![]() |
Xỉ đồng đã qua sử dụng do Hyundai Vinashin thải ra cao như núi! - Ảnh: Q.T |
Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) đi vào hoạt động từ tháng 4-1999. Tám năm qua, người dân địa phương sống khốn khổ và héo mòn vì ô nhiễm phát tán từ chất thải của nhà máy.
Để làm sạch các mảng dơ bẩn, lớp sơn cũ, lớp gỉ sét... bám chặt thành vỏ tàu, HVS đã dùng xỉ đồng bắn tẩy trước khi tàu được sửa chữa, sơn mới. Đó là công nghệ được HVS lựa chọn và áp dụng tại VN trong nhiều năm qua. Hằng năm HVS cần một lượng rất lớn hạt xỉ đồng phục vụ việc làm vệ sinh các tàu biển. Từ năm 1999-2007, HVS đã đưa vào VN xấp xỉ đến 750.000 tấn xỉ đồng.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường xác định việc sử dụng hạt xỉ đồng làm phát sinh bụi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân hai thôn Mỹ Giang và Ninh Yển thuộc xã Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Xỉ đồng gây ô nhiễm trầm trọng
"Lý lịch trích ngang" của Hyundai Vinashin Công ty TNHH Hyundai Vinashin là liên doanh được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại VN, được Bộ Kế hoạch và đầu tư cấp phép số 1686 ngày 30-9-1996 (chính thức hoạt ngày 26-4-1999). Các bên tham gia gồm: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN (bên VN) và bên nước ngoài gồm: Hyundai Mipo Dockyard, Hyundai Corporation, Hyundai Heavy Industries, Hyundai Engineering & Construction. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 95 triệu USD, đến khoảng năm 2005 nâng vốn đầu tư lên 167 triệu USD. Hyundai Vinashin được giao 100ha mặt đất và 170ha mặt biển, nhà máy đặt tại thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Trong sáu năm (1999 - 2004) doanh thu của Hyundai Vinashin đạt gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, nộp ngân sách của nhà máy trong giai đoạn này khoảng 123 tỉ đồng (mức nộp cao nhất khoảng 55 tỉ đồng, năm 2004). |
Không lâu sau ngày nhà máy HVS cắt băng khánh thành, người dân địa phương bắt đầu hứng chịu những trận bụi xỉ đồng liên tiếp, trở thành mối họa kéo dài nhiều năm nay. Luồng bụi xỉ đồng đi đến đâu là gieo khổ cho dân đến đó. Nhà cửa đen, cây cối đen, chăn màn đen, thức ăn thức uống bị đen... Hễ cái gì bị bụi xỉ đồng bám vào là đổi thành màu đen!
Ông Nguyễn Đường - phó chủ tịch HĐND xã Ninh Phước - kể có năm ngày tết sắp mâm cỗ cúng tổ tiên, khi nhang tàn cũng là lúc mâm cỗ bị nhuộm... đen bụi xỉ đồng. "Coi như mâm cỗ đó phải đổ cho heo ăn, chứ làm sao ăn được". Ông Đường cho biết các lỗ thông gió ở nhà đều được che kín nhưng trong nhà vẫn có bụi xỉ đồng. Giới chuyên môn cho biết do phần mịn của bụi xỉ đồng nhẹ, kích thước rất nhỏ nên chúng có thể di chuyển xa và chui được vào nhiều nơi, kể cả cơ thể con người.
Trụ sở UBND xã Ninh Phước - địa phương đặt nhà máy tàu biển HVS - nằm cách xa nhà máy này gần 2km cũng không tránh được những luồng bụi xỉ đồng. Theo bà con sinh sống ở địa phương, bụi xỉ đồng có thể bay xa đến khoảng vài kilômet.
Ông Nguyễn Đường cho biết tình trạng bụi xỉ đồng bám đen nhà cửa gây xáo trộn và hoang mang, lo lắng cho cuộc sống hằng ngày người dân địa phương đã được phản ảnh rất nhiều năm nay. Tiếp xúc với bà con, lúc nào cũng nghe than trách, kêu hoài, kêu mãi về tình trạng này. Nhưng cấp xã cũng chỉ ghi nhận rồi kiến nghị lên trên là hết, chứ đâu có làm gì được để giúp bà con nhiều hơn...
Dửng dưng trước sức khỏe người dân
![]() |
Bãi đổ xỉ đồng qua sử dụng của Hyundai Vinashin - Ảnh: Q.Thanh |
Chịu đựng hết nổi, đã nhiều lần bà con sống quanh nhà máy HVS tập trung kéo lên tìm lãnh đạo nhà máy trực tiếp yêu cầu không để bụi xỉ đồng bay lung tung và có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của người dân địa phương. Nhưng rồi mọi chuyện cứ trôi đi trong suốt hơn tám năm qua, chưa bao giờ được giải quyết triệt để.
Ngay như quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu HVS xử lý triệt để ô nhiễm, công ty này cũng không chấp hành nghiêm túc. Khi dân phản ứng đến gay gắt thì HVS mới dùng lưới che chắn. Thế nhưng, theo Bộ Tài nguyên và môi trường, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi xỉ đồng được HVS thực hiện trong những năm qua chỉ là tạm thời, cục bộ và chỉ hạn chế một phần ảnh hưởng của bụi xỉ đồng đến khu dân cư.
Trong khi đó, giới chuyên môn cho biết các loại bụi mịn, có kích thước nhỏ là rất đáng sợ, nó được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng", ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người. Nhiều tài liệu khoa học gần đây được công bố (do nhóm các nhà khoa học tại Nha Trang thực hiện) cho thấy trong bụi của xỉ đồng bay từ nhà máy HVS ra khu dân cư có chứa nhiều kim loại nặng như sắt, đồng, chì, asen, cadimi, crôm...
Còn Viện Nghiên cứu mỏ và luyện kim (Bộ Công nghiệp) - cơ quan nghiên cứu giải pháp xử lý môi trường do xỉ đồng đã qua sử dụng tại HVS - cảnh báo "sự tiềm tàng các kim loại nặng trong hạt xỉ đồng đã qua sử dụng vẫn luôn là nhân tố bắt buộc những người làm công tác bảo vệ môi trường phải lưu ý và tìm cách khắc phục".
Các kim loại nặng được tìm thấy trong bụi xỉ đồng bay từ nhà máy HVS tuy có hàm lượng khác nhau tùy loại, nhưng đây là những kim loại nặng độc hại, thậm chí rất độc hại cho người và môi trường sống. Đơn cử như chì, có liên quan đến các bệnh về thần kinh và một số loại bệnh tật nguy hiểm khác. Trong lúc xăng chứa chì được loại bỏ triệt để vì tính độc hại của chúng rất cao thì nhiều hoạt động công nghiệp, trong đó có nhà máy HVS, liên tục thải những chất thải có chứa chì vào môi trường.
Vì sao HVS có thể dửng dưng trước sức khỏe của hàng nghìn con người và những nguy cơ suy thoái môi trường vùng vịnh Vân Phong? Dư luận đang hỏi ai đã "bật đèn xanh" cho HVS tồn tại các hoạt động gây ô nhiễm kéo dài như vậy trong suốt nhiều năm qua?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận