Phóng to |
Ông Trần Mạnh Xuân-Ảnh: Đ.H.L. |
Kỳ 1: Đô thị ô nhiễm Kỳ 2: Hủy hoại nước ngầm Kỳ 3: Trả lại môi trường: mất hàng chục năm
- Dư luận đã lên tiếng từ rất lâu về chuyện ô nhiễm môi trường ở Quảng Ninh. Chính vì lơ là trong công tác này nên dẫn đến việc hoàn thổ sau này sẽ rất khó khăn. Ví dụ chuyện bãi thải của những mỏ khai thác than lộ thiên đáng lẽ ra phải đổ theo phân tầng, kiểu như ruộng bậc thang thì sẽ rất ổn khi xử lý trồng cây, thậm chí canh tác. Nhưng các mỏ khai thác than lộ thiên hiện nay sau khi bóc lớp đất, đá lại cứ đổ tràn từ trên xuống, bên dưới có thể xây kè chắn. Mưa to kè nào chịu nổi một lượng nước và đất đá khổng lồ dồn xuống như thế. Vì vậy những năm qua đã xảy ra nhiều hiện tượng kè chắn, đập ở Quảng Ninh bị vỡ, dân cư lâm vào cảnh lụt lội, ô nhiễm.
Về chuyện bụi đen đất mỏ, mấy năm gần đây ghi nhận có nhiều chuyển biến như không vận chuyển than trên quốc lộ, không chuyền tải than trên vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, có nhiều điểm giao lộ với đường dân sinh làm chưa triệt để, đi qua vùng Mạo Khê, Cẩm Phả bụi than vẫn ngập đường. Điều này cũng chưa phải hoàn toàn do lỗi của Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) vì hiện tượng vận chuyển than trái phép vẫn còn và chính quyền chưa triệt được tận gốc nên vẫn gây ra bụi.
Hoàn thổ các mỏ đã khai thác để phục hồi nguyên trạng là việc làm rất khó. Trước kia, người Pháp khai thác than ở Quảng Ninh rất “khôn”, những moong than có độ sâu chừng vài chục mét ở Cẩm Phả là họ biến thành hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt, bên bờ moong họ trồng cây xanh và lấy nước đó tưới luôn. Với những khu bãi thải, họ tạo một mặt bằng mới và đưa phu mỏ (người lao động làm thuê) đến ở. Hiện nay, theo tôi được biết, ở Quảng Ninh, chúng ta đã khai thác những moong than lộ thiên có độ sâu 100-300m, các bãi thải bao gồm đất, đá đổ lan tràn vùng mỏ Quảng Ninh.
Chỉ tính riêng vùng Cẩm Phả, Đèo Nai, có hơn 100 triệu m3 chất thải gồm đất, đá, sít đang ứ đầy các bãi thải. Việc xả thải của các doanh nghiệp khai thác than phía đầu nguồn đã khiến một số đoạn trong khu vực vịnh Cửa Lục (đoạn từ bến phà Bãi Cháy cũ đến khu vực chân Cầu Bang) bị bồi lắng, có điểm lượng bùn bồi lắng kéo dài tới vài chục mét ra phía biển hiện đang là thách thức lớn cho TKV trong việc phục hồi môi trường vùng mỏ.
Phóng to |
Trồng những cây keo non trên vùng đã khai thác than- Ảnh: Đ.H.L. |
* Ông thấy việc khai thác than và bảo vệ môi trường của TKV có khác gì ở các nước tiên tiến?
- TKV áp dụng phương pháp khai thác than rất tiên tiến như hiện nay ở Đức, Ba Lan, Trung Quốc và các nước khác có mỏ than. Tuy nhiên, việc xử lý môi trường thì khác. Ở Đức, sau việc khai thác than lộ thiên thì vùng đó là vùng du lịch sinh thái. Sau khi bóc lớp đất đá, người ta tạo ngay thành những ngọn núi, quả đồi và trồng cây. Và sau khi bóc hết lớp than, nghĩa là khai thác than xong thì chỗ đó là hồ chứa nước. Đằng này TKV khai thác than rất mạnh nhưng chưa có quy hoạch bảo vệ môi trường vùng than, đây là điều rất đáng lo. Các biện pháp như trồng cây keo, cỏ vetiver trên các bãi thải hiện mới đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa khẳng định được điều gì khả thi để vùng mỏ có thể phục hồi môi trường như nguyên trạng ban đầu.
Phóng to |
Công nhân Công ty Môi trường Hạ Long dọn dẹp đường phố sau những trận mưa lớn do có nhiều đất đá, bùn chảy xuống đường phố- Ảnh: Đ.H.L. |
* Theo ông, để bảo vệ môi trường và phục hồi môi trường vùng mỏ thì TKV phải làm gì?
- Theo tôi, TKV cần thực hiện thật nghiêm túc Luật môi trường, Luật đất đai và những chính sách, quy định của địa phương về môi trường. TKV cần phải tăng cường đầu tư công nghệ và thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm. TKV phải có quy chế về môi trường của tập đoàn, rồi từng đơn vị cũng phải có quy chế riêng về bảo vệ môi trường, kế hoạch và phương án hoàn nguyên. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra giám sát.
Để giúp TKV thực hiện tốt công tác này, Nhà nước nên có chế tài đủ mạnh để xử phạt những đơn vị khai thác mỏ thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, hay khen thưởng những đơn vị của TKV thực hiện tốt công tác bảo vệ và phục hồi môi trường. Đơn vị nào thực hiện không nghiêm túc phải có mức phạt để răn đe. Hiện nay nếu không quan tâm đến môi trường vùng mỏ Quảng Ninh mà cứ để “thả lỏng” thì sau này đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào đó cũng khó khắc phục được nguyên trạng.
_____________________
Số tới đón đọc những câu chuyện cảm động: Trong thế giới không lời
Đó là chuyện đời cảm động của những người không may bị câm và điếc. Họ chỉ có thể nói bằng đôi tay và ánh mắt, vượt qua bao khó khăn của bản thân để sinh sống, khẳng định mình.
Có nhiều người gặp những “chuyện tình ra dấu”, những lời tỏ tình lặng lẽ. Chuyện tình qua những cử chỉ dù âm thầm nhưng luôn rạng ngời hạnh phúc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận