An Giang: Trên 90% đất nông nghiệp được bơm tưới bằng điện
Lắp trạm bơm và khoan giếng chống hạn
Mỗi người dân gánh 10 USD nợ cho nhà máy alumin
Phóng to |
Các chủ khai thác trạm bơm hiện đang gánh khoản nợ đầu tư của ngành điện mà không thể nào trả nổi - Ảnh: Đ.Vịnh |
Theo Điện lực An Giang, giai đoạn 2008-2012 Tổng công ty Điện lực miền Nam (ĐLMN) vay 170 tỉ đồng từ ngân hàng thương mại đầu tư 358km đường dây điện ba pha kèm lắp đặt 936 trạm biến áp ở An Giang.
Với hệ thống đó, các huyện thị mời gọi hàng trăm cá nhân và tổ hợp tác (gọi là chủ khai thác) tham gia làm dịch vụ tưới tiêu, sau đó thu tiền từ nông dân trả lại vốn và lãi của khoản vay trên trong vòng bốn năm...
Nợ tiền tỉ
"Từ 170 tỉ đồng do ĐLMN vay ngân hàng thương mại đầu tư hệ thống điện ban đầu, đến tháng 3-2014 tổng số nợ gốc tới hạn phải trả là 84 tỉ đồng và phần lãi đã phát sinh thêm 52,2 tỉ đồng. Trong khi các chủ khai thác thu tiền từ nông dân chỉ mới góp trả được 13,4 tỉ đồng" ÔngĐỖ VŨ HÙNG |
Các chủ khai thác đã chi thêm 250 tỉ đồng xây dựng hoàn chỉnh gần 900 trạm bơm điện cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác để hoạt động bơm rút nước phục vụ sản xuất lúa vụ ba.
“Trung bình mỗi trạm phải gánh nợ đầu tư của ngành điện 200 triệu đồng, đồng thời chủ khai thác phải kéo thêm đường dây hạ thế, xây bể đập, làm cơ sở hạ tầng, sắm máy bơm cùng với nhiều trang thiết bị tốn kém thêm hàng trăm triệu đồng” - ông Vương Hữu Tiếng, phó Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cho hay.
Khi được bàn giao năm trạm biến áp, ông Nguyễn Văn Tuấn - một chủ khai thác ở xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành - phải gánh khoản vay đầu tư của ngành điện hơn 1 tỉ đồng với lãi suất trên 16-18%, có lúc tới 22%/năm.
Năm rồi huyện thông báo nếu chủ khai thác nào thanh toán dứt điểm nợ cho ĐLMN thì sẽ được hỗ trợ lại 50% vốn không lãi suất, ông Tuấn bèn thế chấp tài sản vay ngân hàng để trả, thế nhưng từ đó tới nay ông chưa nhận đồng hỗ trợ nào như đã hứa.
“Lãi tôi vay ngân hàng nhưng lợi nhuận từ trạm bơm không đủ đóng lãi” - ông Tuấn nói.
Tương tự, sau khi tiếp nhận chín trạm biến áp, gia đình ông Phạm Tấn Diện - xã Cần Đăng, huyện Châu Thành - cũng lãnh nợ 1,7 tỉ đồng với lãi suất “khủng”.
Ngoài ra, ông còn bỏ vốn, vay mượn thêm để xây dựng trạm bơm. Mấy năm qua, khoản thu từ nông dân mỗi vụ chỉ đủ đáo nợ ngân hàng và trang trải các chi phí vận hành trạm bơm, hiện nay khoản nợ và lãi của ngành điện vay đầu tư mà ông phải gánh đã lên tới 3 tỉ đồng.
Tiếp tục vay để trả nợ
Tại huyện Thoại Sơn có 203 trạm bơm điện, trong đó vốn ĐLMN vay ngân hàng thương mại để đầu tư là 36,59 tỉ đồng, đến nay số nợ gốc đến hạn và lãi phát sinh đã lên tới 33,41 tỉ đồng mà các chủ khai thác mới nộp được 46 triệu đồng.
Sau nhiều đợt vận động không kết quả, mới đây UBND các xã, thị trấn đã ký thêm phụ kiện hợp đồng buộc các chủ khai thác phải hoàn trả nợ trong bốn năm.
Tại huyện Châu Phú với 272 trạm bơm điện, từ 44 tỉ đồng đầu tư ban đầu hiện tiền lãi đã phát sinh gần 16 tỉ đồng mà các chủ khai thác chỉ mới nộp được 649 triệu đồng. Bà Huỳnh Thị Khắc Hạnh, phó Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Nhiều hộ trồng lúa lại không chịu đóng tiền. Thu không đủ bù chi nên chủ khai thác không thể trả nợ và lãi cho ngành điện”.
Trong khi đó, nhiều nông dân bảo rằng các trạm bơm điện chủ yếu rút nước chống úng cho lúa vụ ba, trước kia mỗi vụ thu tới 2,2 triệu đồng/ha, nay tuy còn 1,6-1,8 triệu đồng/ha vẫn là quá cao.
“Trồng lúa lãi chẳng nhiêu mà phải đóng tiền lên đê bao, rồi cứ nộp thêm khoản bơm rút nước dài dài như... đóng hụi chết thì sao chịu thấu” - bà Phan Thị Hường, nông dân ngụ xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, than thở.
Trước tình hình thu hồi nợ chậm, để “né” mức lãi suất cao ngất ngưởng nói trên, UBND tỉnh An Giang đã phân bổ nguồn vốn vay từ chương trình kiên cố hóa kênh mương của Bộ Tài chính cho các huyện thị để trả bớt nợ đến hạn và lãi.
Tuy nhiên, theo ĐLMN, tính đến tháng 6-2014 khoản nợ gốc tới hạn và lãi phải trả cho ngân hàng đã lên tới 146 tỉ đồng mà hiện tỉnh chỉ mới thanh toán được gần 115 tỉ đồng.
Ngoài ra với 86 tỉ đồng nợ gốc chưa tới hạn, dù lãi suất hiện giảm còn 12-13%/năm nhưng mỗi năm lãi vẫn phát sinh thêm khoảng chục tỉ đồng.
Theo ông Đỗ Vũ Hùng - giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, kể từ năm nay nguồn vốn trên chỉ dành đầu tư cho hệ thống đê bao, giao thông nên không còn nguồn hỗ trợ nào để trả nợ. An Giang cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính cho vay thêm vốn ưu đãi để trả cho ngành điện nhằm giảm bớt gánh nặng lãi suất cao, sau đó thu hồi dần và hoàn trả trong năm năm nhưng không được chấp thuận.
“Khoản vay nào tới hạn cũng phải trả. Vì vậy vừa qua UBND tỉnh yêu cầu các địa phương gấp rút triển khai các biện pháp thu hồi nợ từ các chủ khai thác, từ dân để thanh toán cho ĐLMN” - ông Hùng cho hay.
Nông dân đầu tư cho ngành điện bán điện Theo Sở NN&PTNT An Giang, các trạm bơm điện đầu tư giai đoạn 2008-2012 đã giúp diện tích lúa vụ ba của tỉnh tăng thêm 90.000ha và sản lượng lúa tăng thêm 780.000 tấn. Bên cạnh chi phí rẻ hơn bơm dầu 370.000 đồng/ha, góp phần giảm giá thành sản xuất thì bơm điện rút nước nhanh giúp chủ động được lịch thời vụ. Tuy vậy, vẫn còn bất cập là nông dân phải đóng góp trả chi phí đầu tư với lãi suất “khủng” và nộp phí bơm rút nước nên giá thành không giảm tới mức tối đa, hiệu quả chưa cao. Ở đây nông dân đóng góp trả vốn lẫn lãi cho khoản ĐLMN vay đầu tư thì chính họ là người đầu tư hệ thống bơm điện. Trong khi đó, ngành điện lại được quản lý khai thác khối tài sản đó với nhiều hình thức khác nhau. Nghịch lý ấy đã làm giảm sự đồng thuận, nhiệt tình đóng góp của dân, từ đó thu hồi vốn trả nợ chậm. Ông Vương Hữu Tiếng cho biết nông dân gánh toàn bộ chi phí làm hệ thống trạm bơm điện nhưng lâu nay ngành điện lại độc quyền sử dụng đường dây để bán điện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh khác. Ngoài ra, sau thời hạn 10-12 năm thì toàn bộ hệ thống trạm bơm điện được bàn giao lại cho điện lực quản lý khai thác. “Bà con mình là người mua điện mà lại đầu tư tạo điều kiện cho ngành điện bán điện để hưởng lợi. Thật là trái khoáy. Gần đây nhiều đại biểu HĐND, cán bộ đã chất vấn về nghịch lý này. Lẽ ra ngành điện nên chia sẻ khoản đầu tư và lãi” - ông Tiếng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận