22/03/2005 10:44 GMT+7

"Nữ quái" gây mê

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT - Từ năm 2001-2003 trên tuyến giao thông đường sắt và các nhà ga, bến xe thuộc hai địa phương Yên Bái và Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ án cướp tài sản bằng gây mê. Trước những thông tin dồn dập báo về, chuyên án mang bí số 703M đã được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự (Bộ Công an) xác lập...

4S6EO1mL.jpgPhóng to
Bùi Thị Thanh (trái) tháo hoa tai của nạn nhân là bạn đồng hành bị đánh thuốc mê (ảnh thực nghiệm hiện trường của công an)
TT - Từ năm 2001-2003 trên tuyến giao thông đường sắt và các nhà ga, bến xe thuộc hai địa phương Yên Bái và Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ án cướp tài sản bằng gây mê. Trước những thông tin dồn dập báo về, chuyên án mang bí số 703M đã được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự (Bộ Công an) xác lập...

Lon Coca giá... hơn 3.000 USD

Chiều tối 9-7-2003, hai chị Nguyễn Thị Ngợi và Nguyễn Thị Ngát tới ga Yên Bái để đón xe lửa đi Hà Nội. Trong lúc chờ nhà ga mở cửa bán vé, một phụ nữ dắt theo một bé gái chừng 10 tuổi tới ngồi bên hai chị, có vẻ cũng đang chờ mua vé về xuôi.

Qua câu chuyện làm quà, người phụ nữ tự giới thiệu tên là Hà, đang làm bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), còn chồng là phó giám đốc bệnh viện này. Hà tỏ ra xởi lởi và hào phóng mở túi lấy ra nào bánh qui, xoài, mấy lon Coca và cả... nhân sâm mời hai bạn đồng hành, cẩn thận dặn dò họ cảnh giác và tỉnh táo đề phòng mất cắp trên tàu.

Và rồi, sau ít phút uống Coca hai người khách ngủ thiếp đi, mãi tới khi tỉnh dậy ở ga Hà Nội mới hay những tài sản có giá trị mang theo trong người như nhẫn vàng, 3.000 USD và 3,1 triệu đồng tiền mặt đã “không cánh mà bay”...

Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu được lon Coca có pha thuốc Sedusen, cũng như chất nôn của hai nạn nhân có thành phần Sedusen. Đặc biệt sau khi gây án, do đối tượng vội vã xuống tàu nên bỏ quên một túi hành lý. Trong túi, ngoài một số vật dụng thông thường có một chiếc áo sơmi nữ dài tay màu vàng kẻ sọc rất... nổi.

Hành trình phá án…

Lật lại một số vụ án trước đó, cơ quan điều tra phát hiện có lời khai về một đối tượng chuyên lừa đảo bằng thuốc gây mê có mối liên hệ ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

Mở rộng điều tra chủ nhân chiếc áo vàng kẻ sọc tại Cẩm Giàng, các trinh sát phát hiện người có chiếc áo trên là một phụ nữ tên Dung, trú tại Tràng Kỹ, xã Tân Trường (huyện Cẩm Giàng). Chị Dung là em dâu của Ninh Văn Biển - một đối tượng bị Tòa án tỉnh Bắc Giang kết án 7 năm tù về tội cướp tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, Ninh Văn Biển (sinh 1961) sống như vợ chồng với một phụ nữ tên Trần Thị Xuân. Đầu tháng 4-2001, Biển cùng Xuân đã thực hiện một vụ gây mê để cướp tài sản trên chuyến tàu từ Hòn Gai về ga Kép (Bắc Giang).

Đáng lưu ý, chị Dung khai chiếc áo may tại một tiệm may ở huyện Cẩm Giàng được chị bán cho Xuân. Nhận dạng của hai nạn nhân Nguyễn Thị Ngợi, Nguyễn Thị Ngát trên chuyến tàu Yên Bái - Hà Nội hôm 9-7-2003 cũng xác định “bác sĩ” Hà ở “Bệnh viên Bạch Mai” đã mời họ uống lon Coca có pha Sedusen chính là... Xuân.

“Bác sĩ” Xuân là ai?

VwMbbCqs.jpgPhóng to
Người nhà của Biển cho biết Xuân gặp Biển tại bến xe Gia Lâm, khi Xuân vừa từ trại giam Phú Lương (Thái Nguyên) được đặc xá tha tù về. Trước đó, năm 1993 Xuân bị Công an Hà Nội bắt về hành vi dùng thuốc Sedusen gây mê để cướp tài sản, nhưng lúc đó Xuân khai tên là Ngân Thị Hải, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Mặc dù xác minh tại địa phương không có ai tên như vậy, năm 1994 Tòa án TP Hà Nội vẫn kết án Hải (tức Xuân) 12 năm tù, chấp hành án được 6 năm thì được đặc xá (năm 2000).

Hai người dắt nhau về quê, Biển giới thiệu Xuân là vợ và hai người từ đó làm ruộng sinh sống. Khi Biển bị bắt trong vụ án ga Kép, Xuân rời khỏi nhà “chồng” và biệt vô âm tín. Qua nhiều nguồn tin quần chúng, trinh sát phát hiện trước khi bỏ đi Xuân từng “qua lại” với một người chạy xe ôm tên Viễn ở Cẩm Giàng. Tiếp cận Viễn, anh ta thừa nhận vẫn thỉnh thoảng liên hệ với Xuân qua điện thoại. Số điện thoại này được đăng ký dưới tên thuê bao Bùi Thị Thanh (1958), ở xóm 2, xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, khi các trinh sát đưa bản ảnh nhận dạng Trần Thị Xuân, đồng thời cũng là “bác sĩ” Hà, công an địa phương đã xác định đây chính là... Bùi Thị Thanh. Thanh từng có chồng là lái xe của Trung tâm điều trị bệnh nhân phong Quỳnh Lưu (năm 1995 anh này chết). Thanh đi khỏi địa phương từ năm 1991, đến tháng 11-2003 mới quay về xin đăng ký hộ khẩu ở xã Quỳnh Lộc. Trở về quê, Thanh xây một ngôi nhà khang trang gần 100 triệu đồng, ai hỏi thì nói tiền có được do đi buôn bán trên biên giới phía Bắc.

Cũng trong thời gian trên, một nhà sư ở chùa Lê Xá (Cẩm Giàng, Hải Dương) thông tin cho cơ quan điều tra biết khoảng giữa tháng 7-2003, Xuân (tức Thanh) có gửi nhà sư giữ hộ một bọc tiền cuốn trong giấy nilông to chừng ngón tay cái. Khi bỏ ra đếm được tất cả 3.000 USD, nhưng Thanh chỉ gửi nhà sư giữ hộ đúng một đêm.

Từ những tài liệu, chứng cứ trên, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Thị Thanh về tội cướp tài sản. Ngày 20-11-2004, sau một thời gian lẩn trốn, Bùi Thị Thanh bị bắt tại Tân Thành, thuộc thị trấn Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Bước đầu Thanh khai nhận đã gây ra cả chục vụ cướp với thủ đoạn dùng thuốc gây mê nạn nhân.

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên