03/04/2012 08:36 GMT+7

Ô nhiễm nước ngầm đang lan rộng

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Đó là nhận định của Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Hà Nội về thực trạng nguồn nước ngầm sau khi khảo sát, phân tích các mẫu nước được lấy từ nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

xuWNT50g.jpgPhóng to
Khu vực khoan giếng và sử dụng nước thường chung nhau như thế này khiến nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn (ảnh chụp tại khu nhà trọ ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội)- Ảnh: Quang Thế

Theo Sở TN-MT Hà Nội, tại các điểm khoan khai thác nước không lập vùng bảo vệ, khiến toàn bộ nước mặt đã nhiễm bẩn tràn xuống qua đường khoan làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Chưa bảo vệ nguồn nước

Để đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nước ngầm, Sở TN-MT Hà Nội điều tra, khảo sát tại 190 giếng khoan khai thác nước quy mô công nghiệp và 1.000 giếng khoan khai thác nước kiểu nhỏ lẻ, trong đó có giếng khoan Unicef của các hộ gia đình.

Theo lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội, với 150 mẫu nước được lấy từ các điểm khoan, qua kiểm tra, phân tích, đồng thời kết hợp với các tài liệu quan trắc nước dưới đất tại nhiều khu vực của Hà Nội cho thấy diện tích nguồn nước ngầm bị ô nhiễm đang có dấu hiệu mở rộng. Kiểm tra tại khu vực phía tây Hà Nội và khu vực các huyện ngoại thành thì nguồn nước ngầm ở cả hai tầng chứa nước nông và sâu cũng bị ô nhiễm các chất như amoni và asen.

Ông Phạm Văn Khánh, phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết ở các nước việc xây dựng vùng bảo vệ quanh điểm khoan lấy nước rất quan trọng và thường được chia thành ba đới bảo vệ. Đới thứ nhất có bán kính 10-30m quanh các công trình khai thác nước, phạm vi này được bảo vệ nghiêm ngặt. Đới thứ hai có bán kính 50-100m, trong phạm vi này không được khoan đào, xây dựng và không được sử dụng các loại phân bón. Đới thứ ba là vùng bảo vệ xa hơn với khuyến cáo trên phạm vi vùng bảo vệ này không được phép xây dựng các công trình chôn lấp, xử lý chất thải, nghĩa trang hoặc các nhà máy có chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, mặc dù quy định xây dựng vùng bảo vệ đối với các công trình khai thác nước tại Hà Nội đã có, nhưng do quỹ đất hạn hẹp nên việc này không được thực hiện. Ngoài ra, tình trạng giếng khoan tự phát ở các khu dân cư, giếng khoan khai thác nước quy mô nhỏ trong sản xuất, kinh doanh nhà hàng không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến thực tế khai thác tùy tiện và sử dụng cũng tùy tiện.

“Phổ biến nhất là các giếng khoan ở khu nhà trọ. Tại đây chỉ một giếng khoan nhưng hàng chục hộ dùng. Dùng xong thì thải ngay tại khu vực khoan, kèm đủ loại tạp chất theo đường ống khoan ngấm xuống các tầng chứa nước ngầm. Do vậy khi nước ngầm được khai thác lên nhiều thì nước nhiễm bẩn cũng tràn xuống nhiều khiến chất bẩn lan nhanh trong các tầng chứa nước” - ông Khánh phân tích.

Khoan giếng nhỏ cũng phải xin phép

Theo ông Khánh, quản lý nguồn nước ngầm tại Hà Nội hiện nay còn bất cập. Việc quản lý các giếng khoan nhỏ lẻ vẫn chưa có quy định. Phần lớn giếng khoan nhỏ lẻ, giếng khoan của hộ gia đình hiện nay vẫn theo dạng tự khoan do chưa có các quy định về việc phải xin cấp phép, hoặc các hướng dẫn trong khai thác, sử dụng.

Theo Sở TN-MT Hà Nội, để bảo vệ nguồn nước ngầm dưới đất bắt buộc phải có quy định về vùng bảo vệ (còn gọi là vùng phòng hộ vệ sinh) đối với các công trình khai thác nước dưới đất. Ông Khánh cho biết hiện nay Sở TN-MT đang xin ý kiến các sở, ngành liên quan về việc xây dựng vùng bảo vệ. Dự kiến trong quy định này sẽ có các điều khoản quy định về việc khoan giếng nhỏ lẻ theo hướng giếng khoan của hộ gia đình cũng phải xin phép. Việc xin phép ở đây không có nghĩa bó hẹp hay giới hạn việc sử dụng nguồn nước. Người dân xin phép để trong quá trình cấp phép cơ quan chức năng sẽ xem xét, hướng dẫn cách khoan và xây dựng vùng bảo vệ để hạn chế nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên