![]() |
Những người lớn trên đường tới công sở, tới viện khoa học, tới trung tâm thương mại nhẹ nhàng sung sướng lẩm nhẩm hát theo. Ca từ ngây thơ trong veo giai điệu dễ thuộc. Người lớn bỗng chốc quên tiệt đi những cái họ đã cãi nhau, đấu đá nhau, giả dối nhau mà họ luôn thô bạo làm hàng ngày trước mặt bọn trẻ.
"Ồ sao bé không lắc?". Đối với biết bao nhiêu người lớn, ca từ này sao mà đáng yêu, sao mà trong trắng đến mức đơn giản khỏi cần phải nghĩ.
Thế nhưng, dư luận lành mạnh đang chao đảo từ những cơn lắc khác của giới trẻ đã qua tuổi bé. Những phóng sự, những ghi chép hoặc nghiêm khắc xót xa hoặc đau đớn phẫn nộ trên báo hình, báo viết đã phơi bày cho người xem, người đọc rụng rời thấy rõ là bọn trẻ đang lắc như thế nào. Kinh hoàng!
Nguyên văn lời đại tá Vũ Hùng Vương, Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm về ma túy: "Nạn nghiện lắc mỗi năm "đốt" từ 2.500 đến 3.000 tỉ đồng". Biết bao người lớn, hoặc đạo mạo có râu, hoặc nhẵn nhụi trí thức nghẹn ngào tức tưởi. Kính thưa các vị người lớn chúng ta, tại sao bọn trẻ lại lắc?
Thực ra để lắc lư cái mình, tuyệt đối không phải độc quyền của bọn trẻ. Rất nhiều quý bà quý cô thường là vợ sếp thường là dư tiền tuổi sồn sồn, khi lên Phủ tới Đền để "ra đồng", đã có thể lắc suốt từ buổi sáng thông tầm tới buổi chiều. "Cậu bắn súng lục, Bà bơi thuyền rồng". Các cung văn gẩy đàn thổi sáo mỏi môi rụng tay. Đây chỉ là một ví dụ minh họa khập khiễng chẳng hề là một lý giải.
Nguyên nhân chính xác của bọn trẻ lắc thì các nhà xã hội học đã và đang tìm câu trả lời. Có người kể (cũng chỉ là ví dụ minh họa thôi): Thời gian gần đây, thần tượng của các cầu thủ trẻ ở một câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng là ông tổng giám đốc một cơ quan sang trọng tài trợ chính cho đội bóng. Ông này lên báo lên hình phẫn uất bức xúc chỉ rõ sự sa sút của đội bóng chính là sự thiếu trung thực trong từng cá nhân cầu thủ trẻ.
Họ đã bị những thế lực đen tối dùng đồng tiền ma mị làm hỏng. Ông tổng chính khí rành rọt dõng dạc nói, và một vài cầu thủ trẻ sâu xa ôm mặt xấu hổ. Họ tự hứa là trận sau, rồi trận tới sẽ đá hết mình vì màu cờ sắc áo. Bỗng nhiên ngẫu nhiên đương nhiên và đột nhiên, ông tổng bị công an bắt với tội danh ăn cắp. Thật không khó hiểu lắm, nếu hôm được tin đó có vài cầu thủ sẽ buông tay không ôm mặt nữa mà tủi thân rủ nhau đi cắn thuốc lắc.
Thêm một chuyện mới. Có cô bé lớp 11 viết bài văn thi được vô số người có tuổi cho là "lạ". Nhan nhản người lớn quây quần vào uyên bác phân tích coi đó là một hành động dũng cảm, là một thao tác vô cảm, là một sự cảnh báo, là một sự chân tình giãi bày thậm chí là một sự lười học lươn lẹo hiếu danh. Các người lớn ơi, đấy là các người lớn đang giải thích hùng biện thuyết phục bày tỏ thắng thua với nhau.
Còn đơn giản đây chỉ là lời đúng như thật đúng tuổi của một đứa bé. Nó có thể nông nổi thiển cận nửa đúng nửa sai, nhưng hình như nó là trung thực. Nhà thơ Nga Éptusencô nức nở: "Thật xấu hổ khi con cháu chúng ta biết chúng ta coi sự trung thực như là sự dũng cảm". Xấu hổ thật! Trung thực hoặc vị tha, hoặc những vân vân tương tự nào đó, là những đặc tính đương nhiên làm nên chúng ta. Và những loài sinh vật khác nhận ra con người là bởi những cái đương nhiên ấy.
Triết gia thật già Lão Tử cay đắng nói: "Đại đạo phế hữu nhân nghĩa. Lục thân bất hòa hữu hiếu tử". Đạo lớn mất rồi thì phải ba hoa về nhân nghĩa. Gia đình rối loạn bất hòa thì khát khao được con hiếu. Thật xấu hổ khi phải tôn vinh lòng trung thực. Nhưng hầu hết chúng ta đang mấp mé bị quen cái nết ấy rồi. Một cảnh sát giao thông không nhận hối lộ: - thưởng. Một quan chức tuyên bố là mình không ở trong một đường dây mờ ám nào cả: - tự hào. Sự đương nhiên của tính người được công kênh đôn lên là phẩm chất ưu tú.
Tại sao bọn trẻ lại lắc? Sẽ có rất nhiều bọn trẻ chưa lắc lễ phép nhìn thẳng vào mặt các người lớn và chúng hỏi. Thường thường người lớn cao đạo nước đôi nửa như gật lại nửa như lắc. Khó nhỉ. Có phải vậy chăng mà một số bọn trẻ hoang mang lao đầu đi tìm thuốc lắc? Người lớn thở dài, người lớn chưa tìm ra được cái lắc đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận