25/04/2004 08:00 GMT+7

Nước sông Mekong đã đi đâu?

M.KA (tổng hợp)
M.KA (tổng hợp)

TTCN - Theo phó tổng thư ký Ủy ban Mekong VN Nguyễn Nhân Quảng, phía TQ đang có kế hoạch xây dựng bậc thang thủy điện với 15 công trình. Hiện hai đập đã hoàn tất, còn một đập đang được thi công. Về mặt kỹ thuật, việc xây dựng này sẽ giúp điều tiết làm tăng lượng nước vào mùa khô và giảm nước vào mùa lũ vì nước được giữ lại trong hồ chứa.

yiiS6GB2.jpgPhóng to
TTCN - Theo phó tổng thư ký Ủy ban Mekong VN Nguyễn Nhân Quảng, phía TQ đang có kế hoạch xây dựng bậc thang thủy điện với 15 công trình. Hiện hai đập đã hoàn tất, còn một đập đang được thi công. Về mặt kỹ thuật, việc xây dựng này sẽ giúp điều tiết làm tăng lượng nước vào mùa khô và giảm nước vào mùa lũ vì nước được giữ lại trong hồ chứa.

Tuy nhiên, về mặt chất lượng nước hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng nặng do phù sa từ thượng nguồn sẽ lắng đọng tại các hồ, nước chảy về phía hạ lưu sẽ không còn chất dinh dưỡng cho cây trồng hấp thu. Bên cạnh đó, một số loài cá bản địa có chu trình sinh sống bơi ngược dòng đẻ trứng sẽ bị các đập nước cản lại. Mặc dù các đập được thiết kế các bậc thang để cá bơi vượt qua nhưng theo thống kê chưa chính thức cho thấy chỉ 10-15% cá vượt được “vũ môn” này.

Mặt khác, lượng dòng chảy hằng năm TQ đóng góp cho cả lưu vực sông Mekong chỉ chiếm 16% tổng lượng dòng chảy và chủ yếu vào mùa lũ, nhưng nếu TQ đóng cửa không xả nước thì sẽ tác động trực tiếp đến hạ lưu chủ yếu là Thái Lan và Lào, còn VN rất ít.

Ngoài ra, xét về khía cạnh sinh thái học lòng sông thì vấn đề tác động lưu lượng nước từ thượng lưu sẽ làm thay đổi sự lở bồi của bờ sông ở hạ lưu. Bên cạnh đó các nước thượng nguồn gồm TQ, Thái Lan, Lào và Myanmar đang có dự án giao thông thủy thượng nguồn (nạo vét lòng sông, cải tạo lòng lạch 331km) để tàu 150 tấn có thể đi lại trong mùa khô. Tuy nhiên, nếu dự án đi xa hơn, tức cho phép tàu 500 tấn qua lại, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy ở VN. Trong khi đó, phía TQ khẳng định việc này không ảnh hưởng đến hạ lưu, chẳng hạn như tiếng nổ mìn sẽ làm thú rừng hoảng sợ nhưng sau vài ngày yên ắng tất sẽ quay về (!). Vì thế cần phải có những nghiên cứu khoa học cụ thể để khẳng định điều này.

Cho đến nay vẫn chưa có công trình nào được xây dựng trên dòng chính mà tất cả chỉ tập trung trên các nhánh sông. Hiện tại Lào đang có dự án xây thủy điện Num Ngum 2 công suất khoảng 720Mw (bằng với Nhà máy thủy điện Yali VN) nhưng chưa thể tiến hành do nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới (WB) yêu cầu chờ các nước liên quan có văn bản chính thức không phản đối việc xây dựng mới được phép triển khai xây dựng. Ngày 12-4 vừa qua TQ tạm hoãn kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên sông Nộ Giang nối liền TQ, Myanmar và Thái Lan trước sự phản đối của các nước hạ nguồn và người dân sống hai bên bờ.

Trên thực tế chỉ trong vài tháng đầu năm 2004 mực nước sông Mekong đã xuống tới mức thấp nhất trong 20 năm qua, gây ảnh hưởng và thiệt hại kinh tế - môi trường cho các nước thuộc hạ lưu vực. Các chuyên gia MRC còn cảnh báo tình trạng phá rừng vô tội vạ trong lưu vực sông cũng là các lý do chính làm cạn kiệt nguồn nước, tiêu diệt môi trường sinh thái của sông.

80-90% nước được lấy từ sông Mekong được sử dụng cho nông nghiệp - nguồn thu nhập của khoảng 75% dân số ở hạ lưu Mekong. Lượng nước này chủ yếu được sử dụng cho trồng lúa, hoạt động cực kỳ cần nhiều nước. Để sản xuất 1kg gạo, cần 3-5 lít nước. Theo nghiên cứu của MRC, dân số vùng hạ lưu sông Mekong đã tăng gấp hai lần trong 30 năm qua và ước tính sẽ tăng 30-50% vào năm 2050. Gần 50% diện tích đất ở lưu vực Mekong được sử dụng cho nông nghiệp.

Tuy nhiên lưu vực sông Mekong ở VN luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trong suốt những tháng khô nhất (từ tháng hai đến tháng năm). Nước biển xâm nhập sâu hơn vào sông và kênh rạch mỗi năm, phá hoại mùa màng. Các rào cản nước mặn đã được xây dựng song tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi lượng nước được sử dụng cho nông nghiệp ở thượng nguồn tăng lên.

Sông Mekong dài 4.800km, lớn thứ 12 trên thế giới bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc (TQ). Tổng diện tích toàn lưu vực là 795.000km2 gồm một phần chảy qua TQ, Myanmar, một phần ba chảy qua Thái Lan, toàn bộ Lào và Campuchia, một phần năm chảy qua VN.

Hạ lưu sông Mekong, được tính từ “tam giác vàng” (vùng ranh giới giữa Thái Lan, Myanmar và Lào), chiếm 77% tổng diện tích lưu vực, là “đối tượng” của Ủy ban sông Mekong (MRC). Châu thổ sông Mekong là vùng ngập lụt tính từ hạ lưu Kratie-Campuchia, có diện tích 49.520km2, trong đó diện tích châu thổ thuộc VN là 39.000km2, chiếm 79%.

M.KA (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên