![]() |
Bể ống, nước sạch chảy thành "suối" - Ảnh: P.PH. |
Ì ạch chống thất thoát nước
Từ đầu năm 2003, Công ty Cấp nước TP.HCM bắt đầu triển khai chương trình gắn đồng hồ tổng nhằm kiểm soát lượng nước sạch cung cấp cho từng chi nhánh. Sau hơn một năm rưỡi triển khai, sáu chi nhánh cấp nước đã gắn 180 đồng hồ tổng, kinh phí 40 tỉ đồng. Ngoài một vài khu vực có mạng “xương cá” có thể tách mạng, đo đếm lượng nước qua đồng hồ tổng, các khu vực còn lại chưa thể đo đếm được lượng nước chính xác.
Trong khi chương trình gắn đồng hồ tổng chưa mang lại hiệu quả, Công ty Cấp nước lại tiếp tục triển khai một chương trình khác: cấp cho các chi nhánh 4,5 tỉ đồng để thuê người chống thất thoát nước. Các chi nhánh có tỉ lệ thất thoát nước sạch cao như Gia Định, Chợ Lớn, Phú Hòa Tân mỗi chi nhánh nhận 1 tỉ đồng với điều kiện từ nay đến cuối năm giảm tỉ lệ thất thoát xuống còn 31% (hiện nay trên 40%).
Còn các chi nhánh Sài Gòn, Nhà Bè, Thủ Đức - Biên Hòa mỗi chi nhánh 500 triệu dùng để thuê ngành thoát nước kiểm tra, phát hiện các điểm bể qua hệ thống thoát nước, thuê nhân công sửa đường ống bể, xác định các “điểm đen” thất thoát nước sạch, mua các thiết bị lược rác đồng hồ...
Theo các chi nhánh cấp nước, công việc tại các chi nhánh đang quá tải, mỗi chi nhánh chỉ có 15-20 công nhân sửa bể trong khi thực tế có hàng chục điểm bể. Ngoài ra, áp lực nước từng khu vực, trong đường ống phải đủ mạnh để phát hiện điểm bể, nhưng nhiều khu vực thuộc quận 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp... còn phải canh hứng nước vào ban đêm thì xác định điểm bể chẳng khác nào “mò kim đáy biển”.
Cũng nằm trong chương trình chống thất thoát nước sạch, một dự án khác đang được ngành cấp nước triển khai với số vốn đầu tư lên đến 140 triệu USD. Đó là dự án “phân vùng, tách mạng, giảm thất thoát nước, tăng cường năng lực quản lý mạng cấp nước”.
Dự kiến sẽ vay của Ngân hàng Thế giới 30 triệu USD, phần còn lại sẽ huy động từ nguồn vốn trong nước, vốn từ Công ty Cấp nước. Dự án vẫn chưa thực hiện và sẽ triển khai vào đầu năm 2005, hoàn thành vào cuối năm 2009.
Hiện nay có hơn 2.000km mạng đường ống cấp nước. Rất nhiều khu vực có đường ống cũ, mục chưa kịp cải tạo, góp phần làm lượng nước thất thoát gia tăng như khu vực thuộc Chi nhánh Cấp nước Chợ Lớn có khoảng 400km đường ống, trong đó gần 60% đường ống cũ, mục. Chi nhánh Cấp nước Gia Định có khoảng 350km đường ống, trong đó khoảng 60% ống cũ. Chi nhánh cấp nước Phú Hòa Tân có trên 500km, trong đó khoảng 60% ống cần cải tạo... Sáu tháng đầu năm 2004 Công ty Cấp nước phát hiện hơn 7.200 điểm bể, ước tính lượng nước sạch thất thoát lên đến 2,4 triệu m3. |
Mặc dù Công ty Cấp nước đã đầu tư hàng trăm kilômet đường ống mới để tiếp nhận nguồn nước từ dự án hệ thống cấp nước sông Sài Gòn giai đoạn 1, nhằm hạn chế thất thoát, nhưng ngay khi tiếp nhận 150.000m3/ngày từ dự án, thất thoát nước sạch đã tăng lên 42% so với 35% trước đó (số liệu của Công ty Cấp nước).
Đây là tỉ lệ thất thoát nước sạch cao nhất trong vòng năm năm qua. Kế hoạch giảm thất thoát xuống còn 31% vào cuối năm nay của Công ty Cấp nước xem ra khó đạt bởi mạng lưới đường ống vốn đã cũ và sẽ lại tiếp nhận thêm 150.000m3 nước còn lại từ dự án.
Đánh giá của Công ty Cấp nước cho thấy 80% lượng nước thất thoát qua mạng lưới đường ống. Phần nhiều đường ống hiện nay đã cũ, mục sau một thời gian dài sử dụng hoặc do các công trình thi công gây hư hỏng.
Không ít khu vực có đường ống nhưng nhiều năm qua không có nước, dẫn đến xuống cấp. Chính vì vậy khi tiếp nhận nguồn nước mới, nhiều điểm bể xuất hiện, nước sạch rò rỉ tăng lên... Đây là một thực trạng diễn ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngành cấp nước dường như chưa chú trọng đến việc cải tạo, thay thế đường ống cũ mục mà tập trung phát triển đường ống mới. Rất nhiều điểm bể được người dân phản ảnh nhưng việc sửa chữa không kịp thời, thậm chí kéo dài đến nhiều ngày sau, gây thất thoát lượng nước sạch khá lớn.
Theo các chi nhánh cấp nước, việc cải tạo đường ống cũ, mục trước đây chưa được quan tâm do thiếu vốn. Nhưng gần đây khi có vốn thì lại thiếu nhân lực (?). Vì vậy số lượng ống cũ cải tạo có khi chưa bằng lượng ống mỗi năm xuống cấp.
Công tác chống thất thoát nước sạch là vấn đề mà TP quan tâm từ nhiều năm qua. Và chi phí đầu tư chống thất thoát nước sạch hằng năm không ít. Thế nhưng hiệu quả mang lại ra sao? Thực tế cho thấy việc chống thất thoát nước sạch của ngành cấp nước đang là cái vòng luẩn quẩn chưa có lối ra.
Tỉ lệ thất thoát các năm qua đã chứng minh điều này: năm 1999 thất thoát 34% sang năm 2000 vọt lên 37%; năm 2001 chựng lại mức 37% thì sang năm 2002 lên 38,30%; năm 2003 là 35% thì đến nay vọt lên 42%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận