23/11/2008 14:20 GMT+7

Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga - Kỳ 4: Những phút cuối của một tài hoa

Theo GIAO HƯỞNG - Thanh Niên
Theo GIAO HƯỞNG - Thanh Niên

Thanh Nga theo đạo Phật, pháp danh: Diệu Minh, sinh năm Nhâm Ngọ (1942) tại Tây Ninh, mất năm Mậu Ngọ (1978). Chồng Thanh Nga: Phạm Duy Lân, sinh năm 1923 tại Hà Nội, là luật sư - đổng lý văn phòng Bộ Thông tin của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.

EBmlXL5I.jpgPhóng to
Từ trái sang: Thanh Nga - Phùng Há - Hữu Phước - Năm Châu trong một vở diễn - Ảnh: Huỳnh Công Minh

Hai người tuy không sinh đồng niên, nhưng mất cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng một nơi tử địa và tử táng.

Kỳ 1: Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga: cành hoa trắng mộngKỳ 2: Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga: Lời khai của "người bảo vệ"Kỳ 3: Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga: Người chụp ảnh Sơn nữ Phà Ca trong áo quan

Đám tang của hai vợ chồng cử hành chưa được bao lâu, đã xảy ra vụ bắt cóc con trai của BS Nguyễn Lã Hỷ (1979). Trước đó, lại có vụ bắt cóc con trai vợ chồng nghệ sĩ Kim Cương như đã nói ở kỳ trước (1977). Như vậy liên tục trong ba năm xảy ra ba vụ bắt cóc trẻ em để tống tiền, nên cơ quan điều tra đã đánh dấu hỏi lớn, cuối cùng tìm ra thủ phạm, chủ mưu của ba vụ bắt cóc ấy là một. Vậy đó là ai? Dưới đây là tóm tắt kết quả vụ án do thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp trình bày (cùng thú nhận của thủ phạm sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga) tại hội thảo chuyên đề do Tổng cục Cảnh sát nhân dân - Bộ Nội vụ tổ chức năm 1995, như sau:

“Sau khi bắt cóc con nữ nghệ sĩ Kim Cương trót lọt và nhận được 20 lượng vàng (do chồng Kim Cương là anh Thức đem đến chỗ hẹn để đưa), kẻ chủ mưu là Nguyễn Thanh Tần cho rằng phần lớn các nghệ sĩ sân khấu nhiều tiền, nhiều của, lại hiếm con, nên chắc rằng họ rất quý con (sẵn sàng chi tiền ra để chuộc lại). Do đó, Nguyễn Thanh Tần lại tiếp tục con đường cũ”. Nên đến tháng 9-1978, Tần với Nguyễn Văn Đức từ dưới quê lên TP.HCM, bàn xem con của nghệ sĩ nào đáng được bắt cóc nhất, cuối cùng cả hai đồng ý nhắm đến con trai 5 tuổi của vợ chồng Thanh Nga.

Biết đoàn Thanh Minh đang biểu diễn ở rạp Thủ Đô, nên nhiều lần Tần và Đức phục sẵn ở mấy quán nước gần đó nhưng chưa thực hiện được vì “rạp này người đi xem hát và người đi lại quanh đó rất đông nên bọn chúng không dám ra tay”.

nNN7fsSu.jpgPhóng to
Thanh Nga (phải) và Bạch Tuyết năm 1963 - Ảnh: Huỳnh Công Minh

Phải chờ đến cuối tháng 10.1978, Tần và Đức lại rủ nhau lên TP.HCM một lần nữa, cốt xem động tĩnh quanh các sân khấu biểu diễn và ghi nhận quy luật đi về của vợ chồng Thanh Nga. Ban đầu, Tần bảo Đức hãy “bắt cóc cháu Cúc Cu vào khoảng 17 giờ chiều lúc Thanh Nga đi biểu diễn”.

Nhưng Đức không thể làm theo lời Tần, vì vào mỗi chiều có rất đông người qua lại trên đường Ngô Tùng Châu gần ngôi nhà của vợ chồng Thanh Nga ở. Vì thế Tần muốn đón bắt cháu Cúc Cu vào một buổi sáng nhưng việc cũng không thành. Sau cùng, Tần và Đức thỏa thuận sẽ bắt cháu Cúc Cu lúc 23 giờ khuya - là lúc Thanh Nga vừa đi diễn về, đường Ngô Tùng Châu lúc ấy lại vắng vẻ, thuận tiện hơn. Cả hai định đến tối 25-11 (tức trước ngày sát hại Thanh Nga 1 ngày) sẽ thực hiện.

Nhưng tối ấy, sắp hành động thì tình cờ có một chiếc xe bộ đội ở đâu chạy đến đậu gần nhà Thanh Nga nên Tần và Đức quay về. Đến khoảng 20 giờ tối hôm sau 26-11, Tần chở Đức bằng xe Honda qua rạp Cao Đông Hưng để xem Thanh Nga có đi biểu diễn không. Sau đó, khi biết Thanh Nga đang diễn, Đức chở Tần ra bờ sông Sài Gòn, ngồi chờ ở bến Bạch Đằng và “tại đây chúng đã mua một chai nước ngọt xá xị cầm theo để đề phòng lỡ bị cản trở khi bắt cóc cháu Cúc Cu thì sẽ dùng chai nước ngọt này đập vào người cản chúng cho ngất xỉu”.

Lận chai ấy theo xe, Đức và Tần về đầu đường Cách Mạng Tháng 8, ngồi ở một nơi khuất ánh đèn quanh khu vực ngã sáu Phù Đổng, để chờ xe chở Thanh Nga về. Đến khoảng 23 giờ hơn, thấy chiếc ô tô chở vợ chồng Thanh Nga trờ tới, Đức chở Tần bám theo ngay, đến trước cổng nhà Thanh Nga, Tần nhảy xuống rút súng ra. Sự việc tiếp diễn sau đó đã được ghi lại qua tài liệu tổng kết vụ án dưới đây:

Tần đạp người bảo vệ (là Các) té nhào vào trong xe, rồi chui đầu vào xe để uy hiếp ông Lân đang ngồi sau tay lái: “lúc này Đức đã dựng xong chân chống xe Honda, vẫn để cho xe nổ máy, rồi cầm chai xá xị (đi vào), chui qua cửa xe nơi Thanh Nga đang ngồi ở ghế sau để bắt cháu Cúc Cu. Nhưng Thanh Nga giằng lại (không để cho Đức bắt), làm cho chai xá xị của Đức cầm ở trên tay bị rơi tuột xuống sàn xe”.

Chồng Thanh Nga lúc đầu vì quá bất ngờ nên ngồi lặng đi mấy giây, ngỡ ngàng, nhưng sau ông trấn tĩnh, lên tiếng hỏi: “Các ông muốn cái gì?”. Hỏi hai lần như vậy với giọng bực tức rồi quay người lại phía sau chỗ Thanh Nga đang ngồi để dùng tay phải cùng vợ giữ lấy con trai của mình, còn tay trái hua hua về phía Tần ngăn lại; lúc này Thanh Nga la lớn và cháu Cúc Cu lại khóc ré lên.

Thấy hai vợ chồng Thanh Nga giữ quá chặt cháu Cúc Cu và thấy Đức có vẻ lúng túng, nên “Tần bắn ngay một phát vào ngực ông Lân để ông Lân buông tay giữ cháu Cúc Cu ra. Chồng Thanh Nga chỉ kêu lên mấy tiếng rồi bật ngửa ra đệm xe, không thấy cử động gì nữa. Còn Đức vẫn giằng co đứa trẻ (đang nằm trong vòng tay ôm chặt của mẹ) hồi lâu mà chưa dứt ra để bắt đi được.

Thêm nữa, bất thần Thanh Nga ôm con chồm lên cắn vào bàn tay trái của Đức, làm cho Đức đau quá, phải buông tay bỏ cháu Cúc Cu ra cho mẹ. Được con, Thanh Nga kéo cháu Cúc Cu vào phía trong, rồi chồm người ra phía ngoài nói: “Các ông hãy bắn chết tôi đi, chứ đừng bắt con tôi”. Thấy dùng dằng không tiện, Tần hốt hoảng nổ thêm một phát súng nữa bắn chết Thanh Nga tại chỗ, rồi quay ra bảo Đức: “Thôi đi!”.

Cả hai tên không bắt cóc được cháu Cúc Cu, lại gây án mạng sát hại một lượt hai người, đã vội vã ra xe Honda phóng đi mất. Mờ sáng hôm sau, ngày 27-11-1978, lúc trinh sát tỏa ra bủa lưới tìm thủ phạm, Tần và Đức đã lẳng lặng trốn về Sóc Trăng. Nhưng cuối cùng cả hai đã sa lưới pháp luật và cúi đầu thú nhận tội trước vành móng ngựa. Tòa tuyên án tử hình Nguyễn Thanh Tần, Nguyễn Văn Đức và lệnh tử hình đã được thi hành ngày 23-8-1980.

Đến nay, đã tròn 30 năm ngày mất nghệ sĩ tài hoa Thanh Nga (1978 - 2008), chúng tôi viết những dòng này thay nén hương tưởng tiếc. Nói như một anh bạn nhà báo rằng, cô sơn nữ Phà Ca sầu đời trên sân khấu thuở nào, vẫn là “cành hoa trắng mộng” như những mối tình nghệ sĩ của cô - chóng tàn nhưng đẹp như mơ...

(Còn tiếp)

Theo GIAO HƯỞNG - Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên