05/08/2006 18:17 GMT+7

Ông đồ... gốm xứ Huế

NGUYÊN NHUNG
NGUYÊN NHUNG

TTCT - Ở Gia Hội của xứ Huế có một nhà nghiên cứu đang làm chủ một kho hàng vạn cổ vật gốm, trong đó chỉ riêng bình vôi đã hơn ngàn chiếc, không sao đếm xuể...

hInfzYOt.jpgPhóng to
TTCT - Ở Gia Hội của xứ Huế có một nhà nghiên cứu đang làm chủ một kho hàng vạn cổ vật gốm, trong đó chỉ riêng bình vôi đã hơn ngàn chiếc, không sao đếm xuể...

Nhà ông Hồ Tấn Phan ở trong một hẻm rộng trên đường Cao Bá Quát, phường Phú Hậu, cách Đại nội chừng hơn 2km bên tả ngạn sông Hương. Đến đây, cảm giác choáng ngợp xâm chiếm ngay khi khách vừa bước vào cổng. Sau cây mận rụng đầy quả chín là một khu vườn rộng bạt ngàn tràn ngập các loại chum, hũ, bình...

Bên trong căn nhà cấp 4 của ông Phan cũng chật cứng các món đồ gốm khác nhau thuộc rất nhiều niên đại. Đồ gốm còn tràn ra khoảng hiên rộng, khách phải nhón chân cho khéo mới có thể vào nhà.

Trên nóc tủ, dưới gầm giường, trong các góc nhà đâu đâu cũng gốm là gốm. Số lượng đồ gốm đang sở hữu nhiều tới mức có lần ông Phan định đếm chỉ riêng bộ bình vôi cũng không đủ sức làm: hàng ngàn chiếc và chúng lại nằm ở rất nhiều nơi, một mình ông khó mà hệ thống nổi!

Ông Phan là một nhà giáo về hưu. Từ khi còn đi học, cùng với ham thích đọc sách Khổng, Mạnh, ông còn say mê sưu tầm nhiều thứ, mà mê nhất là đồ gốm dân dã. Bởi theo ông, gốm dân dã giá không cao, vừa túi tiền khiêm tốn của một nhà giáo, song lại có tính cộng đồng cao nhất: đồ gốm là một trong nhiều thứ gắn bó với cuộc đời của hầu hết mọi người VN.

Ngay cả trong những nơi sang trọng như cung vua triều Nguyễn, chắc chắn người ta cũng phải dùng đồ gốm, như chiếc om nấu cơm cho vua ăn chẳng hạn. Ông Phan cho rằng gốm có mặt bên con người từ lúc sinh ra đến lúc mất đi (như chiếc tiểu sành đựng tro hỏa táng), và có những món đồ gốm gắn liền với số phận người sở hữu chúng nên chúng có linh hồn. Hàm lượng văn hóa tiềm ẩn trong gốm rất cao và đó là một lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu rất quan tâm.

Cơ duyên đưa ông Phan đến với bộ sưu tập gốm khổng lồ này là vào những năm 1980, khi người ta ùn ùn kéo nhau đi trục vớt những đồ phế liệu và hút cát sạn dưới sông Hương cùng các con sông khác ở Huế. Theo ông Phan, có lẽ trong lịch sử xứ Huế chưa bao giờ có một cuộc khai quật nào lớn như thế, cả về thời gian, không gian cũng như số người tham gia. Người ta lặn, mò, dùng máy hút, gầu xúc để lấy từ dưới lòng sông lên sắt thép, nhôm nhựa, phế liệu và cả cát sỏi để bán cho các công trình xây dựng.

1TvtxcVV.jpgPhóng to
Có cả những món đồ sành sứ quí giá được tìm thấy trong cơn lùng sục các lòng sông ấy và được giới mua bán đồ cổ mau chóng thâu tóm, còn những thứ đồ gốm dân dã không có giá trị hàng hóa được bán sỉ từng đò. Và thế là trong suốt năm năm mua và mua đồ gốm, nhà và vườn của ông Phan dần dà trở thành một kho bãi chứa chum, vại, lu, om... vào hàng lớn nhất ở Huế.

Hỏi ông, trong hàng vạn món đồ gốm như thế, có mấy bộ sưu tập, mỗi bộ có bao nhiêu cái, ông Phan thú thật không biết hết, chỉ biết là ngoài bộ bình vôi trên ngàn chiếc, có các bộ nồi đất, nậm rượu, liễn... Hỏi ông trị giá của số cổ vật khổng lồ này vào thời điểm hiện tại, ông Phan cũng thật thà: không biết. Nhưng giá trị khi mua vào thì ông nhớ: “Tính ra cũng cả trăm triệu đồng” mà vào thời điểm đó là một số tiền “ghê gớm” đối với một giáo viên nghỉ mất sức từ năm 49 tuổi, đồng lương hưu chẳng đáng bao nhiêu. Ngoài đống đồ gốm này thì trong nhà ông chẳng có một vật dụng gì đáng giá.

Điều đáng nói là kể từ khi đi vào cuộc sưu tập này ông Phan chưa bán đi bất cứ một món đồ nào mặc dù lâu lâu ông lại nhận được những lời đề nghị rất hấp dẫn. “Có lẽ chỉ khi nào bệnh trọng, nếu không có tiền chữa bệnh thì tôi mới nghĩ đến chuyện bán”. Ông Phan cũng không có điều kiện để trưng bày những gì đang sở hữu, bởi ông không phải là người chơi đồ cổ mà là nhà nghiên cứu, và thật sự thì ông cũng không lấy đâu ra tiền để làm tủ, kệ, phòng ốc trưng bày. Ông chỉ có “nhà kho” là căn nhà cấp 4 của mình và “bãi chứa” là khu vườn 2.700m2.

Song khổ nhất, theo ông Phan, là bảo quản cái kho và bãi chứa đồ gốm này qua các mùa nước lụt của Huế. Từng bị trận lụt năm 1999 hủy hoại cả một kho sách chuyên đề lịch sử, văn hóa hơn vạn cuốn sưu tầm mấy mươi năm, ông Phan thấm thía nỗi đau của người phải “ngồi nhìn những đứa con tinh thần của mình bị giết”. Ngày ấy, ông kể, nước lụt tràn về, ông kê sách lên bàn, lên kệ, nước cứ dâng lên, lên nữa, rồi cả bàn, kệ nổi lên, sách bập bềnh trôi khắp nhà, khắp vườn. Nước rút, ông phải nghiến răng giẫm lên sách mà đi, lòng đau như cắt.

Gốm cũng thế, mùa lụt, các loại bình, lọ, ấm, nồi niêu... nổi lênh phênh. Sau lũ, chỉ công rửa ráy đã mất cả tháng. Rút kinh nghiệm, năm nay ông Phan mua cả trăm xe cát, xếp các loại hũ, bình... loại nhỏ vào những cái chum lớn, rồi đổ cát vào. Ông đâu dè bài học “xương máu”: những ngày đầu, do tất cả các loại chum vại đều để ngửa, lộ thiên nên khi mưa xuống trở thành nơi muỗi sinh sôi, bay như trấu rải khắp khu vườn!

Điều lạ lùng nữa là nhà ông Phan lại không có cổng! “Ông có bị trộm đồ gốm không?”. “Cũng có thể có, nhưng không đáng kể đâu” - ông Phan hồn nhiên. Cũng có thể kẻ gian không dám vào vì nhà ông có nhiều chó dữ! Hoặc như một người hàng xóm kể lại: cách đây vài năm, có người mang lễ đến cổng nhà ông khấn vái, rồi trả lại cho ông Phan một cái bình gốm Sa Huỳnh mà họ đã trót dại lấy trộm trong vườn và sau đó cứ đau ốm liên miên...

Khi tôi kể lại chuyện ấy, ông Phan cười, không xác nhận, cũng không phản đối: “Thì tôi đã nói mỗi món đồ ở đây là một linh hồn, một số phận mà lại!”.

NGUYÊN NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên