Phóng to |
“ông đầu rau” - Ảnh: TH.L |
“Ông đầu rau” bằng đất sét thô nung có nhiều tạp chất, bao quanh là hoa văn thừng chạy dọc từ trên xuống dưới; các số liệu khảo tả cho biết chiều cao 19cm, đường kính phần chân giò 9cm; riêng phần mặt hình trái su dài 8cm, rộng 6cm với ba lỗ xuyên thủng nằm theo chiều ngang. Bên trong hiện vật bám đầy vỏ hàu và xác hà…
Hiện vật được trục vớt trên sông Hương đoạn ngã ba Sình, gần sát với thành cổ Hóa Châu - vốn cũng là một lỵ sở của người tiền trú Champa, đồng thời là một trung tâm của những lưu dân người Việt đất phương Nam dưới thời Lê.
“Ông đầu rau” còn có nhiều cách gọi khác như: “chân giò” (hình dạng tương tự phần chân giò của người), “ông núc”, “ông táo”…, cùng với “cà ràng”, “kiềng”, được giới khảo cổ học, nghiên cứu văn hóa nhận định là một loại bếp của người xưa. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thiết chứ chưa có kết luận cuối cùng, bởi lẽ chưa có cách giải thích thuyết phục về công dụng của ba lỗ xuyên thủng trên phần mặt.
Đây là loại hiện vật rất quý hiếm, thường chỉ xuất hiện trong các di chỉ khảo cổ học thời tiền và sơ sử trên cả ba miền của VN, gồm cả di chỉ thời tiền Đại Việt ở miền Bắc (văn hóa Đông Sơn), thời tiền Champa ở miền Trung (văn hóa Sa Huỳnh) và tiền Óc Eo ở miền Nam (văn hóa Đồng Nai). Nó cũng được xem là hiện vật gốm rất đặc trưng cho văn hóa giai đoạn này. Tuy nhiên, tại các di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh quanh Huế như Cồn Dài, Cồn Ràng... hầu như không thấy xuất hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận