22/03/2019 18:00 GMT+7

Olympic, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và truyền thông

S.C
S.C

Tháng 8-2008, Thế vận hội như một 'phép màu' với người Trung Quốc và thế giới. 'Tôi chưa từng thấy sự quan tâm nào lớn đến vậy cho một sự kiện thể thao', người thân của Scott Kronick thốt lên khi xem kênh NBC.

Olympic, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và truyền thông - Ảnh 1.

Ông Scott Kronick chia sẻ về tác động của MXH đến marketing của doanh nghiệp trên sóng Truyền hình Quốc gia Việt Nam

Scott là Giám đốc bộ phận PR của Ogilvy Trung Quốc. Trong khi ông trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động truyền thông của Olympic ở Bắc Kinh, thì người thân ông ở Mỹ biết rất ít về Trung Quốc. Cũng vì lẽ đó, câu nói bâng quơ khiến ông nhớ mãi đến giờ.

Một nghiên cứu của công ty Gallup cho biết, một thập niên sau sự kiện, tỉ lệ người nước ngoài cảm thấy "rất thiện cảm" với Trung Quốc đã tăng từ 36% (tháng 2-2008) lên 42% (tháng 2-2018).

Khi giới chuyên gia nhìn lại cách Trung Quốc tận dụng Thế vận hội để chấn hưng "dân khí" và nâng cao "thiện chí" cho người dân và quốc tế, họ đồng thuận rằng truyền thông đã đứng sau rất hiệu quả.

Từ sân vận động Tổ Chim, thông tin và cảm xúc đã lan đi toàn cầu rất bài bản. Người Trung Quốc hiểu rằng "hữu xạ không thể... tự nhiên hương". Thống kê cho biết, 7.261 tin tức đã phát trên TV về sự kiện - con số khổng lồ thời bấy giờ, chưa kể vô vàn thông tin trên báo in, báo điện tử. Sống tại Trung Quốc 22 năm, hơn ai hết Scott biết rõ dư âm của một tháng "phép màu" Bắc Kinh mạnh mẽ thế nào. Truyền thông đã duy trì ảnh hưởng dài lâu cho sự kiện.

Thập niên sau đó, với ấn tượng về kinh tế và uy tín về chính trị, Việt Nam cũng lần lượt đăng cai nhiều sự kiện quốc tế lớn. Riêng năm ngoái đến nay, đây là điểm đến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới khu vực Đông Nam Á (WEF ASEAN 2018) và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Việt Nam không chỉ tổ chức ấn tượng mà còn tận dụng các sự kiện để nâng cao niềm tự hào của người dân, quảng bá đất nước với quốc tế bằng truyền thông.

So với 10 năm trước, truyền thông càng mạnh mẽ nhờ mạng xã hội. Theo các chuyên gia, trong khi báo chí giữ vai trò trụ đỡ về tính xác thực, khách quan và công bằng thi kênh digital là nơi lan tỏa, đo lường và tối ưu hóa hiệu quả tiếp cận của thông tin.

Ở WEF ASEAN 2018, ban tổ chức đã lên kế hoạch từ 6 tháng trước khi sự kiện diễn ra.

Olympic, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và truyền thông - Ảnh 2.

Ông Scott Kronick tại sự kiện WEF ASEAN 2018

Ogilvy trực tiếp đón hơn 300 nhà báo, quản lý trung tâm báo chí, điều phối các họp báo, sắp xếp các chương trình phỏng vấn độc quyền và hỗ trợ các đối tác truyền thông lớn của WEF (Bloomberg, CNA). Nhờ cầu nối tập trung và chuyên nghiệp này, bức tranh sống động về kinh tế Đông Nam Á đã được vẽ nên từ sự kiện.

Đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, 3.000 phóng viên đến Việt Nam, tạo nên thách thức chưa từng có cho công tác truyền thông.

"Lượng người tham gia cực kì đông đảo, lịch trình đa dạng, tuyệt mật của các quan chức cấp cao yêu cầu công tác truyền thông của Việt Nam cần được thực hiện với mức độ chuyên nghiệp và chính xác cao nhất. Ngoài ra, sự chuyên nghiệp, sáng tạo của các hãng thông tấn nước ngoài và thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ nhất tại Singapore cũng tạo áp lực khổng lồ cho công tác tổ chức truyền thông của Việt Nam", bà Nguyễn Diệu Cầm - Tổng Giám đốc T&A Ogilvy, Giám đốc Ogilvy Consulting Việt Nam nhận định.

Olympic, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và truyền thông - Ảnh 3.

Ông Scott Kronick (giữa), bà Nguyễn Diệu Cầm (thứ ba từ trái sang) cùng đội ngũ Ogilvy tại WEF

Có thể nói, chưa bao giờ, hoạt động truyền thông cho các sự kiện lớn của Việt Nam tiến hành chu đáo, theo phương thức hiện đại là có tư vấn chiến lược và đánh giá hiệu quả, định lượng cụ thể.

Ogilvy đã phân tích gần 34.800 tổng thảo luận được hình thành xoay quanh sự kiện này. Trong đó, 89,9% mang cảm xúc trung tính và 9,6% mang cảm xúc tích cực, trong khi cảm xúc tiêu cực chỉ chiếm 0,5%. Những tương tác nhiều nhất là trên các kênh tin trực tuyến (80,2%), YouTube (9,4%) và Facebook (4,2%).

Về mối quan tâm của dư luận sau hội nghị, trong lần diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore, báo chí Singapore hay nhắc tới sự tiến bộ, vẫn bày tỏ sự hy vọng nhưng vẫn hoài nghi về kết quả; thì ở cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam, báo chí bày tỏ rõ ràng quan tâm về triển vọng kinh tế tích cực, chào đón các nhà lãnh đạo hay các hợp đồng của doanh nghiệp Việt Nam ký kết với doanh nghiệp Mỹ.

S.C
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên