26/04/2019 10:04 GMT+7

Nước sinh hoạt nhiều nhà dân TP.HCM còn phập phồng không đạt chuẩn

QUANG KHẢI - LÊ PHAN - XUÂN MAI - THU HIẾN
QUANG KHẢI - LÊ PHAN - XUÂN MAI - THU HIẾN

TTO - Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khảo sát trên 3.155 mẫu nước dùng, sinh hoạt tại nhiều quận, huyện TP.HCM và đã công bố nhiều mẫu nước không đạt chuẩn, nguy cơ tái nhiễm vi sinh.

Nước sinh hoạt nhiều nhà dân TP.HCM còn phập phồng không đạt chuẩn - Ảnh 1.

Xét nghiệm 3.155 mẫu nước ăn uống, sinh hoạt tại phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - Ảnh: TTYTDP

Theo các chuyên gia, nếu người dân sử dụng lâu dài nước không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nước không đạt ở các bồn chứa nước

Năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thực hiện giám sát 3.155 mẫu, trong đó có 1.827 mẫu (57,91%) đạt chỉ tiêu hóa lý, 3.017 mẫu (95,63%) đạt chỉ tiêu vi sinh.

Các mẫu nước giám sát chủ yếu không đạt chỉ tiêu clo dư ở các bồn chứa nước, vệ tinh nước tại khu chung cư, nhà trọ, khu vực dân cư chưa có mạng lưới cấp nước ở Q.8, Q.12, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Cần Giờ, H. Củ Chi, H.Hóc Môn, H.Nhà Bè…

Các mẫu nước giếng hộ dân tự khai thác không qua quá trình xử lý thường có độ pH thấp (58%), hàm lượng sắt tổng không đạt (1,5%) và hàm lượng amoni không đạt (13,5%) tại Q.12, Q.Bình Tân, Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Củ Chi, H.Hóc Môn.

Giải thích về lượng clo không đạt chuẩn trong nước ăn uống và sinh hoạt, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết do áp lực nước hiện nay không đồng đều tại các khu vực, cụ thể nước tại các khu vực cuối hệ thống cấp nước có áp lực yếu, hàm lượng clo dư thấp do thất thoát trên đường đi.

Thêm vào đó, hàm lượng clo dư vốn thấp lại bị lưu chứa tại bồn thêm một thời gian trước khi sử dụng nên việc tái nhiễm vi sinh là nguy cơ có thể xảy ra tại các điểm này.

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ - giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC), nếu người dân sử dụng nước không đạt các chỉ tiêu, lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một số nơi thiếu clo nhưng cũng có nhiều nơi lượng clo trong nước lúc nào cũng xộc lên.

Sử dụng nước máy đã hơn 20 năm, gia đình ông T.M.P. (ngụ P.4, Q.Tân Bình) cho biết: "Nhà tôi không ngày nào là không nghe mùi clo xộc lên mũi mỗi khi mở vòi nước".

Ông P. cho biết gia đình không dám lấy nước máy bơm trực tiếp để nấu ăn. Gia đình ông P. hay lấy một chiếc xô lớn để hứng nước máy, sau đó để vài giờ cho mùi clo bay đi, đồng thời để lắng cặn thì mới dám dùng.

Hệ lụy nguy hiểm sức khỏe

Theo PGS Phùng Chí Sỹ, nếu sử dụng nguồn nước ô nhiễm sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) và chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT) của Bộ Y tế ban hành năm 2009, các mẫu có thông số như clo dư, pH, sắt tổng, amoni trong nước ăn uống và sinh hoạt tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đều không đạt.

Theo đó, PGS Sỹ cho biết clo dùng để khử trùng vi khuẩn có hại trong nước, với mức tối đa cho phép là 0,3-0,5mg/l. Nếu clo dư không đạt, vi khuẩn, vi sinh có thể tái nhiễm và phát sinh.

Tùy theo nồng độ và thời gian tiếp xúc mà mức độ ảnh hưởng khác nhau như gây bệnh hen suyễn, rối loạn chức năng gan, thậm chí làm đình trệ và suy yếu khả năng miễn dịch. Nếu sử dụng lâu dài ở mức độ nào đó clo dư có thể chuyển hóa tế bào, gây ung thư.

Tương tự, nồng độ pH không đạt yêu cầu có thể phá hoại hàng loạt quá trình chuyển hóa trong cơ thể, gây ra các bệnh về thần kinh, thận, dạ dày... Nếu sử dụng lâu dài nước có độ pH không đạt quy chuẩn cũng sẽ chuyển hóa tế bào, gây ung thư.

Trong khi đó, nếu sắt tổng vượt quy chuẩn sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu, hệ bài tiết từ đó gây ra bệnh tim, bệnh gan... Song song với đó, nồng độ tổng sắt cao sẽ làm rối loạn chuyển hóa đường gây tiểu đường, loãng xương, bệnh Parkinson...

Còn bản thân amoni không quá độc, chúng có mặt trong chất bài tiết của cơ thể. Tuy nhiên nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá quy chuẩn có thể làm người sử dụng thiếu máu, khiến người xanh xao, vàng nhợt, ốm yếu...

Để hạn chế việc tái nhiễm vi sinh, PGS Sỹ khuyến cáo các hộ gia đình nằm trong khu vực có nguồn nước ăn uống và sinh hoạt ô nhiễm nên sử dụng những phương pháp xử lý nước đơn giản tại nhà như ăn chín uống sôi, không uống nước lã, lắng lọc nước bằng các vật liệu truyền thống (sỏi, cát, than), sử dụng các thiết bị lọc nước bằng than hoạt tính, bằng màng thẩm thấu nghịch đảo (RO) …

Cách súc rửa bồn chứa nước

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM hướng dẫn:

Bước 1: Xả hết nước trong bồn chứa hoặc sử dụng hết nước trong hồ (bồn) chứa trước khi súc rửa.

Bước 2: Chà rửa thành bên trong, bên ngoài bồn chứa bằng bàn chải mới.

Bước 3: Súc rửa lại bằng nước và bơm nước rửa thành bồn ra hết.

Bước 4: Xả đầy nước vào bồn chứa nước và cho hóa chất cloramin B 25% (10-20g/m3 ) vào và ngâm qua đêm.

Bước 5: Xả hết nước đã ngâm và lấy lại nước mới vào bồn chứa nước.

Lưu ý: Khi thực hiện vệ sinh bồn chứa, cần đảm bảo chế độ thông thoáng, trong bồn chứa phải có đủ ôxy trước khi súc rửa. Nếu cảm thấy có mùi khó chịu phải mở nắp bồn một thời gian hoặc sử dụng quạt thông gió cho hết mùi, đeo mặt nạ dưỡng khí trước khi vào bồn chứa.

Nước yếu nhiều nơi, một số điểm hàm lượng clo thấp

xetnghiemamunuoc 1

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM kiểm tra bồn chứa nước của một hộ dân thuộc Huyện Hóc Môn (TP.HCM) - Ảnh: BSCC

Theo đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), do tình hình nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước sạch đang tăng lên.

Tuy tổng công suất phát nước toàn TP hiện đạt 1,9 triệu m3/ngày đêm vẫn còn dự phòng từ 500.000 - 600.000m3/ngày đêm (tổng công suất huy động được 2,4 triệu m3/ngày đêm) nhưng tại một số khu vực cuối nguồn vẫn xảy ra hiện tượng nước yếu. Cụ thể như khu vực quận 12, khu vực quận 9, khu vực xã Hưng Long, huyện Bình Chánh hay cuối đường Huỳnh Tấn Phát thuộc huyện Nhà Bè.

Ông Bùi Thanh Giang, phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết đang tiến hành một số giải pháp điều áp về một số khu vực nước yếu. Riêng khu vực xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, Sawaco phải thực hiện giải pháp chở nước bằng xe bồn mỗi ngày khoảng 100m3 về cho khu vực này trong khi chờ các dự án lắp đặt ống, đưa thêm nguồn nước về đây.

Cũng theo ông Giang, đang trong giai đoạn mùa khô, nguồn nước trên sông Sài Gòn có thời điểm bị nhiễm mặn, độ mặn có lúc lên khoảng 150mg/lít (theo tiêu chuẩn cho phép nước sinh hoạt dưới 250mg/lít).

Để ngăn khả năng mặn lên cao, Sawaco đã đề nghị Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa 2 lần xả nước hồ Dầu Tiếng để pha loãng mặn trên sông Sài Gòn. Vì vậy, độ mặn trên sông Sài Gòn vẫn đảm bảo nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt.

Ông Giang cho hay quá trình giám sát chất lượng nước của Trung tâm Y tế dự phòng hằng tháng tại các nhà máy nước vẫn đảm bảo. Tuy nhiên trên hệ thống cấp nước, hoặc một số điểm đặt bồn có hàm lượng clo (chất khử trùng - PV) trong nước thấp hơn chút ít so với tiêu chuẩn.

Nghiên cứu châm bổ sung clo

Ông Bùi Thanh Giang - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - cho hay đối với các khu vực áp lực nước yếu và hàm lượng clo dư bị thất thoát khi đến cuối nguồn, tổng công ty đã và đang triển khai thực hiện nghiên cứu châm bổ sung clo dư trên mạng lưới phân phối nhằm đảm bảo clo dư đến cuối nguồn theo quy định giúp tránh tái nhiễm vi sinh trên đường ống phân phối. Tuy nhiên, để lắp đặt các vị trí châm clo bổ sung cần phải có quỹ đất để lắp đặt thiết bị (tối thiểu 2m2/vị trí) và nguồn kinh phí để thực hiện.

Đối với nguồn nước thô ngày càng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp phát sinh ở khu vực xung quanh bờ sông, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn luôn có các biện pháp đảm bảo an toàn như theo dõi chất lượng nước online, xây dựng và triển khai chương trình kế hoạch cấp nước an toàn, phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng trong việc tuyên truyền bảo vệ nguồn nước và ứng phó khi có sự cố với nguồn nước thô...

Đà Nẵng: Người dân than phiền nước sinh hoạt có cặn và lợ Đà Nẵng: Người dân than phiền nước sinh hoạt có cặn và lợ

TTO - Sáng 16-2, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng kiểm tra chất lượng nước tại các địa điểm khách hàng phản ảnh có cặn, màu đen. Dự kiến đầu tuần sau có kết quả kiểm tra.

QUANG KHẢI - LÊ PHAN - XUÂN MAI - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên