng quơ nhưng mang một nỗi buồn của những người gánh nghiệp viết lách. Bởi "cơm áo" dường như không đùa với "khách thơ".
Ba Sơn Nam trong ký ức thân thương
Dù không phải là cây bút chuyên nghiệp, những bài viết của bà Hằng vẫn lôi cuốn người xem đến dòng cuối cùng.
Bức chân dung "ông già Nam Bộ" không được xây dựng bằng những câu từ lộng lẫy mà cứ hiển hiện một cách bình dị qua từng câu chuyện trong hồi ức thân thương của con gái.
Đó là người cha cưng con số 1. Luôn cõng con trên vai la cà đầu trên xóm dưới, ghé nhà người này người kia phụ xay lúa, giã gạo rồi "sẵn tiện"... ăn cơm ké trong bài La cà.
Rồi đội cái thúng trên đầu lội bộ mấy cây số mua than về cho vợ nằm lúc mới sanh. Một tay vịn cái thúng, một tay rít điếu thuốc, gặp ai cũng kêu, cũng hỏi khỏe hông trong bài Cần thì làm.
Mà "ông già" cũng ngộ khiến hàng xóm thắc mắc: "Thấy ba đi mà cười một mình ý nói bóng gió coi ba có bị tâm thần không. Má cười giả lả vớt vát: Chắc ổng chợt nhớ chuyện gì đó mà" - bà Hằng kể.
Thấy chuyện gì cần làm thì làm, không để ý xung quanh, ai khen chê gì cũng kệ, ham đi, ham tìm hiểu, thích quan sát cuộc sống bởi vậy đã tạo nên khí chất của Sơn Nam và vốn sống ngồn ngộn mà ông viết hoài cũng không hết.
Sơn Nam không giàu nhưng khi có tiền ông rất rộng rãi. Đối đãi chân tình với bạn bè và hay móc tiền cho người nghèo khó. Bởi vậy, con cái ông cũng nhờ phước cha khi cứ đi đâu gặp khó là bạn của ba luôn nhiệt tình giúp đỡ.
Như chuyện ông Tư Thinh, chủ hãng xe Đồng Tháp - Sài Gòn nghe con Sơn Nam mới về Đồng Tháp dạy là thương như con, móc tiền cho hoài, riết bà Hằng phải né vì ngại.
Như soạn giả Kiên Giang giúp bà Hằng đọc thơ trên đài để kiếm thêm thu nhập dù ba Sơn Nam mấy lần phẩy tay biểu: "Ối cái ông Kiên Giang này bày đặt, lo học đi, thơ thẩn gì"...
Nốt trầm của gia đình
Sơn Nam bị "chê" xấu nhưng lại có vợ rất đẹp và trong cuộc đời ông có nhiều bóng hồng. Ngang qua cuộc đời là nốt trầm của gia đình bà Hằng. Khi đang học lớp 11, bà từ Mỹ Tho lên Sài Gòn và chứng kiến ba có người phụ nữ khác.
Có lẽ khó tả hết được nỗi đau của người trong cuộc nhưng má bà đã lặng lẽ nói rằng: "Mình ưng văn nghệ sĩ thì phải chịu thôi con à, dù sao ba cũng để lại cho mình cái tiếng". Và Sơn Nam cũng đã từng viết riêng cho con gái rằng mình "xấu hổ với vợ con".
Nhưng có lẽ chính cách sống, sự tử tế, bộc trực của ông đã khiến người thân yêu của ông vượt qua được tổn thương để vẫn kính trọng, vẫn thương hoài ba Sơn Nam như bao người cha Nam Bộ chân chất, xuề xòa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận