"Tôi sẽ có mặt tại Los Angeles để chờ mong được chứng kiến đoàn thể thao Việt Nam gặt hái huy chương ở kỳ Olympic 2028!" - anh Nguyễn Tuấn Cường, làm việc trong lĩnh vực IT (TP.HCM), nói với chúng tôi tại Paris.
Là một người hâm mộ thể thao cuồng nhiệt, anh Cường là CĐV hiếm hoi từ Việt Nam sang Paris để theo dõi suốt kỳ Olympic 2024. Anh Cường mua được gần 20 vé xem Olympic từ 1 năm trước với đủ các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt; vé tham dự lễ khai mạc ở bờ sông Seine và lễ bế mạc ở sân Stade de France, với chi phí tổng cộng khoảng 3.500 euro (gần 100 triệu đồng).
"Tôi gặp và tay bắt mặt mừng với một số người Việt đi xem Olympic. Cảm nhận trực tiếp của tôi là chủ nhà Pháp đã tổ chức Olympic rất tốt. Không khí trên các sân đấu sôi động và đẹp mắt. Tháp Eiffel buổi tối lên đèn lung linh với logo Olympic, du khách check-in rất đông. Nhìn chung Olympic là sàn đấu với những trải nghiệm khó quên dành cho người hâm mộ thể thao" - anh Cường cho biết.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Linh (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ "cuộc phỏng vấn có nhiều cảm xúc nhất" của anh trong kỳ tác nghiệp Olympic lần đầu tiên ở Paris là với Trịnh Thu Vinh sau khi cô không giành được huy chương ở chung kết 25m súng ngắn thể thao nữ. Những giọt nước mắt đã rơi và Thu Vinh cũng ngỏ lời xin lỗi vì chưa đáp ứng được kỳ vọng từ người hâm mộ.
Dù vậy, có lẽ không một ai trách Thu Vinh cùng 15 VĐV Việt Nam khác bởi họ đã cống hiến hết sức mình trên đất Pháp. Ngày mai bắt đầu từ hôm nay, thể thao Việt Nam có thêm 4 năm để chuẩn bị cho một kết quả tốt đẹp hơn sau hai kỳ Olympic liên tiếp trắng tay (Tokyo 2020 và Paris 2024).
"Dự khán Olympic lần này tôi chỉ có một mơ ước là số lượng VĐV Việt Nam được tham gia tranh tài nhiều hơn và giành được huy chương trong kỳ tới. Tôi sẽ tiếp tục đi xem Olympic Los Angeles 2028 để ủng hộ các VĐV Việt Nam và mong sẽ được chứng kiến quốc kỳ Việt Nam tung bay tại Olympic ít nhất một lần trong đời" - anh Tuấn Cường chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận