Cả hội trường lặng đi. Ông Chủ tịch Quốc hội đứng bật dậy: “Tôi chỉ có một ý kiến, là dù có khó khăn đến mấy chúng ta cũng phải dành những khoản tiết kiệm để tăng mức chi lên một chút cho các đối tượng hưởng các khoản trợ cấp rất thấp, và các cụ hưu trí hưởng lương rất thấp, có nhiều cụ rất già rồi”.
Trong một buổi chiều Hà Nội se lạnh, hội trường Bộ Quốc phòng (nơi Quốc hội họp) trang nghiêm, tôi - và tôi chắc với nhiều người chứng kiến cảnh tượng ấy - đã thấy trái tim mình se sắt lại. Chúng ta đã vượt qua cái ngưỡng của một quốc gia có mức thu nhập trung bình, từ khẩu hiệu “cơm no, áo ấm” có lẽ trước thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, chúng ta đã hướng đến khẩu hiệu “ăn ngon, mặc đẹp”. Vậy mà đâu đó trên đất nước mình vẫn có những nhóm người bị bỏ lại, và đôi lúc họ như bị lãng quên.
Vẫn còn rất nhiều trái tim giàu trắc ẩn, những tấm lòng đầy rung động bên trong đôi mắt ngấn lệ như của bà Dung. Tấm lòng ấy, trái tim ấy, giọt nước mắt ấy cần được nhân lên, không chỉ ở nghị trường. Tuổi Trẻ Online vừa đăng lại bức ảnh chụp anh công an dắt bà cụ qua đường gây ấn tượng mạnh trên cộng đồng mạng. Chỉ trong thời gian ngắn, gần 100.000 thành viên Facebook đã nhấn nút like (thích) và hơn 4.000 thành viên khác share (đăng tải lại) với hàng vạn lời bình. Tại sao một việc làm rất đỗi bình thường ấy lại có sức lôi cuốn mãnh liệt như vậy? Là vì giữa cuộc sống xô bồ, bận rộn với miếng cơm manh áo, giữa những cuộc ganh đua giẫm đạp lên nhau, người ta rất dễ bỏ qua những nghĩa cử cần làm, những hành động tuy nhỏ nhưng mang bản chất con người, tính người nhất. Xã hội sẽ đi về đâu nếu hành động bình thường như anh công an dắt bà cụ qua đường trở nên hiếm hoi, cá biệt?
Giọt nước mắt bà Dung cứ làm tôi ám ảnh. Khi tôi ngồi ăn bát phở ba chục ngàn, uống ly cà phê mười lăm ngàn và mua tờ báo bốn ngàn ngồi đọc ở vỉa hè Hà Nội, cộng lại là gần năm chục ngàn. Cái bữa sáng bình thường của một người bình thường như tôi là khẩu phần ăn một tuần của những người bệnh mà bà Dung từng chứng kiến, sao mà đắng ngắt.
Nhưng còn đắng hơn khi nghe bài phát biểu của một ông nghị rằng “chúng ta sẽ có tiền tăng lương, tăng trợ cấp từ hàng trăm ngàn tỉ đồng nếu thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Một ông nghị khác nói rằng “bọn tham nhũng đang thách thức nhân dân”...
Lại nhớ, cách đây sáu năm (năm 2006) nghị trường cũng chứng kiến một bà nghị rớt nước mắt trong phiên Quốc hội thảo luận về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đó là bà Trần Thị Quốc Khánh (hiện vẫn là đại biểu TP Hà Nội) đã khóc vì xót thương trước tình cảnh tham nhũng đã cướp đi những cơ hội của người nghèo.
Những giọt nước mắt ở nghị trường đã làm người dân cảm thấy ấm áp khi người đại biểu đã thể hiện tấm lòng thương dân. Song người dân cũng mong rằng những giọt nước mắt ấy không thể hiện sự bất lực của người đại biểu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận