25/09/2016 12:09 GMT+7

Nuôi hổ trong khu dân cư: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, các cơ sở nuôi hổ hiện nay chủ yếu là thí điểm, có từ nhiều năm trước chứ không phát sinh cơ sở nuôi mới. Vì vậy, chưa có tiêu chuẩn cụ thể về cơ sở nuôi hổ.

Liên quan vụ “Hổ quật chết người dưỡng thú tại Bình Dương”, trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết hiện trường vụ việc xảy ra bên trong chuồng hổ chứ không phải bên ngoài chuồng.

Qua kiểm tra, chi cục kiểm lâm đánh giá các điều kiện vật chất để nuôi nhốt hổ vẫn đảm bảo an toàn.

Theo tường trình của chủ cơ sở, con hổ vồ người là con hổ cái Ami (không phải hổ trắng), nặng khoảng 120kg, đã được nuôi nhiều năm. Do con hổ này có dấu hiệu bị bệnh, biếng ăn nên chiều 23-9, ông Lương Văn Hải (40 tuổi, nhân viên chăm sóc) vào trong chuồng cho hổ ăn. Không may, con hổ cái đã vồ lên mặt và người ông Hải khiến ông tử vong tại chỗ.

Cơ sở nuôi hổ này vốn là địa điểm cũ của Công ty TNHH bia Thái Bình Dương (Pacific Beer) tại P.Bình An, thị xã Dĩ An do ông Ngô Duy Tân làm chủ (hiện nay công ty đã tạm ngưng hoạt động). Từ năm 2005-2006, ông Tân mua một số hổ con không rõ nguồn gốc về nuôi dưỡng.

Vụ việc khi đó đã gây tranh cãi về việc nuôi dưỡng động vật hoang dã, việc nuôi hổ trong khu dân cư... Sau đó, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ đề nghị về việc cho phép nuôi thí điểm hổ tại một số cơ sở.

Bình Dương là địa phương hiếm hoi của cả nước có mô hình nuôi hổ. Toàn tỉnh Bình Dương chỉ có ba cơ sở được phép nuôi hổ thí điểm, gồm cơ sở của ông Ngô Duy Tân (thị xã Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (thị xã Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (TP Thủ Dầu Một).

Tại cơ sở nuôi hổ của ông Ngô Duy Tân, sau hơn 10 năm nuôi dưỡng, số hổ có biến động, hiện còn khoảng 16 con. Trước đây, hổ nuôi tại cơ sở này cũng đã từng sinh con thành công.

Việc chăm sóc động vật hoang dã như hổ, voi... luôn tiềm ẩn nguy hiểm cao. Vào ngày 10-9-2009, tại khu du lịch Đại Nam (P.Hiệp An, TP Thủ Dầu Một), một con hổ đã nhảy qua hàng rào cắn chết một nhân viên và làm bị thương một nhân viên khác.

Cũng tại khu du lịch này, vào ngày 23-12-2013, một quản tượng khi mang thùng sơn đi ngang qua chuồng voi đã bị con voi tên Ka dùng vòi quật tử vong. Công ty Đại Nam sau đó đã hỗ trợ gia đình người quản tượng 500 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ hổ vồ người chăm sóc tại thị xã Dĩ An, ông Lương Thiện Dân - quản lý cơ sở nuôi hổ - cho biết sẽ lo hậu sự chu đáo và chăm lo cho gia đình nạn nhân.

“Hải là em họ của tôi nên chúng tôi sẽ có trách nhiệm tốt nhất với vợ con của nạn nhân. Sáng nay (24-9), tôi đưa thi thể em về quê để lo hậu sự” - ông Dân cho biết.

Chưa có tiêu chuẩn cụ thể

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, các cơ sở nuôi hổ hiện nay chủ yếu là thí điểm, có từ nhiều năm trước chứ không phát sinh cơ sở nuôi mới. Vì vậy, chưa có tiêu chuẩn cụ thể về cơ sở nuôi hổ.

Tuy nhiên, nghị định 160/2013 về chế độ quản lý loài thú thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ có quy định: phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo giống ban đầu; loài được ưu tiên bảo vệ được nuôi phải có nguồn gốc hợp pháp và thuộc danh mục loài đã đăng ký khi thành lập cơ sở bảo tồn hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Ngoài ra, việc chuyển nhượng các loài thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ cũng hạn chế và phải tuân theo các quy định của cơ quan chức năng.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên