Nữ điêu khắc gia Phan Thị Gia Hương - Ảnh tư liệu
Bà được đánh giá là nữ tác giả điêu khắc xuất sắc của thế hệ nghệ sĩ tạo hình thời kỳ Đổi mới, có nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm mỹ thuật và được tặng nhiều giải thưởng xứng đáng, được giới mỹ thuật đánh giá cao và cũng là nhà điêu khắc nữ đầu tiên của cả nước được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Họa sĩ Ca Lê Thắng - chồng của nhà điêu khắc Phan Thị Gia Hương - vừa đăng cáo phó trên trang Facebook cá nhân.
Theo đó, nữ điêu khắc gia vừa qua đời lúc 14h27 ngày 3-9 do bệnh phổi, thọ 72 tuổi.
Bà sinh năm 1951 tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Tượng đài "Mẹ Tổ quốc" tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp của tác giả Phan Thị Gia Hương
Theo bài viết của cố chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương thì năm 14 tuổi, bà đã vào học lớp trung cấp hệ 7 năm, khóa 1965-1972, rồi tiếp tục học khoa điêu khắc tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, khóa 1972-1977.
Từ năm 1977, bà cùng chồng là họa sĩ Ca Lê Thắng và gia đình chuyển vào Nam, giảng dạy tại Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM cho đến năm 1997. Dù bận giảng dạy và làm công tác quản lý ở Hội Mỹ thuật, nhưng bà Phan Thị Gia Hương vẫn miệt mài sáng tác.
Các tác phẩm chủ yếu là tượng tròn, phù điêu bằng chất liệu đồng, gỗ, đá. Nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao được giải thưởng tại các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật TP.HCM và lưu giữ tại các Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Những tác phẩm điêu khắc của bà được thực hiện chủ yếu sau thời kỳ Đổi mới có chất lượng nghệ thuật cao, ấn tượng trong phong cách, bút pháp thể hiện, đặc biệt là việc tìm tòi các khối rỗng trên tác phẩm đã góp phần khẳng định Phan Thị Gia Hương là một trong những nữ điêu khắc gia có nhiều sáng tạo thành công, được giới mỹ thuật đánh giá cao.
Tác phẩm "Khúc bi tráng" của Phan Thị Gia Hương
Từ năm 1995, nhà điêu khắc Phan Thị Gia Hương chuyển sang sáng tác và thể hiện nhiều tượng đài có kích thước lớn, đồ sộ với chất liệu đá bền vững, về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Các tượng đài được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam.
Tượng đài Mẹ Tổ quốc đã được Giải thưởng Liên hiệp Văn học nghệ thuật của TP.HCM, được hội đồng nghệ thuật nghiệm thu tượng đài xếp loại A. Ngoài ra, còn có các phù điêu ở các tỉnh Tuyên Quang, Cà Mau, Kiên Giang...
Theo ông Chương, với nhiều tượng đài đã được hoàn thành, nhà điêu khắc Phan Thị Gia Hương là nữ tác giả duy nhất có nhiều tượng đài chất liệu đá bền vững đã được xây dựng với kích thước lớn, hoành tráng, ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo và được đánh giá cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận