30/06/2012 06:42 GMT+7

"Obamacare" cho 32 triệu người Mỹ

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Tòa án tối cao Mỹ ngày 29-6 đã phán quyết luật cải cách y tế năm 2010 là hợp hiến, một quyết định sẽ có liên quan đến hàng chục triệu người dân Mỹ, đem lại một thắng lợi cho Tổng thống Barack Obama.

BuzgWMkP.jpgPhóng to
Một người ủng hộ luật cải cách y tế “Obamacare” cầm biểu ngữ trước Tòa án tối cao ở Washington hôm 28-6- Ảnh: Reuters

Trong khi Tổng thống Obama mô tả quyết định của tòa án tối cao là “một thắng lợi của tất cả người dân Mỹ” thì hơn một nửa số bang do Đảng Cộng hòa nắm giữ đã yêu cầu Tòa án tối cao Mỹ bãi bỏ toàn bộ dự luật cải cách y tế này. Điểm mấu chốt gây tranh cãi là tất cả người Mỹ đều buộc phải có bảo hiểm sức khỏe trước năm 2014, nếu không sẽ bị trừng phạt về kinh tế.

Ông John Roberts, chánh án Tòa án tối cao Mỹ, cho rằng không có gì biện minh cho việc loại bỏ biện pháp này, bởi đó giống như là đóng thuế.

Đánh vào người giàu

Trong số 310 triệu người Mỹ, có tới 50 triệu người hay 16% không hề có bảo hiểm y tế. Luật cải cách y tế của ông Obama, mà phe đối lập gọi là Obamacare, sẽ giúp khoảng 32 triệu người được hưởng các dịch vụ y tế thông qua bảo hiểm và cũng góp phần làm giảm áp lực cho các chi phí y tế đang gia tăng.

Tuy nhiên, một bộ phận lớn người Mỹ, nhất là người giàu và cả Đảng Cộng hòa, lại phản đối luật này. Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney tuyên bố sẽ hủy bỏ luật này ngay ngày đầu tiên được bầu làm tổng thống. Ông Romney nói “Obamacare” sẽ làm thuế đánh lên người Mỹ tăng khoảng 500 tỉ USD.

Đảng Dân chủ lại nghĩ khác. Họ cho rằng luật sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách khoảng 210 tỉ USD trong vòng 10 năm tới. Tất nhiên, một số loại thuế sẽ tăng đối với một số người nhưng luật này cũng giúp ngăn chặn việc một số người sử dụng chăm sóc y tế “chùa” và khiến những người còn lại gánh thêm chi phí.

Theo Reuters, ngoài chuyện buộc mua bảo hiểm, luật cải cách y tế chứa đựng rất nhiều điều liên quan đến thuế và tác động tổng thể của nó ảnh hưởng nặng nề đến những người giàu có, đối tượng được Đảng Cộng hòa thường xuyên bênh vực.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner, người thuộc Đảng Cộng hòa, cho rằng luật y tế này làm tổn thương nền kinh tế, làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và khiến các nhà tuyển dụng khó tuyển lao động mới. Đến năm 2014, các công ty có trên 50 lao động phải trả phí cho chính quyền liên bang là 2.000 USD cho một nhân viên làm việc toàn thời gian.

Dưới 50% so với 72,2%

Bức tranh y tế của Mỹ cũng đầy những nghịch lý, có lợi cho người giàu. New York Times dẫn thống kê của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhóm 34 nước có nền kinh tế tiên tiến (gồm cả Mỹ, các nước châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...), đưa ra ngày 28-6 cho thấy chi tiêu cho sức khỏe ở Mỹ là chưa đến 50%, thấp hơn nhiều so với mức 72,2% ở các nước OECD.

Các số liệu cũng cho thấy tổng cộng chi tiêu y tế (cả nhà nước hỗ trợ và tự bỏ tiền) tính trên đầu người ở Mỹ năm 2010 là 8.233 USD, cao hơn gấp hai lần các nước giàu ở châu Âu như Pháp, Thụy Điển, Anh.

Bỏ ra nhiều tiền chăm sóc sức khỏe như vậy nhưng người Mỹ có khỏe mạnh? Thực tế Mỹ có số bác sĩ và giường bệnh trên đầu người thấp hơn các nước OECD. Mỹ cũng chi nhiều hơn cho các thiết bị chẩn đoán hiện đại và các thí nghiệm y tế. Tỉ lệ béo phì ở Mỹ cũng được nói là cao hơn bất cứ nước nào trong 34 nước OECD. OECD cho rằng béo phì sẽ làm gia tăng các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường và các bệnh tim mạch. Điều này cũng đồng nghĩa với chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn trong tương lai.

Tác giả Pierre-Yves Dugua viết trên báo Le Figaro: “Ở châu Âu, quyền tiếp cận chăm sóc y tế cho tất cả mọi người được xem là bình thường, theo đó hệ thống tài chính dựa trên sự đóng góp bắt buộc”.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên