22/08/2006 07:57 GMT+7

"Omo-to-taxi xin nghe..."

 PHẠM VŨ
 PHẠM VŨ

TT - "Muốn đi xe ôm, không cần ra đường đứng chờ nữa, không cần tìm chỗ mấy bác tài thường đậu, cũng không cần trả giá bớt một thêm hai. Chỉ cần nhấc điện thoại gọi 4060707" - một anh bạn mách cho tôi.

6dhzNqde.jpgPhóng to

Đội ngũ nhân viên Omo-to-taxi đón trẻ tại một trường mầm non, P.13, Q.6, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

TT - "Muốn đi xe ôm, không cần ra đường đứng chờ nữa, không cần tìm chỗ mấy bác tài thường đậu, cũng không cần trả giá bớt một thêm hai. Chỉ cần nhấc điện thoại gọi 4060707" - một anh bạn mách cho tôi.

Và tôi đã gọi thử. Một giọng nói dịu dàng trong điện thoại cất lên: "Omo-to-taxi xin nghe...". Mấy phút sau, một bác tài với chiếc xe gắn máy có gắn bảng "Omo-to-taxi, 2.000 đồng/km" xuất hiện...

Ý tưởng chờ... tám năm

Trụ sở Omo-to-taxi (thuộc DNTN Khanh Duy - TP.HCM) nhỏ xíu, chỉ có một máy vi tính, hai cái bàn. Ba cô nhân viên vừa nghe điện thoại tới tấp, vừa ghi chép địa điểm khách cần xe, dò tìm các bác tài đang chờ khách ở đâu rồi gọi, thông báo... Trên mặt bàn là bản đồ, dưới hộc bàn là một dãy hơn 20 chiếc điện thoại S-Fone đang nhấp nháy nhận tin nhắn của các tài xế, giúp trung tâm biết được họ đang ở đâu...

Hơi chật hẹp và kém bề thế nhưng như vậy cũng đủ bởi nói như anh Giang Hồng Doanh, người trực tiếp khai sinh và điều hành, "vấn đề chính là những tiện ích của phương tiện viễn thông".

Anh giải thích thêm: "Tôi bắt đầu có ý tưởng từ năm 1998, thế mà đến nay giữa năm 2006 mới thực hiện được. Những năm đó điện thoại di động chưa phổ biến và cước phí quá đắt, máy bộ đàm cũng đòi hỏi đầu tư lớn và lại dễ xảy ra những việc không hay như tranh giành khách khi nhiều người cùng được thông báo một thông tin giống nhau, nên chúng tôi đành đợi...".

Cước phí điện thoại giảm dần, cách tính cước thay đổi, số người sử dụng điện thoại ngày một tăng... Và đến khi những mạng điện thoại đầu tiên thông báo tính cước theo block 6s + 1, anh Doanh và chị gái là Giang Hồng Duyên (chủ DNTN Khanh Duy) cùng reo lên "A! Đến rồi". Thế là dự án bắt đầu khởi động.

Cả chủ doanh nghiệp, cả nhân viên tỏa ra khắp các ngả đường, đến các điểm có các bác tài xe ôm phát tờ rơi mời hợp tác, trò chuyện và thuyết phục. "Ai cũng tỏ ra lạ lùng và bảo: Sao anh lại đi làm cái chuyện chẳng ai làm - anh Doanh kể - Mấy anh xe ôm mang tờ rơi về tìm hiểu, tham khảo ý kiến, rồi nhiều người đồng ý hợp tác. Nhiều bác tài còn say sưa đóng góp ý kiến. Những người kỹ tính như vậy hứa hẹn việc hợp tác tích cực".

Hợp tác với Omo-to-taxi, các bác tài chỉ phải cam kết lấy đúng giá (4.000đ/km đầu tiên, 2.000đ/km từ kilômet thứ hai) và trả cho trung tâm 1.500đ cho một lần được liên kết với khách. Chị Duyên còn gặp phải thái độ hồ nghi ấy nhiều lần hơn khi đi đăng ký chức năng doanh nghiệp, các cán bộ ở Sở Kế hoạch - đầu tư cứ lắc đầu: "Mơ hồ quá, có ai làm đâu...".

Rồi thì giấy phép cũng được cấp, hơn 500 tài xế xe ôm ở khắp các quận huyện cũng đồng ý hợp tác, thêm hơn 10 tài xế cơ hữu (có lương căn bản 800.000đ/tháng và tiền công theo kilômet chở khách) của trung tâm nữa. Dịch vụ Omo-to-taxi (taxi hai bánh) ra đời.

Các tờ rơi giới thiệu đến khách hàng được phát ra. Bốn ngày hoạt động đầu tiên đã có hơn 200 cuộc điện thoại gọi đến. Các cô điện thoại viên trả lời liên tục và kết quả đã làm tất cả hài lòng: ngay tuần thứ nhất đã có 10% số người tìm hiểu sử dụng dịch vụ.

LKOE4sK7.jpgPhóng to

Tổng đài - nơi tiếp nhận thông tin từ các bác tài gửi về báo tin địa điểm xe đang hoạt động - Ảnh: Thanh Đạm

Thuận lợi đôi ba bề

"Dịch vụ này mới mẻ và đơn giản nhưng rất thiết thực. Chắc chắn nó sẽ phát triển, chắc chắn trung tâm chúng tôi sẽ phục vụ khách đi xe cũng như các bác tài ngày một tốt hơn" - cả anh Doanh và chị Duyên đều nói một cách đầy niềm tin như vậy.

Buổi sáng ngồi ở trung tâm dịch vụ Omo-to-taxi, tôi gặp năm người đến đăng ký chờ phục vụ dịch vụ mới: đưa đón học sinh. Ba trong số đó là sinh viên. Thành - SV ĐH KHXH&NV, Ca Dao, Ngọc Thu - SV ĐH Ngân hàng, đều cho biết các bạn rất vui khi biết có thêm một công việc phù hợp với điều kiện của mình.

"Nếu chúng tôi nhận đưa rước một học sinh trên tuyến đường mà sáng chiều nào mình cũng sẽ phải đi để đến trường thì không chỉ tiết kiệm được tiền xăng nhớt, mà cha mẹ em bé ấy cũng tiết kiệm được thời gian đưa đón".

Anh Doanh cho biết trung tâm đang tìm kiếm những hợp đồng đưa đón học sinh và thu 20% giá trị hợp đồng làm chi phí giao dịch và đảm bảo dịch vụ.

"Các hợp đồng này sẽ được tính giá rẻ hơn chi phí đi xe ôm bình thường. Nguyên nhân thứ nhất là dài hạn, thứ hai là nếu không có khách để đưa đón thì các "bác tài" không chuyên này vẫn cứ phải đi trên tuyến đường đó vào đúng giờ ấy". Ai cũng phải bật cười thú vị trước bài toán rất thực tế này.

Tất cả mới bắt đầu nhưng xem ra đã có nhiều thuận lợi. Chị Dung, một phụ huynh đã đăng ký Omo-to-taxi đưa đón con đi học trong năm học mới, nói: "Có dịch vụ này đỡ cho chúng tôi lắm vì bận bịu suốt ngày. Dịch vụ của công ty, mình cũng an tâm...".

Một trong các nguyên tắc mà Omo-to-taxi yêu cầu là xe phải có côngtơmet tốt và khách gọi xe vào giờ khuya phải có số điện thoại cố định. "Đó là điều kiện để đảm bảo thuận tiện và an toàn cho khách lẫn lái xe. Tôi hi vọng dịch vụ của mình sẽ phát triển ngày một chuyên nghiệp, góp phần vào sự văn minh và năng động của thành phố..." - anh Doanh lặp đi lặp lại.

Chúng tôi đã từng viết về những cuốc xe vất vả và cuộc mưu sinh bấp bênh của các bác tài xe ôm. Omo-to-taxi ra đời và lớn lên mang theo nhiều hi vọng sẽ thấm bớt những giọt mồ hôi nhọc nhằn ấy.

Anh Doanh cho tôi xem vài dòng ghi chép tản mạn: "Sau những năm dài làm việc đến kiệt sức, tôi mang bệnh nặng. Hết bệnh thì người mệt mỏi không thể tự chạy xe được. Nhờ người nhà mãi bất tiện, taxi thì quá đắt, tôi chuyển sang đi xe ôm. Nhưng tìm được một chiếc xe ôm cũng không đơn giản. Cứ nghĩ nếu có thể gọi điện thoại để có xe đến đón, dù phải trả thêm vài ngàn tôi cũng sẽ vui lòng... Ra đường, tôi thấy các bác tài xe ôm ngồi chờ khách dưới mưa, dưới nắng, vẻ mặt vui mừng của họ mỗi khi gặp được khách. Thấy sự không hài lòng, có khi khó chịu của cả người khách lẫn bác tài khi lên xe sau một hồi kỳ kèo trả giá. Trò chuyện với giới xe ôm, hiểu những luật lệ về bến bãi, về thứ tự đón khách... Tôi thấy những bà, những chị tay xách nách mang, nặng nhọc vất vả tìm xe ôm... Tôi nghĩ làm sao để những bất tiện ấy được thay thế bằng một phương cách thân thiện hơn, hữu dụng hơn...".

 PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên