Ông Obama còn ít hơn 4 tháng để hoàn tất TPP - Ảnh: Reuters |
Ông Obama sẽ chính thức rời Nhà Trắng vào ngày 20-1-2017, khi tổng thống mới nhậm chức. Nghĩa là còn chưa đầy 4 tháng để thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong những phần quan trọng nhất trong chiến lược xoay trục sang châu Á của ông.
Tổng thống Mỹ sẽ đến Trung Quốc vào thứ 6 này để dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20, sau đó gặp thượng đỉnh các lãnh đạo châu Đông Nam Á tại Lào vào tuần tới.
Theo Reuters, hôm 29-8 các trợ lý của tổng thống Mỹ cho biết ông Obama sẽ tranh thủ các cuộc gặp này để trấn an các đối tác (các nước châu Á tham gia TPP gồm Nhật, Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam) về tương lai của TPP, trong bối cảnh hiệp định thương mại này vẫn tiếp tục bị chống đối trên chính trường Mỹ.
Khó khăn chồng chất
Đây không phải là chuyện dễ dàng cho ông Obama, người vẫn luôn hi vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP trước khi ông rời Nhà Trắng. Trước khi lên đường sang châu Á, ông Obama đã nhận “gáo nước lạnh” từ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở Thượng viện. Trong một tuyên bố hồi thứ 5 tuần trước, ông McConnell khẳng định Thượng viện sẽ không bỏ phiếu phê chuẩn TPP trong năm nay.
Thậm chí, ngay cả trong khoảng thời gian chuyển giao giữa cuộc bầu cử tổng thống ngày 8-11 và ngày 20-1-2017, Thượng viện cũng sẽ không xem xét vấn đề TPP. Theo TNS McConnell, mọi thứ sẽ để cho người kế nhiệm ông Obama quyết định.
Điều không may là cho đến giờ, cả hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều công khai phản đối TPP.
Ứng viên đảng Cộng hòa từng tuyên bố sẽ “xé bài làm lại” với TPP nếu nhậm chức, còn ứng viên Dân chủ, dù từng ủng hộ TPP với vai trò Ngoại trưởng trong chính quyền Obama, đã thay đổi lập trường.
Theo báo Washington Times ngày 29-8, gần như tất cả các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đều phản đối TPP, vì cho rằng nó chẳng khác nào Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) do ông Bill Clinton đề xướng trước đó, vốn khiến người Mỹ mất việc làm.
Thăm dò khác biệt
Một khó khăn khác mà ông Obama phải đối mặt là các thăm dò về tác động của TPP lên kinh tế Mỹ đều cho rằng ảnh hưởng tích cực là có, nhưng không đáng kể. Chẳng hạn, theo Washington Times, nghiên cứu của tổ chức học giả Peterson Institute (Washington) chỉ ra rằng TPP chỉ góp thêm 0,5% vào tăng trưởng kinh tế Mỹ sau 15 năm.
“Chúng ta có thể tranh thủ sự ủng hộ (TPP) rộng khắp từ cả nước, và ngài tổng thống sẽ chứng minh rằng ông đang đạt được tiến bộ và TPP sẽ được phê chuẩn trước khi ông rời Nhà Trắng” |
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest |
Dù vậy, chính quyền Obama vẫn nỗ lực trấn an cả người dân trong nước lẫn các đối tác rằng TPP sẽ tốt cho nước Mỹ và cho chính họ. Để đối lại các thăm dò kém lạc quan về TPP, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest dẫn thăm dò của NBC News/Wall Street Journal hồi tháng 7 cho thấy 55% cử tri Mỹ tin rằng hiệp định tự do thương mại là tốt cho nước Mỹ.
Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Ben Rhodes cũng cho rằng nếu TPP không thể hoàn tất sẽ là bước lùi cho vai trò lãnh đạo của Mỹ.
“Nếu không thể thông qua TPP, (nước Mỹ) sẽ đánh mất vai trò lãnh đạo và để mất khu vực (châu Á) cho các nước như Trung Quốc - những quốc gia không có được các tiêu chuẩn về hiệp định thương mại cao như chúng ta” - ông Rhodes nhấn mạnh.
Mọi thứ quả thật không sáng sủa cho ông Obama. Chủ nhật vừa qua, ông cũng bị “dội nước lạnh” khi Bộ trưởng kinh tế Đức Sigmar Gabriel tuyên bố đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và các nước châu Âu coi như đã thất bại. “Đàm phán thất bại vì người châu Âu chúng tôi không muốn tự buộc mình phải làm theo nhu cầu của người Mỹ” - ông Gabriel nhấn mạnh. Ông Obama đã theo đuổi đàm phán TTIP ba năm nay và vốn hi vọng sẽ kết thúc nó trước năm 2016. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận