Món “phở” trong một cái bát ăn cơm bé, có tí nước lèo và mấy cọng bánh tôi không còn nhớ rõ là sợi mì hay sợi bún, bên trên đặt hai lát thịt bò tái. Đó là năm 1971 tại nhà hàng Lạc Hồng trên đường Monsieur le Prince ở tại quận 5 thành Paris.

Con đường này dạo đó có dăm bảy hàng cơm ta và một tiệm chạp phô Việt bé xíu (Perles d’Asie), nằm ở khoảng giữa. Nó trên phố Học, ngay bên hông Sorbonne và trường Thuốc, một đầu đâm ra đại lộ St Michel và vườn Lục Xâm quen thuộc, đầu kia là đại lộ Saint Germain, tức là nối chéo hai trục chính của khu Quartier Latin.

50 năm sau, con đường này lên cấp theo thành phố, phố Học vẫn còn các trường nhưng không còn là chỗ sinh viên bình thường có đủ phương tiện tài chánh để có thể trọ ở ngay cạnh bên. Nó trở thành một phố ăn chơi trưởng giả không kém “bờ bên phải”, Rive Droite, tức là bờ bắc của sông Seine tại Paris.

Nhưng ở con đường này vẫn còn vài nhà hàng Việt, dĩ nhiên là có phở, tiệm Hà Nội này, Saigon Lotus này, và ở đầu phố là cửa hàng Phú Xuân có từ 50 năm nay cho đủ mặt ba miền. Lạc Hồng của nửa thế kỷ trước giờ mang cái tên rất xứng đáng là Saigon d’antan, tức là Saigon ngày xưa.

Đó là bát phở đầu tiên tôi ăn ở một tiệm ngoài nước 50 năm về trước, và không có nghĩa là Paris 1921, tức là tròn một thế kỷ trước, không có tiệm phở nào. Tôi cũng không biết là năm 1921 ở ngay Nam Định đã có phở hay chưa.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 1.

Thoạt kỳ thủy lèo, tức thoạt kỳ nước lèo, phở có mặt ở nước ngoài chỉ để phục vụ cộng đồng người Việt. Trong 50 năm qua, cộng đồng Việt hiện diện và phát triển ở nơi nào thì mang phở đến nơi đó.

Tất nhiên, hai quốc gia có nhiều người Việt định cư nhất là Pháp và Mỹ giành giật nhau giải quán quân về mặt này. Ở đâu nhiều tiệm phở nhất, tức là nhà hàng bán món phở là chính ngày nay? Là quận 13 ở Paris, là BolsaLos Angeles, là Tully-San Jose, nam và bắc bang Cali, là thương xá Eden ở quận Arlington, bang Virginia...

Tại Paris hoa lệ, ở cuối quận 5 giáp ranh quận 13 (trên đường Claude Bernard) trong nhiều năm có tiệm phở được coi là ngon nhất nước Pháp cho đến ngày nó đóng cửa cách đây đã phải 15 hay 20 năm.

Đó là một tiệm phở chui không tên rất bé, chỉ có 7 hay 8 chỗ ngồi. Mỗi ngày bà chủ nấu một nồi, bán hết thì đóng cửa, bất kể giờ giấc.

Vì chỗ ngồi chật hẹp nên mua mang về là tiện nhất, rủi là nhà hàng này không có shipper Grab hay Uber Eats, tới hộp đựng cũng không có luôn, khách phải mang gà men đến, mỗi phần nước lèo là một chai nước hay chai rượu 75 cl. Không thích thì đừng tới, có ai mời đâu, tuy ông bà chủ lớn tuổi ở đây rất dễ thương và lịch sự.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 2.

Tiệm phở này người ta gọi là Phở Vidéo vì nó nguyên là một cửa tiệm cho thuê băng hình, cửa kính trong mấy năm trời vẫn dán những apphich quảng cáo phim cũ để che giấu việc làm tội lỗi ở bên trong là ăn phở.

Tại sao bằng ấy năm nó không bị phát hiện thì tôi không biết nhưng rồi một ngày việc phải đến đã đến. Phở Vidéo đóng cửa vĩnh viễn. Nghe đâu ông bà chủ cao tuổi này về nước sống, các con không muốn nối tiếp công việc nên dán luôn trên cửa công thức nấu phở của mẹ để lại, sau còn đưa công thức này lên mạng cho quần chúng.

Tại Hoa Kỳ, trước 1975, hẳn đã có vài nhà hàng Việt tuy không thể gọi đó là tiệm phở. Chí ít là một nhà hàng tôi biết ở vùng thủ đô từ 1969. Tiệm phở đầu tiên có lẽ là ở vùng ngoại ô Washington DC, quận Arlington của bang Virginia và mang tên gì? Mang tên là Phở 75 và ngày nay vẫn còn. Đây là khu sớm có người Việt nhất ở Mỹ, thuộc thành phần có nhiều vốn nhất khi di tản và được bảo lãnh ra khỏi các trại tị nạn trước tiên.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 3.

Dọc theo đường Clarendon và đường Wilson đến 7 Corners lúc đó, hàng quán Việt rải rác, và Phở 75 có câu (tái nạm) vè (giòn) là "75 mà mở quạt trần/ Thịt với bánh phở đằng vân lên trời" vì được coi là thái quá mỏng cũng như cho ít bánh.

Vào thời điểm 1978, tiệm phở được coi là ngon nhất Arlington, tức là ngon nhất miền Đông, tức là ngon nhất nước Mỹ và ngon nhất thế giới vì cái gì nhất Mỹ thì nhất thế giới là đương nhiên, cũng không có tên (hay là tôi lại quên nữa rồi).

Nó ở phía đường 50, mở cửa cuối tuần và chỉ có ba cái bàn bé tí, tức là 5 hay 7 chỗ ngồi, phải xếp hàng mà đợi. Sau khi xếp hàng sáng sớm trong mưa phùn gió rét miền Đông Bắc nước Mỹ thì ăn cũng ngon thật chăng như lời khen tụng? Tôi đến ăn được đúng một bận. Bà nấu phở lúc đó là một cụ, có lẽ sau khi cụ quy tiên thì dẹp tiệm, tôi không rõ tích.

Còn Bolsa có tiệm phở là vào năm nào? À, Phở 79. Nhà hàng này nay vẫn còn, có dạo mở đến 5-6 quán trong vùng Nam Cali. Tất nhiên là nó có trước Phở 80 rồi và có thời nổi tiếng nhờ món xí quách rất rẻ.

"Không thích thì đừng tới" là công thức của tiệm phở Kim Quy, cũng vào thời điểm cuối thế kỷ trước được coi là ngon nhất Nam Cali (và nhất nước Mỹ, cùng khối NATO, và toàn thế giới). Lúc đó, nhà hàng này ở TP cảng Long Beach, cách khu Bolsa đến 20km.

Nó rất bé, chừng 40 chỗ ngồi, lúc nào cũng xếp hàng rồng rắn ở phía ngoài. Khách vào đến ngưỡng cửa, chưa được ngồi (vào đến ngưỡng cửa thì thời gian đợi còn mươi phút nữa) thì được hỏi ngay "Ăn gì?". Bạn phải trả lời ngay không được ấp úng vì nếu không, phục vụ hỏi người đứng sau là bạn mất chỗ trong hàng.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 4.

Ngồi xuống rồi thì tô phở được mang tới ngay, đừng nhìn ai và cúi đầu mà ăn nhé, nếu hỏi rau giá gì gì thì câu trả lời là "Đi ra chợ mà mua!". Kim Quy sau dời về Bolsa ngay trung tâm người Việt, ở một chỗ đậu xe rất chật nhưng nhà hàng nhiều chỗ hơn, đỡ phải đợi và chắc gần chợ nên giờ có rau có giá.

Hiện nay, ở kiếp hóa thân thứ ba, nó đổi sang Fountain Valley cách 5-7km, tuy đi xa hơn nhưng rộng rãi, chỗ đậu xe an toàn, tiếp đãi không còn mắng người đồng hương. Còn nói về chất lượng thì theo một người không sành ăn như tôi, nếu phở Video 10 điểm thì Kim Quy được 7-8.

Nói chung, tại bất cứ nơi nào, quận 13, Bolsa, Tully, Washington DC… chất lượng đều là một 8 một 10 thì các hàng phở mới tồn tại lâu dài được. Bạn quá kém dưới trung bình thì bạn đi ngay về miền quá khứ. Nếu nói chuyện vị thì thịt bò là căn bản, mà ở Âu nó khác thịt bò Mỹ hay thịt bò Úc, đó là chưa nói đến Việt Nam hay Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 5.
Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 6.

Phở, lúc đầu là để phục vụ người Việt, nhưng từ 10 năm nay nó bước sang một giai đoạn mới. Nó vượt vũ môn và ra biển (nước lèo) lớn.

Thí dụ, Ginza Ginza ở Istanbul cho thấy ngoài tôi là người Việt hiếm hoi từng đọc Vũ Bằng và Nguyễn Tuân ra, khách ăn phở giờ là người nước ngoài, người địa phương sành sỏi hay người quốc tế như một cô Indonesia.

Cùng với món nem mà người Pháp nào cũng biết (có cả nem thịt gà cho người Hồi, nem chay hay nem Vegan thời thượng), cùng với cà phê sữa đặc (tức cái nồi ngồi trên cái cốc khắp các phố London ở một quốc gia ta biết chỉ chuyên về trà), cùng với bánh mì thịt mà tôi thấy bán bên ngoài bưu điện Oslo ở Na Uy. Cùng với những món trên, phở đi vào thế giới.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 7.

Người con gái đeo khăn bịt tóc kiểu Nam Dương khiến tôi nhận ra ngay nguồn gốc. Cô đi ăn một mình và uống cà phê sữa đá cẩn thận. “Selamat siang” - tôi chào và cô cười.

Ở Jakarta có tiệm Phở 24 ở trong khu thương xá Lotte nhưng tôi chưa ăn, tôi bảo. Cô nói cô người tỉnh Medan (Bắc Sumatra). Vậy ở đó cũng có tiệm phở? Cô nói không, cô biết ăn phở là vì năm ngoái cô đi Hội An và Đà Nẵng nghỉ mát 15 ngày. Giờ ở Istanbul, cô nhớ nên cô đến quán này ăn.

Ginza Ginza vào tháng 8-2021 là nơi độc nhất có bán phở tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nó nằm ở phố Ortakoy-Besiktas - phố ăn chơi của sinh viên và trí thức bobo (bourgeois-boheme, trưởng giả nghệ sĩ tính) trong những con đường ọp ẹp, đối diện một trong ba nơi bán trà sữa trân châu Đài Loan của thành phố. Nó mang tên Nhật vì có lẽ sushi mới có người biết đến. Cửa hàng hầm bà lằng này của một cô Việt kiều Mỹ còn kiêm luôn món Hàn.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 8.

Như phần lớn các nơi có bán phở tại nước ngoài, thực đơn còn có bún chả, bún bò Huế, mì Quảng, sáo măng, miến vịt, hủ tiếu Mỹ Tho, địa đạo Củ Chi, patê gan ngỗng với đồ chua trong bánh mì. Tình trạng này như các nhà hàng ở ngoại ô Paris hay tỉnh nhỏ ở nước Pháp, biển đề là “Cơm Hoa-ViệtThái và Sushi” tức là muốn gì thì có nấy!

Nhưng cô khách Indonesia không màng chuyện thập bát ban ẩm thực đó, cô đến đây để tìm lại hương vị của một kỳ hè và cô thấy được thỏa mãn. Vậy đối với cô là đủ, nhưng tôi thì không. Tuy trong chớp mắt nhân gian nửa thế kỷ qua, phở đã từ “hỡi em người xóm học, sương thấm hè phố đêm” của Paris mà đến tận xứ Istanbul này.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 9.

Tại Hàn Quốc, phở đi vòng vèo qua con đường Mỹ. Vì lý do gì đó, món phở Việt nhanh chóng đi vào lòng Hàn kiều tại bang Cali. Trước hết là Tiểu Saigon Westminster bang California, đường Bolsa ở cạnh Tiểu Cao Ly, đường Garden Grove.

Thứ nhì, tôi đồ rằng đó là nhờ tương ớt Siracha của nhãn Huy Fong và sự hiện diện của hành giấm. Người Hàn gọi phở là phải có dĩa hành giấm và xịt thêm tương ớt tèm lem. Đố họ gọi đó là gì?

Là "kim chi" chứ gì nữa! Các tiệm phở ngoài khu vực Bolsa thường có nhiều khách Hàn Quốc, và có cả nhiều tiệm phở ở tại Nam Cali là của người Hàn luôn. Tại đó, bạn có thể ăn phở với kim chi bắp cải. Ngay tại Hàn Quốc, ngày nay tiệm phở đầy rẫy, từ phi trường quốc tế Incheon trở đi.

Sang tới Nhật Bản, thay vì rắc giá thì vào mùa xuân họ điểm tô phở thêm mấy cánh anh đào. Cái này là tôi bịa đặt, nhưng tại Nhật tôi từng ăn món phở trong một nhà hàng loại chuỗi ở địa phương, chứng tỏ nó khá thông dụng. Nó không ngon vì nước lèo rất đặc và ngọt, kiểu sukiyaki. Thì nhập gia tùy tục, ở Hàn phở ăn với kim chi, ở Nhật với nước dùng kiểu sukiyaki.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 10.

Phở ở Lào hình như là một món Lào, có một cục thịt… trâu bồng bềnh? Ở đâu cũng có bán, trên những tỉnh lộ cao nguyên thôn bản, nơi rừng thẳm...

Tại Cam Bốt, một bận tôi hỏi hướng dẫn viên ở đâu có hủ tiếu Nam Vang ngon, tôi được anh giới thiệu "nơi ngon nhất, đẹp nhất và vệ sinh, sạch sẽ nhất thành phố" là một tiệm lúc đó mang tên Phở số 1 ở chợ nhỏ. Ăn cũng được, tuy là ở Nam Vang nhưng món ấy nhất định không phải là hủ tiếu.

Tại Thái Lan, trong đầu thập niên 1990, Soi 3 hay Soi 1 Sukhumvit có vài quán phở vì đó là khu quá cảnh của Việt kiều Mỹ trên đường về nước. Vì chưa có bang giao nên Việt kiều về nước lúc đó còn phải lấy visa nhập cảnh rời và qua một đêm tại Bangkok, bận đi cũng như bận về.

Nếu bạn may mắn, có thể bạn gặp một người coi rất quen ngồi ăn sáng, có râu mép nhưng không phải Nguyễn Thành Luân từng mang lon thiếu tướng trước đây ở miền Nam và biết lái cả máy bay.

Một nhà hàng cơm Việt cao cấp hơn lúc đó ở Bangkok là tiệm Đà Lạt, chủ là Việt kiều Thái định cư ở đây từ thời Pháp thuộc và nói tiếng Việt lắp bắp. Tại bờ biển Pattaya (cách Bangkok 120km) thì trước Covid có một tiệm phở. Người chủ bảo, em qua đây thấy vui nên ở lại mở nhà hàng.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 11.

Nếu bạn đi về hướng đông, vượt qua vùng biển họ gọi là biển Tây Philippines thì sẽ tới một hàng xóm khác của nước ta.

Cũng như Malaysia và Hàn Quốc, Philippines cuối thập niên 1990 đã có tiệm Phở Hòa từ một hệ thống Việt kiều Mỹ ngày nay đã tan rã nhưng một thời vang bóng.

Phở Hòa tại Manila nay vẫn còn dăm ba tiệm, tôi chỉ nhớ ngày trước giật mình thấy giá tô phở đắt hơn ở Mỹ, trong khi tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên và vật liệu nấu nướng đều rẻ hơn. Lúc đó tôi đã nghĩ, ngu gì mà làm ăn ở Mỹ, Bolsa chán lắm, qua đây vui thì nên ở lại mở nhà hàng.

Phố Maginhawa ở Quezon City phía đông bắc thủ đô Manila hiện là "phố ăn uống quốc tế" vì là xóm học đầy sinh viên, cạnh Trường ĐH Philippines Diliman. Phở Saigon là một căn phía trên một nhà hàng ramen Nhật, bên cạnh một nhà hàng Mexico bán quesadilla và chimichanga.

Như mọi nhà hàng Việt ở nước ngoài, có gọi là quán phở cũng phải bán thêm nhiều món, mì, hủ tiếu, bò bún… Và cà phê là điều không thể tránh. Tôi đến ăn vào lúc 12 giờ trưa, nhà hàng vừa mới mở, tôi gọi phở, anh phục vụ mang nước đến rồi chuồn ra ngoài.

5 phút sau thấy anh hấp tấp trở về, tay cầm một bịch ngò gai. Đây là một nhà hàng có ý thức phục vụ cao hơn phở Kim Quy ở Long Beach như đã kể, "muốn hành muốn giá thì ra chợ mà mua"!

Nhưng tất nhiên, phở Sài Gòn Manila không ngon bằng phở Kim Quy tuy ăn cũng OK, xin ân cần giới thiệu cùng những bạn lỡ đường vào một trưa xa quê ở phía biển được gọi là biển Tây Philippines.

Ở Kuala Lumpur, có tiệm phở Sài Gòn trên đường Alor - con đường ẩm thực của thành phố vốn náo nhiệt và bẩn. Cạnh đây có một tiệm phở khác sạch sẽ hơn, nhưng như nhà văn Orhan Pamuk từng viết về thức ăn đường phố ở tại quê ông là Istanbul: "Cái ngon nó ở chỗ cái bẩn!".

Khoảng 6 - 8 giờ tối, đây là nơi dùng bữa tối trước khi lao động của các cô người Việt. Ngồi nghe đồng hương của chúng ta ba miền nói chuyện rổn rảng, ăn phở cũng được, so với phở Lý Quốc Sư theo tôi thì cũng một tám một mười.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 12.

Phở ở Malaysia đã đi vào dòng chính của ẩm thực, có lẽ vì bán đảo này vốn đã rất đa dạng với các món Ấn, Hoa và Mã Lai. Chuỗi nhà hàng Secret Recipe có đến 440 tiệm ở Malaysia, Sing, Thái, Bangladesh… có món Phở (Vietnamese Beef Noodle Soup) trong thực đơn cạnh các món Tom Yum và Curry Laksa.

Ta có thể đến một thành phố buồn như chấu cắn là Bandar Seri Begawan (Brunei) hay Malé (Maldives) mà gọi phở thì sẽ bất bình vì tại sao phở lại có bò viên và lại có cả giá sống, thế còn ra gì thể thống phở thành Nam!

Món phở quê tôi đã bị Hà Nội chôn sống một lần với nạm, rồi lại bị Sài Gòn chôn sống một lần nữa với tương đen. Thế đã mát mặt phở chưa, nào là Xe Lửa, Tàu Bay, Tàu Thủy, Tàu Ngầm, Xe Tăng (Chicago) và đủ thứ phương tiện chuyển vận, giờ sang đến Malaysia còn bỏ giá sẵn ở trong tô! Phở ơi là phở, cho tôi nói lại nữa, nào, đẹp mặt chưa?!

Hương Cảng đã có phở của người Hoa quận 5 trong thập niên 1980, một căn nhà ngõ ngách nào đó phía Cửu Long, Tim Sá Tứ (Tsim Sha Tsui, TST). Nó có cửa sổ ở tầng lầu, nhìn ra một chiều mưa, tôi đến ăn lần đó lại là do hai cô người Anh dẫn đến.

Một cô là luật sư mới ra trường, cô kia là người Scotland mái tóc như phượng đỏ vào một hè rực rỡ. Ở Áo Môn (Macao) ngày nay cũng có đến hàng chục tiệm phở nhưng 20 năm trước chỉ có độc một nhà hàng Việt Nam.

Nó cũng có phở chứ. Khi tôi bước vào với một bạn người Việt đang hành nghề ở địa phương, bạn được chào ngay: "Ơ, chị mới bắt được một thằng bồ Tàu mới hả?".

Cô bạn đỏ mặt, gắt ngay để chặn: "Nói bậy! Anh này là người Việt Anh hiểu tiếng Việt! Anh hiểu tiếng Quảng! Anh hiểu tiếng Trung Quốc!" Tức là đừng nói gì nữa hết. Và tôi ăn phở. Phở ăn được, tuy cũng có giá và có bò viên.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 13.

Phở ở Đông Á, ở Bắc Mỹ hay là ở Tây Âu, Đông Âu cũng chẳng có gì là lạ. Tây Bá Linh, Đông Bá Linh và Đức quốc thống nhất đều có phở.

30 năm về trước, ở Warszawa (Ba Lan) đã có phở trong nhà hàng Việt, chủ nhà hàng Việt nào lúc đó nếu không có bằng tiến sĩ vật lý thì cũng có bằng tiến sĩ hóa học cho nên phở của họ ăn cũng tàm tạm. Praha (Cộng hòa Czech) có phở. Nơi nào có người Việt thì nơi đó có phở, khỏi phải kể mãi.

Tôi ăn phở ở Sydney, Cabramatta (Úc), nó tương đương với phở Bolsa. Tôi ăn phở ở Cairns, là một trấn miền biển ở vùng Queensland rất ít người Việt nhưng bán cho du khách tứ xứ và người địa phương.

Ngày chủ nhật, thổ dân địa phương người dân tộc Aborigene đi xe đò đến từ thôn bản xa xăm. Họ ngồi đó cả ngày nhìn người da trắng qua lại, chiều họ lấy xe đò đi về nhà, vậy là xong một ngày nghỉ và giải trí.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 14.

Israel là nước có cộng đồng người Việt nhỏ nhất thế giới, khoảng 300 người, vài ba chục người đầu định cư tại đó từ năm 1982. Tel Aviv giờ có vài tiệm ăn Việt, nhưng tôi không đến thăm Israel vì tôi còn đợi một ngày có một quốc gia Palestine có chủ quyền thì mới đặt chân lên.

Nếu ngày đó không đến thì tôi sẽ ăn tạm phở tại quốc gia bên cạnh là Lebanon thôi, nơi có 500.000 người Palestine tị nạn từ năm 1948. Đuổi 750.000 người Palestine ra khỏi nước vào năm đó, đến 1982 thì Israel nhận 37 người Việt. Đây thực ra là một tai nạn.

Số thuyền nhân này được sứ quân Lebanon là Bechir Gemayel, vừa được bầu tân tổng thống nhưng chưa nhậm chức, hứa sẽ nhận từ các trại tị nạn Đông Nam Á. Ông Bechir bị đánh bom chết. Thầy của ông Bechir này là Israel bèn nhận thay, cho nên Israel từ đó có tiệm phở trước Lebanon.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 15.

Năm 2006, khi xảy ra chiến tranh với Israel thì Lebanon có chưa đến 100 người Việt, có lẽ phần lớn là phụ nữ giúp việc nhà và con số được biết đến vì họ xin sứ quán ta tại Ai Cập giúp cho di tản hồi hương.

Để tìm hiểu hoàn cảnh của đồng hương nên một dạo tôi cứ gặp phụ nữ giúp việc nhà người Đông Á ở Beirut là lăn vào hỏi, để rồi bị họ mắng bằng tiếng Tagalog, Cebuano, Ilocano (các thứ tiếng Philippines).

Lebanon có 250.000 phụ nữ nước ngoài giúp việc nhà, trong đó 32.000 là người Philippines. Số người Việt tôi không biết có bao nhiêu và chưa từng, không hề gặp một người nào, hễ hỏi "Em người Việt hả" thì bị liếc xéo "Cái cha này zô diên, người ta là người Davao nè".

Lần chót tôi trở lại Beirut là năm 2017, lúc ấy có phở chưa thì tôi không biết. Đến năm 2020, Beirut có được hai tiệm, một tiệm vừa phở, vừa bánh mì vừa sushi mang tên Sài Gòn.

Vậy tiệm kia đố là mang tên gì? Tên là Hà Nội. Rủi là vì nhà hàng ở gần cảng nên bị thiệt hại trong vụ nổ vào tháng 8-2020 và đóng cửa. Sau đó lại là đại dịch Covid trầm bổng, ngành nhà hàng bị ảnh hưởng nặng. Dẫu sao thì tôi cũng rất nghi ngờ, bởi trong thực đơn còn có cả sashimi hay gyoza, tempura.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 16.

Hòn đảo diện tích 30km2 và con đường độc nhất vòng quanh đảo chỉ có 32km. Dân số 10.000 người, thủ phủ của Polynesia thuộc Pháp là Papeete. Chuyến bay mất 50 phút đến đảo nhỏ (motu) phi trường, từ phi trường đến Vaitape bạn phải mất 30 phút phà nữa. Bora Bora cách Los Angeles 15 tiếng, Honolulu 17 tiếng, Tokyo 18 tiếng, Sydney 22 tiếng và Paris 30 tiếng.

Vậy ta phải mất 30 tiếng để đến đó ăn phở? Mất 30 tiếng đi đúng nửa vòng Trái đất để đi đến đó là mất công toi vì ở Bora Bora không có phở! Không có phở, thôi mình đi về! Nhưng lỡ đến nơi rồi thì cũng nên ở lại một tuần vì biển ở đó đẹp và nghe đâu là đẹp nhất thế giới, à nhưng những chuyện biển đẹp nhất nhì này cũng như chuyện phở ngon, cãi nhau cả tháng không xong.

Bà cụ có lẽ tuổi chừng 70 đâu đó. Trên một khúc của con đường vòng quanh đảo, bà cất một cái chái, có một tấm bảng hiệu bằng giấy viết tay. Bên trong chái có một cái bếp lò và ba cái bàn nhỏ, ngồi được 6 người.

Bà có một nồi cơm, ngày nào cũng có món nem, còn thức ăn thì tùy hứng, bữa tôm rim, bữa cá kho tộ, bữa đậu hũ nhồi. Bà cụ người Bắc, sang Pháp từ năm 1956, ở Bordeaux (miền nam phía biển Đại Tây Dương) và giờ theo con gái cụ sang đây sống. Tôi hỏi, thế ở đây bác có buồn không?

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 17.

Vaitape chỉ có một tiệm bánh mì, mỗi sáng xe chạy vòng quanh đảo giao bánh mì cùng với tờ báo để vào trong hộp thơ trước nhà. Cụ nhìn quanh, nhìn trời, nhìn biển màu Gauguin và trả lời tôi “Có người còn khổ hơn ấy chứ”. Anh khách Tây trắng cởi trần và quần đùi vừa tấp ghe đến cười nhăn răng.

Anh khoe anh đã dựng xong căn nhà của anh ở trên một đảo nhỏ gần đó, ngày nào anh cũng ghé đây ăn. Tôi hỏi anh biết phở không? Anh nói biết. Phở Hawaii ở đường Ivry Paris! Hawaii! Đây là Bora Bora và được coi là địa đàng nhưng lại không có phở! Thế mà cũng dám xưng là địa đàng! Cụ bảo ờ thì khi nào đó để cụ nấu, nhưng phải đợi bánh phở từ Papeete về đã.

Papeete giờ có một tiệm phở “thực sự”. Tức là tại đó ta có thể gọi nhiều bánh ít bánh, đuôi bò, thêm tái, thêm chín, đồ biển, hành trần nước béo… Ngày trước, chỉ có tôm rang muối và cua rang me ở nhà hàng La Saigonaise (Cô gái Sài Gòn). Đó là vào năm 1989 và Bora Bora tôi chưa hề trở lại. Tôi vừa xem trên mạng, này, Bora Bora vẫn chưa có tiệm phở đâu.

Nửa thế kỷ, rong ruổi ăn phở khắp thế gian - Ảnh 18.



SÁNG ÁNH
SÁNG ÁNH - GOOGLE FOOD
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0