27/07/2012 08:56 GMT+7

Nước mắt không chảy xuôi

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Một người cha bất lực trong việc dạy dỗ con đã chọn cách giải thoát bế tắc và tàn độc nhất.

2t0YiWbf.jpgPhóng to
Bị cáo Trần Văn Cường - Ảnh: h.đ.

“Tôi đã suy nghĩ suốt đêm nên không ngủ được, nó cũng đã được đưa đi trường giáo dưỡng hai năm nhưng về nhà càng hư hơn, không hề thay đổi, đánh bố, chửi mẹ và cả các cô chú họ hàng anh em. Nhà tôi không ai dám đến chơi, nếu tôi không trị nó thì nó còn làm hại không biết bao nhiêu người nữa”. Đó là lời của bị cáo Trần Văn Cường khai tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26-7, tại TAND TP Hà Nội.

Nhẫn

Trần Văn Nhẫn (24 tuổi) là con thứ hai của bị cáo Trần Văn Cường và bà L.T.V.. Gia cảnh không lấy gì làm dư giả bởi sáu con người ở chung trong căn nhà ba tầng ngay sát sông Hồng có diện tích chỉ 16m2. Bố mẹ đều là lao động chân tay nên tất bật kiếm tiền mong lo đủ miếng ăn qua ngày. “Sinh nó ra tôi đã linh cảm thấy thằng bé này không bình thường, mắt nó cứ trắng dã. Tôi đặt tên con là Nhẫn để lúc nào cũng phải nhắc mình chữ nhẫn trong việc giáo dục, dạy dỗ con. Thế nhưng Nhẫn đúng là đứa bé khó bảo ngay từ nhỏ” - bị cáo nói.

Chị H. - em bà V., người từng ẵm Nhẫn từ nhỏ - cho biết trước đây dù hay cãi bố mẹ nhưng Nhẫn vẫn nghe lời dì. Thế mà có lần nó đòi bố mẹ đưa 2 triệu đồng nhưng bố mẹ không có, chị H. bảo Nhẫn: “Cháu nói rõ mục đích xem dùng tiền để làm gì thì dì mới bảo bố mẹ đưa tiền cho được chứ”. Nhẫn không nghe lời, chị H. tuyên bố sẽ không có đồng nào cả. Ngay lập tức đứa cháu tung nguyên một cú đấm vào mặt dì.

Do không có việc làm, tính lêu lổng nên Trần Văn Nhẫn thường xuyên xin tiền bố mẹ, gây mâu thuẫn kéo dài. Khoảng 0g ngày 26-2-2012, Trần Văn Nhẫn chửi bới và đánh chị dâu. Được mẹ khuyên giải nhưng Nhẫn chửi cả mẹ. Vì đêm muộn, ông Trần Văn Cường không muốn làm ầm ĩ ảnh hưởng đến hàng xóm nên đi ngủ. Sáng 26-2, ông Cường dậy sớm đi tập thể dục, về nhà thấy Nhẫn đang nằm ngủ, ông lấy búa đập nhiều nhát vào mặt và đầu Nhẫn.

“Gia đình đã đưa cháu vào trại giáo dưỡng hai năm nhưng khi về nó không ngoan hơn mà còn vô cùng hỗn láo. Trở về nhà, nó không chịu học hành hay lao động gì. Tôi đã xin cho con đi làm vệ sĩ nhưng Nhẫn không chịu, nó nói muốn làm kinh tế trước đã. Bốn lần bố mẹ mua xe máy cho Nhẫn chở khách nhưng chỉ được một thời gian là Nhẫn đánh mất xe. Mỗi lần đòi tiền nhà không được Nhẫn lại gây sự với bố mẹ, họ hàng cô bác, hàng xóm và công an khu vực cũng đã khuyên nhủ nhưng Nhẫn vẫn chứng nào tật nấy. Thậm chí, Nhẫn còn chửi mẹ là con đ...” - bị cáo Trần Văn Cường trả lời rành rọt trước tòa.

Ông Cường đưa ra những bằng chứng như bị con đánh gãy cả răng, chém đứt gân tay. Ông nói do rất ngại mang tiếng với hàng xóm nên ông không trình báo công an. Trước tòa, ông Cường cũng thừa nhận: “Vợ tôi chiều con, nó đòi gì cho nấy, thậm chí đi vay tiền của họ hàng để mua xe theo ý muốn của con dù lý do con đánh mất xe không chính đáng”. Cũng tại tòa, bà V. phủ nhận việc bị con đánh. Vị đại diện viện kiểm sát vặn lại: sau khi chứng kiến con trai chém bố đến đứt gân tay thì bà có khuyên bảo gì không? Bà V. trả lời có khuyên bảo con nhưng không được. Vị đại diện viện kiểm sát cũng nói việc Nhẫn làm mất xe nhiều lần nhưng bà V. không báo công an để công an tìm lý do mất xe, “chính sự dung túng của bà khiến Nhẫn càng không biết nghe lời bố, mâu thuẫn là từ đây mà ra”.

“Tôi là người gánh hậu quả”

Nhận thức được hành vi của mình là phạm tội, bị cáo Trần Văn Cường nói: “Tôi sinh ra nó, nuôi nó lớn, mua nhà cho nó ở, xin việc cho nó làm, nó không muốn làm. Mỗi khi nó ở nhà đòi đóng cửa không cho ai đến. Hàng xóm kiềng mặt nhà tôi ra. Người ta bảo bán anh em xa mua láng giềng gần nhưng nhà tôi chẳng còn láng giềng nào hết, chỉ bởi thằng con nghịch tử”.

Ông Cường cho rằng đỉnh điểm xảy ra sự việc bởi Nhẫn yêu cầu vợ chồng ông phải cầm cố ngôi nhà mà sáu người đang sinh sống để lấy tiền cho Nhẫn làm ăn. Không được như ý, Nhẫn đánh mèo quèo chó: “Anh giai không có nhà mà nó chạy vào tận buồng để đánh chị dâu ùm ụp”. Suốt đêm ấy ông Cường không ngủ được. “Từ lúc sinh ra nó đến nay, chưa năm nào được bình yên. Tôi không thể dạy dỗ được nó, đưa nó vào trại giáo dưỡng nhưng khi về nó còn ngỗ ngược hơn. Chúng tôi còn làm ra tiền mà nó còn đối xử thế này, sau này tôi già đi thì sống thế nào? Một đứa lười lao động nhưng lúc nào cũng đòi tiêu tiền, không đòi được của bố mẹ thì sẽ đi ăn cướp, giết người. Lúc ấy nó sẽ mang lại sự đau khổ cho nhiều người, nhiều gia đình khác. Tôi là người chịu hậu quả lớn nhất về sự ngỗ ngược, bất nhân của Nhẫn. Bây giờ nó cầm dao đuổi tôi còn chạy được, sau này thì sao? Tôi phải giải thoát cho gia đình mình và tránh hậu họa cho xã hội”.

Hoàn toàn tỉnh táo và trôi chảy, bị cáo Trần Văn Cường nói về lý do mình đã dùng búa đập vào đầu con trai là Trần Văn Nhẫn đến chết. Phiên tòa diễn ra nhanh chóng bởi bị cáo thừa nhận việc mình làm. Đại diện bị hại đồng thời là vợ bị cáo không đòi bồi thường gì mà chỉ mong tòa xét xử mức thấp nhất để bị cáo sớm được trở về với gia đình.

Bị cáo Cường bị tòa tuyên phạt mức án 7 năm tù. Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa nói: “Con cái là hiện thân của cha mẹ. Cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dạy con cái nên người, không ai chịu trách nhiệm lớn hơn cha mẹ trong việc giáo dục này. Tôi không biết bị cáo giáo dục con thế nào mà đặt tên hai đứa con là Kiên và Nhẫn mà bản thân bị cáo thiếu hẳn đi chữ nhẫn”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên