TS Trần Phương Thảo được đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 - Ảnh: NVCC
Suốt 11 năm gắn bó với con đường nghiên cứu khoa học, nữ tiến sĩ Trần Phương Thảo (35 tuổi, giảng viên bộ môn hóa dược Trường ĐH Dược Hà Nội) chia sẻ gặp nhiều khó khăn, có lúc thất bại nhưng những lần đó, chị dừng lại ưu tiên làm những việc bản thân thích. "Sau đó lại tiếp tục nghiên cứu chứ không thể từ bỏ" - TS Trần Phương Thảo quả quyết.
Nữ tiến sĩ vừa được vinh danh là một trong 10 gương mặt thủ đô tiêu biểu năm 2019, là ứng viên cho đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 chia sẻ với Tuổi Trẻ về câu chuyện "dành cả thanh xuân" cho đam mê nghiên cứu khoa học.
Thất bại luôn "đồng hành"
* Có đến 11 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, điều gì thôi thúc chị đam mê nghiên cứu đến vậy?
- Tôi bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học từ năm ba đại học, càng làm càng thích nên cứ thế theo đuổi cho đến nay. Ngày còn là sinh viên được vào phòng thí nghiệm, tôi thấy nơi này rất mới mẻ nên mong muốn được thử. Đến khi được thử rồi thì thích thú ngay.
* Nhờ nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi, mới đây chị cùng cộng sự tìm ra chất dẫn mới ức chế một loại enzyme là tác nhân gây bệnh Alzheimer. Chị có thể chia sẻ về quá trình này?
- Tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại trường làm giảng viên. Sau đó tôi giành học bổng học thạc sĩ, tiến sĩ tại Hàn Quốc. Tôi bắt đầu tiếp xúc với người bệnh Alzheimer trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc.
Trong quá trình học tại trường, tôi nhận thức được về căn bệnh này, đọc các báo cáo, đưa ra các ý tưởng và may mắn được nghiên cứu, phát triển thuốc mới điều trị căn bệnh Alzheimer - suy giảm trí nhớ ở người. Hiện nay trên thế giới vẫn chưa tìm được thuốc chữa trị tận gốc căn bệnh này.
Năm 2015, tôi trở về Việt Nam giảng dạy và tiếp tục theo đuổi nghiên cứu. Tại đây, tôi cùng cộng sự tìm ra một số chất dẫn chất mới có khả năng gây ức chế enzyme Glutaminyl cyclase - một trong các tác nhân gây ra bệnh Alzheimer. Enzyme này có vai trò trong việc giảm tạo thành những mảng bám trong não bộ của người suy giảm trí nhớ. Chỉ là mình đưa ra hướng tìm hiểu mới, nhưng nếu nhiều người cũng tìm hiểu như thế sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình tạo ra thuốc điều trị.
Hiện nay tôi đang kết hợp với thầy giáo ở Hàn Quốc với mong muốn bước đầu thử nghiệm lâm sàng. Còn đưa vào thử nghiệm được trên người hay không còn là bước rất dài nữa. Tôi không tính được thời gian bao lâu có thể đưa vào thử nghiệm, bởi trong nghiên cứu thuốc nếu sai một giai đoạn có thể phải làm lại từ đầu.
* Thách thức lớn nhất trong nghiên cứu này là gì, thưa chị?
- Trước tiên đây là nghiên cứu cơ bản, việc đưa thử nghiệm ở người còn là cả một giai đoạn rất dài. Nhưng nếu không có người bắt đầu sẽ không có giai đoạn sau. Cho nên tôi vẫn muốn theo đuổi và tiếp tục theo đuổi nó. Không thể vì những gì mình làm ra chưa được ứng dụng ngay mà từ bỏ. Cái gì cũng có giai đoạn, mình đang ở giai đoạn đầu thì còn có giai đoạn hai, giai đoạn ba, giai đoạn sau nữa.
"Thất bại luôn luôn đồng hành" - tôi luôn xác định như vậy. Bởi vì không phải ai cũng thành công mãi được, mình xác định mỗi lần thất bại là những lần rút ra được kinh nghiệm để sau này tránh được thất bại đó.
Không thể từ bỏ
* Nghiên cứu khoa học đã khó, càng khó hơn với phụ nữ vì còn gia đình, con cái?
- Mình là người châu Á nên trước hết phải ưu tiên cho gia đình, nhưng làm nghiên cứu khoa học lại hạn chế thời gian quan tâm gia đình. Rất may dần dần mình cân bằng được thời gian và được gia đình rất ủng hộ.
Cũng có những lúc khó khăn thất bại, đôi lúc bản thân cảm thấy chán nản, những lúc đó mình chọn dừng lại để làm việc bản thân thích. Sau đó tiếp tục nghiên cứu chứ không thể từ bỏ.
* Mong muốn của chị trong năm mới này?
- Tôi mong muốn tìm ra bước phát triển mới trong công trình của mình. Nghiên cứu này có thể dừng lại ở nghiên cứu lâm sàng, nhưng tôi mong thế hệ sau có thể đưa vào sử dụng. Bạn biết đấy, có các học thuyết có thể hàng chục, hàng trăm năm sau mới được chứng minh lại đúng hoặc không đúng.
Nữ tiến sĩ Trần Phương Thảo có năm bản quyền sáng chế (đồng tác giả), chín công bố quốc tế ISI, 12 công bố trên tạp chí quốc gia, chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước và cấp cơ sở, thành viên nghiên cứu chủ chốt của ba đề tài cấp nhà nước.
Năm 2018 - 2019, chị nhận được bằng khen của bộ trưởng Bộ Y tế; học bổng dành cho nhà khoa học nữ tài năng của Quỹ L’Oreal - UNESCO 2017. Mới đây chị được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2019. Cùng với đó là giải thưởng "Quả cầu vàng" năm 2019 trong lĩnh vực công nghệ y - dược.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận