Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) thăm quy trình sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại vùng nuôi của Tập đoàn Việt Úc ở xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, An Giang - Ảnh: B.ĐẤU
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp tổ chức tại tỉnh An Giang ngày 21-8.
Mấy tháng thêm cả ngàn hecta cá tra
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), năm 2018 có thời điểm giá cá tra nguyên liệu tăng đến 31.000 đồng/kg, có lãi nên dân ồ ạt nuôi, dẫn đến nguồn cung cá tra giống tăng cao.
Tính đến cuối tháng 7-2018, diện tích ương cá giống tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Long An đứng đầu khi tăng tới 160%.
Tình hình "nóng" tới mức tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thốt lên: "Như Long An, mấy tháng mà phát triển cả ngàn hecta thì chết"...
Bà Đinh Thị Phương Khanh, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, lý giải do giá cá tra tăng khá cao, trong khi đó sản xuất vùng lúa chưa có hiệu quả kinh tế cao, nên người dân của tỉnh này chuyển đổi nuôi cá tra giống vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Đáng lưu ý là người dân chuyển tự phát đa số không có kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật, kiến thức chuyên môn nên tỉ lệ sống của cá tra giống trung bình chỉ 3-5%. Đến nay do giá cá thương phẩm giảm nên diện tích đào ao nuôi cá giống mới chững lại.
Cũng theo bà Khanh, do phát triển quá "nóng" nên khi kiểm tra có tình trạng vật tư phục vụ nuôi cá tra giống, đặc biệt là chế phẩm xử lý môi trường, một là không có nhãn mác, hai là toàn tiếng Anh. Cơ sở bán chế phẩm cử hẳn cán bộ tới vùng nuôi, cá giống có bệnh là cho thuốc mà không biết bệnh.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cũng cảnh báo: thị trường chế phẩm xử lý môi trường xuất hiện tình trạng nhà cung cấp cố tình đưa vào một số hóa chất cấm...
Lo chất lượng cá tra đi xuống
Ông Văn Như Cẩn, vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), nhận định giá tăng cao kích thích người dân tự đầu tư nuôi, phát triển nóng, dẫn tới nguy cơ mất thị trường nếu sản phẩm không tốt.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vĩnh Hoàn, cho rằng vấn đề cốt lõi nhất của ngành cá tra là chất lượng: "Nếu chúng ta không thay đổi thì chúng ta tự giết mình".
Bà Lệ Khanh đề nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT cần tổ chức buổi họp riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu để ứng phó, nhận diện rủi ro từ bên trong và ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng sự phát triển của ngành hàng cá tra với hơn 5.000ha nhưng kim ngạch xuất khẩu nhiều năm khoảng 1,8 tỉ USD, đặc biệt năm nay có khả năng đạt và vượt mức 2 tỉ USD là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, ông Cường nói "không bằng lòng" với hiện trạng sản xuất khi liên kết rời rạc, còn con giống nuôi 10 con bột chỉ 1 con thành con giống.
Ông Cường lý giải trong đề án cá tra 3 cấp, đầu tiên phải có đàn giống tốt và đề nghị các địa phương ĐBSCL coi cá tra là một trong những lợi thế trong chiến lược tái cơ cấu.
Đặc biệt, bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị "dứt khoát phải coi khâu liên kết chuỗi giá trị là khâu tiên quyết mọi vấn đề. Chính quyền là nhà đôn đốc, để các "nhà" khác (doanh nghiệp, hộ nuôi, nhà khoa học) ngồi lại với nhau để hình thành liên kết. Bộ sẽ vào cuộc cùng".
Xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc tăng
Tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe cho biết hiện Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu khi chiếm 24% thị phần xuất khẩu của cá tra VN, gấp đôi so với thị trường châu Âu.
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc bằng đường biển cũng có xu hướng tăng lên sau khi Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu từ ngày 1-7.
Xu hướng xuất khẩu chính ngạch trên tăng lên là tín hiệu tốt, nhưng ông Hòe bày tỏ lo ngại từ số liệu hải quan cho thấy tháng 6-2018 có 16 cá nhân đứng tên xuất khẩu 7.000 tấn cá tra sang Trung Quốc trong số 10.000 tấn cá tra xuất khẩu bằng đường bộ qua nước này.
Họ chỉ khai báo giá xuất khẩu rất thấp (5.000 - 10.000 đồng/kg cá tra phi lê). Ông Hòe đề nghị Bộ NN&PTNT cho kiểm tra để có giải pháp tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, ngăn chặn gian lận thương mại...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận