20/10/2004 22:17 GMT+7

Nước Nga và các băng nhóm đầu trọc

PHAN XUÂN LOAN(Tổng hợp từ Tin Tức, RIA)
PHAN XUÂN LOAN(Tổng hợp từ Tin Tức, RIA)

TT - Sinh viên VN Vũ Anh Tuấn bị sát hại một lần nữa đánh động dư luận về sự hoành hành của các nhóm cực đoan đầu trọc ở Nga.

jG8sOm5P.jpgPhóng to
TT - Sinh viên VN Vũ Anh Tuấn bị sát hại một lần nữa đánh động dư luận về sự hoành hành của các nhóm cực đoan đầu trọc ở Nga.

Đề tài này đã được báo giới Nga đề cập cách đây không lâu, theo sau những vụ sát hại người nước ngoài, kể cả các công dân cộng hòa Xô viết cũ, trên đất Nga hiện nay. Tuổi Trẻ xin tổng hợp giới thiệu cùng độc giả.

Sản phẩm của những thay đổi xã hội

Theo một công trình nghiên cứu của nhà xã hội học Aleksandr Tarasov về “Những tên đầu trọc phát xít ở nước Nga hiện đại”, đến nay các nhóm đầu trọc đã có mặt ở 85 thành phố của nước Nga với khoảng 50.000 tên.

Đa số bọn đầu trọc tuổi từ 13-19, mỗi nhóm có từ 3-10 tên, mặc dù có những nhóm lớn hơn, khoảng 200-250 tên với kỷ luật nghiêm minh. Chúng có các nhóm nhạc (chủ yếu ở Matxcơva), với các tạp chí và website riêng.

Theo Tarasov, đa số "đầu trọc" sống và hoạt động tập trung tại các thành phố lớn, nhất là ở Matxcơva và Saint Petersburg. Điều này có thể giải thích khá đơn giản: các phần tử đầu trọc Nga không phải là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc mà là sản phẩm của những thay đổi xã hội.

Các băng nhóm đầu trọc xuất phát từ những thành phố phát triển nhất, nơi tập trung đông người nhập cư, đồng thời cũng là nơi tích cóp phần lớn của cải lẫn sự phân hóa xã hội sâu sắc của Nga những năm gần đây.

Nước Nga phân hóa

Báo Tin Tức Nga số ra ngày 10-2-2004 đã có bài viết về việc nước Nga bị chia đôi: một nửa thù địch người nhập cư (trong số đó có cả những người từng là công dân Xô viết cũ, như trường hợp một bé gái chín tuổi người Tajikistan bị bọn đầu trọc đánh chết hồi tháng 2-2004, vừa đánh chúng vừa la to khẩu hiệu “Nước Nga của người Nga” cũng tại Saint Petersburg), một nửa lại rất hữu nghị với họ.

Trong điều kiện này, vai trò nhà nước hết sức quan trọng trong việc xác định quan điểm nào sẽ chiếm phần thắng trong xã hội. Thế nhưng hiện nay thái độ nhà nước Nga, theo bài báo, vẫn còn mờ nhạt.

Bài báo cho biết thái độ kỳ thị xuất hiện tại phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga. Tại một số thành phố như Voronezh, 55% người dân muốn hạn chế người nhập cư, tại Tula - theo chủ nhiệm khoa sinh viên nước ngoài của Đại học Sư phạm Tula, nơi có đa số sinh viên nước ngoài là người Trung Quốc và VN, tình hình “rất căng thẳng”.

Ông kể có tháng có tới 17 vụ tấn công nhắm vào sinh viên nước ngoài của ông, đến nỗi họ phải bãi khóa và hiện giờ cảnh sát phải luôn tuần tra khu vực ký túc xá sinh viên. Tình hình tại thành phố Orla còn đáng sợ hơn: “Không có một sinh viên Trung Quốc nào chưa bị bọn đầu trọc đánh”, theo lời bà Galina Timokhina, người điều hành một ký túc xá người nước ngoài của Đại học Công nghệ quốc gia Orla.

Thế nhưng tại phần lãnh thổ châu Á của Nga, như vùng Primorie (Viễn Đông) Nga, bức tranh hoàn toàn tương phản. 3/4 người dân ở đây thân thiện với người nước ngoài, tại những thành phố như Ural hay Ulianovsk, hầu như không có những cuộc đụng độ sắc tộc nghiêm trọng. Một thành phố của tỉnh Nizhegorog còn có thị trưởng là người Gruzia.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Vấn đề dân tộc chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn, nơi sự phân hóa giàu nghèo diễn ra sâu sắc”. Sự phân hóa trong nhận thức xã hội còn cho thấy dư luận xã hội chỉ mới trong giai đoạn hình thành và không phải là khó bẻ gãy nếu nhà nước kịp thời bắt tay hành động.

Ai khuyến khích hoạt động của các nhóm đầu trọc?

Những tháng gần đây, cùng với sự gia tăng hoạt động và các vụ giết người của bọn đầu trọc, chính quyền Nga đã tỏ thái độ chú ý nhiều hơn tới hiện tượng này nhưng theo một hướng khác.

Theo Tarasov, có “ai đó” đang sử dụng các nhóm này cho các mục tiêu của mình. Tư liệu mà Tarasov có được thật đáng sợ và chấn động: “Năm 2002, người ta xác minh được rằng những tên đầu trọc - dân tộc cực đoan của Đảng Dân tộc nhân dân phát xít (NNP) đã được huấn luyện tại cơ sở của OMON (cảnh sát đặc biệt Nga) và được chính các huấn luyện viên của OMON đào tạo”.

Nhà chính trị học Vladimir Iliushenko cho rằng: “Một số đảng phái của nước Nga hiện nay đang nhìn bọn đầu trọc như nguồn lực dự trữ của mình”. Cùng nhận định với Tarasov, tiến sĩ xã hội học A. Kozlov - thuộc Trung tâm các nghiên cứu xã hội của Đại học Tổng hợp Petersburg - cho rằng các băng nhóm đầu trọc ở nước Nga hiện nay “cần để giải quyết một số nhiệm vụ tế nhị nào đó” của một số nhóm phái.

Chân dung đầu trọc

Trong khuôn khổ chương trình toàn liên bang, một nhóm chuyên gia Nga thuộc Viện Hàn lâm giáo dục Nga (RAO) đã tiến hành một cuộc thăm dò 1.500 học sinh ở các lớp 7, 9 và 11 các trường trung học Matxcơva. Kết quả của cuộc nghiên cứu được công bố trong báo cáo “Các vấn đề về sự khoan dung trong văn hóa nhóm của thiếu niên”.

Giám đốc Trung tâm xã hội học giáo dục của RAO Yuli Ignatieva cho biết mức độ tham gia của giới trẻ Nga vào các nhóm phái như sau: trong ba nam thiếu niên thì có một tham gia một nhóm phái nào đó không chính thức, trong khi ở nữ thiếu niên chỉ có 12,7%; trong số các thành viên các nhóm đầu trọc, chỉ 1/4 gắn bó với mọi hoạt động của nhóm, trong khi các nhóm nhạc như punk, rap thì hơn 40% thành viên tích cực gắn bó với nhóm.

Về nguyên nhân tham gia các băng nhóm đầu trọc, Ignatieva nói không có câu trả lời thống nhất. Một số tham gia nhóm cho có bạn, số khác vì thích đánh nhau, nhưng cũng có những thiếu niên chia sẻ với hệ tư tưởng bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc.

Tiến sĩ xã hội học, giáo sư A. Kozlov - người từng làm việc với các thanh thiếu niên tuổi từ 16-25 ở các nhóm ủng hộ phát xít của nước Nga - đã trả lời báo chí như sau khi được yêu cầu vẽ chân dung một thiếu niên đầu trọc tiêu biểu:

“Đứng đầu nhóm là một sinh viên không học tới nơi tới chốn, bị xóa tên sau năm thứ ba. Những thành viên còn lại: tất cả là “dưới đáy”. Đa số có những vấn đề về phát triển, có thể là do di truyền nghiện rượu của cha mẹ.

Họ đơn giản không thể suy nghĩ nhưng lại rất dễ bị kích động. Họ không uống rượu, rất chịu khó tập luyện thể thao và đơn giản là chơi làm binh lính. Đó là những người thẳng tính, những kẻ hung hãn, không biết khoan dung nhân nhượng. Đó là một bộ phận dân số không thể sáng tạo được điều gì, đó là phần xã hội vứt đi”.

Ông kể đã trình bày ý kiến này tại một cuộc họp lớn bàn về các vấn đề thanh niên và yêu cầu Bộ Nội vụ phải bắt tay vào việc, nhưng một số cán bộ đã trả lời ông: “Bọn đầu trọc không phải là phát xít. Cũng có những tên đầu trọc tốt”…

Tại Nga, các băng nhóm đầu trọc còn được gọi là boneheads (đầu xương) hay nazi skin (những tên đầu trọc phát xít). Phong trào đầu trọc ở đây có đặc thù riêng, gồm những nhóm chính như sau:

* Shuls-88: một trong những nhóm đầu trọc nổi tiếng nhất Saint Petersburg hiện nay. Hồi tháng mười năm ngoái tên cầm đầu nhóm này (theo giả thiết của phía điều tra) là Dmitri Bobrov, 24 tuổi, đã bị bắt. 8 là số thứ tự của chữ H trong bảng chữ cái của tiếng Đức, và 88 có nghĩa là Heil Hitler (Chào. Hitler). Tổ chức này thành lập năm 1998.

* Nắm đấm Nga: một trong những nhóm đầu trọc nổi tiếng ở Saint Petersburg, có 150-300 người. Tên của nhóm lấy từ tên của một phong trào thanh niên xuất hiện đầu thập niên 1990.

* Những kẻ tân thời: những thành viên của nhóm này không có khuynh hướng bạo động mà chủ yếu tham gia nhóm vì mốt. Nhóm này thu hút phần lớn phần tử đầu trọc Saint Petersburg.

* Skinped: nhóm này gồm những tên đầu trọc đồng tính.

PHAN XUÂN LOAN(Tổng hợp từ Tin Tức, RIA)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên