10/06/2007 07:01 GMT+7

NSƯT Chí Trung: Tôi nấp sau cánh gà và khóc...

H.OANH
H.OANH

TT - Với hành trang vô cùng... “cân đối”: một chùm tiểu phẩm hài, một kịch tâm lý hài và một bi kịch nặng ký Ngôi nhà búp bê, NSƯT Chí Trung lại dẫn đoàn kịch 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ vào Nam sau mỗi chu kỳ hai năm.

fldO9ocv.jpgPhóng to
Chí Trung (thứ hai từ trái ) trong Đời cười - Ảnh tư liệu
TT - Với hành trang vô cùng... “cân đối”: một chùm tiểu phẩm hài, một kịch tâm lý hài và một bi kịch nặng ký Ngôi nhà búp bê, NSƯT Chí Trung lại dẫn đoàn kịch 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ vào Nam sau mỗi chu kỳ hai năm.

Lại một tháng ở Nhà hát thành phố, phân bổ đều bảy ngày cười, ba ngày khóc trên sàn diễn. Nhưng hình như có cái gì đó ưu tư hơn, bứt rứt hơn trong nụ cười thường trực của “đệ nhất danh hài xứ Bắc” này.

* Làng sân khấu phía Bắc ai cũng khen Chí Trung năng động, đoàn diễn của anh hầu như đêm nào cũng có suất diễn, và lúc nào cũng kín rạp. Có phải vì thế mà anh ngại đi xa?

Chuyến lưu diễn miền Nam lần này của Nhà hát Tuổi Trẻ bắt đầu từ ngày 7-6 với suất diễn đầu tiên tại Quảng Bình, sau đó đoàn sẽ tiếp tục đi qua khoảng 15 tỉnh miền Trung, Tây nguyên và các tỉnh phía Nam.

Ngày 16-6, đoàn sẽ ra mắt khán giả TP.HCM tại Nhà hát TP ba chùm hài kịch trong chương trình Đời cười 6 với chủ đề Cờ bạc lô đề từng gây sốt vé ở Hà Nội.

Đặc biệt, trong chuyến lưu diễn này, vở Nhà búp bê của nhà soạn kịch vĩ đại người Na Uy Henrik Ibsen sẽ được trình diễn bốn suất từ 28-6 đến 1-7-2007 tại Nhà hát TP. Vở diễn được đánh giá là một bản dựng đầy cảm xúc qua bàn tay của đạo diễn Lê Hùng.

- Thì tính tôi trời sinh nó thế mất rồi. Lẽ ra cũng có thể lĩnh lương trưởng đoàn rồi ngồi học kịch bản và tối tối phóng xe đến nhà hát diễn, lĩnh bồi dưỡng 100.000đ/đêm như tất cả mọi người.

Nhưng tôi không thể chịu được khi mình cứ phải phơi mặt ra quán karaoke gia đình để cho anh công an phường cứ đúng 12 giờ đêm đập cửa gọi Chí Trung ra nói chuyện, cũng không thể để ngôi sao X “của mình” mở cửa hàng cho thuê áo cưới hay nghệ sĩ Y mở quán cà phê kiếm thêm bù vào chỗ thù lao khiêm tốn. Vậy thì phải xông vào mà “tiếp thị” từng vở diễn thôi. Đằng nào cũng phải “giơ cái mặt” ra kiếm tiền thì kiếm bằng chính cái nghề của mình vẫn hơn chứ.

Nhưng hãy xem chúng tôi năng động như thế nào? Rải tờ rơi, xe dán băng cờ biểu ngữ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đánh trống thổi kèn... Bằng mọi giá “bắt” người xem phải biết là tối nay chúng tôi sẽ diễn vở này ở chỗ này. Xem đi, xem đi! Vui lắm, buồn cười lắm, rẻ lắm! Cứ như một phường hát dạo vậy!

Tôi vẫn hay tự đùa với anh em: lịch sử sân khấu tiến từ cổ đại sang Trung cổ, lên Phục hưng, đến thời hiện đại hoàng kim, chuyển sang hậu hiện đại hoang mang và giờ đây trở về... Trung cổ - như chúng ta đang làm đây. Tính tôi thì hơi ngoa nhưng quả thật tôi rất đau, vì biết mình đang quảng bá cho văn hóa bằng những hình thức vô văn hóa nhất.

* Lần Nam tiến nào cũng vậy, kịch mục phải có đủ bộ vừa bi vừa hài, hay là Nhà hát Tuổi Trẻ không còn tự tin với những độc chiêu của mình nữa?

- Phải biết nhu cầu khán giả chứ. Sẽ là bốn đêm Đời cười 6 với chùm tiểu phẩm hài đã diễn hơn 300 suất tại Hà Nội. Nói thật là tôi bán gần hết vé rồi dù đoàn chưa vào đến nơi. Tôi biết là có những khán giả cứ thấy Đời cười là đi xem, chưa biết hay dở thế nào. Sau đó sẽ là ba đêm Ai sợ ai - một vở hài kịch tâm lý nhẹ nhàng, và “đô” sẽ tăng dần, ba đêm tiếp theo mới là Ngôi nhà búp bê. Trân trọng lắm nhưng cũng lo lắm, vì biết rõ là cái ông Ibsen này hơi nặng nề với “gu” của khán giả VN hôm nay.

* Dù được cả nhà hát kỳ vọng và báo chí rất ưu ái, nhưng anh cũng phải công nhận là Ngôi nhà búp bê đã không thành công như mong đợi?

- Chúng tôi biết chứ. Chúng tôi biết là mình đã làm được những vở cổ điển rất hay như Vũ Như Tô, Êdôp, Rừng trúc... Và chúng tôi cũng biết mình đã hết sức cố gắng để dựng được những vở cổ điển như Lôi Vũ, Nhà búp bê nhưng... không được hay bằng. Chẳng thể đổ lỗi cho ai được cả. Sức mình đến đâu mình biết.

Và quan trọng hơn là khán giả đã không còn thích xem những vở kịch mà mình hết sức tâm huyết đổ mồ hôi nước mắt để dàn dựng nữa. Diễn mà không thấy sự giao cảm trực tiếp của khán giả từ những hàng ghế gần nhất trong khán phòng, chỉ thấy lời thoại trôi đi như trên một đường ray đặt sẵn thì không thể hay lên sau mỗi đêm diễn được.

Lỗi cũng tại chúng tôi nữa. Cho khán giả ăn món hài nhiều quá, bây giờ họ vào rạp cứ thấy 10 phút chưa có pha hài hước nào là nhấp nhổm, 20 phút chưa được trận cười nào là có người bỏ về. Mà cái trò đời trong nhà hát này nó lạ lắm, chỉ cần một người bỏ về là cả hàng ghế đi theo rần rần - hiệu ứng đám đông mà. Lúc ấy thì Charlie Chaplin có sống lại cũng chịu, không còn tâm trạng nào mà diễn hay được nữa.

* Bi quan thế, nhưng anh vẫn quyết tâm mang Ngôi nhà búp bê vào Nam?

- Tôi chẳng bi quan gì cả, tôi gọi đúng tên sự vật thôi. Dù thế nào thì tôi cũng vẫn sẽ diễn mà. Ngôi nhà búp bê không chỉ là một vở kịch cổ điển để cân đối chương trình, nó là thương hiệu, là đẳng cấp của chúng tôi: Nhà hát Tuổi Trẻ, Lê Hùng, Lê Khanh, Chí Trung... Mỗi năm ít nhất cũng phải có một vở cổ điển được dựng, và dựng không phải chỉ để “luyện quân” hay “tự sướng” với mình, mà phải đi tìm khán giả.

Tôi biết chắc Ngôi nhà búp bê vào Sài Gòn sẽ không ăn khách như Đời cười, nhưng sẽ vẫn có những khán giả trung thành, dù thuộc lòng kịch bản Ibsen rồi, vẫn mua vé đến để nghe Lê Khanh nói lời của nàng Nora bằng giọng Hà Nội gốc. Làm sao có thể không diễn khi có những khán giả như thế. Thời hoàng kim của Kịch Hà Nội, chúng tôi từng diễn một vở rất hay, rất lãng mạn của tác giả Tất Đạt: Nếu anh không đốt lửa. Và chúng tôi vẫn luôn hiểu dù cuộc sống có bắt chúng tôi phải gõ phèng la ống bơ để quảng cáo kịch của mình - “nếu mình không đốt lửa - đứng chờ ai đem ánh sáng đến...?”.

* Cảm ơn anh và chúc chuyến “hành phương Nam” của Nhà hát Tuổi Trẻ thành công

Chúng tôi đã mất khán giả của mình

g17ux0Zz.jpgPhóng to
NSƯT Chí Trung - Ảnh: Việt Dũng

Nghe chuyện Bí mật vườn Lệ Chi, tôi rất mừng cho Thành Lộc. Sáu năm trước tôi đã xem Bí mật vườn Lệ Chi trước khi bị ngừng diễn. Tôi đã bị hút hồn bởi một sân khấu nhỏ với khán phòng chỉ có 420 chỗ ngồi lại chứa được một bi kịch lịch sử lớn như vậy. Quan trọng hơn là có 420 cặp mắt chăm chú theo dõi và 420 đôi tai lắng nghe từng lời thoại. Điều đó có ý nghĩa hơn nhiều so với 4.200 người ngồi xem một cách thờ ơ.

Những năm 1980 ở Hà Nội, chúng tôi đã làm được điều đó. Những năm 1990 chúng tôi vẫn còn sức hút đó, nhưng bây giờ thì không. Còn nhớ hồi chúng tôi vào Sài Gòn với những Romeo - Juliet, Đỉnh cao mơ ước... Thành Lộc, Hồng Vân, Việt Anh... còn đứng sau cánh gà xem chúng tôi diễn, mắt nhòe nước. Nhưng tôi không cảm được điều đó. Chúng tôi lúc đó là những kẻ mạnh. Chúng tôi vừa có sân khấu, vừa có khán giả, vừa có tiền. Họ, những Thành Lộc, Hồng Vân ngày ấy, chỉ có một nhiệt tình và một ước mơ.

Những năm 1990, sân khấu ở hai đầu đất nước đã ngang ngửa. Ngày mà Trần Ngọc Giàu và Công Ninh mang Dạ cổ hoài lang ra diễn ngay trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, chúng tôi biết là các bạn đã đi rất xa. Và bây giờ, mỗi lần IDECAF hay sân khấu Phú Nhuận có vở mới, tôi vẫn bay vào xem, và lúc này kẻ lấp ló sau cánh gà phát khóc vì thấy người thua kém lại là tôi. Tôi nói với Thành Lộc điều đó, Lộc bảo: “Vậy ông mới thấy thương tôi ngày xưa”.

Điều làm tôi buồn không phải vì tôi không thể làm được những vở như thế. Chúng tôi làm được, không thua kém. Nhưng chúng tôi đã mất khán giả của mình. Họ đã quen đi xem hài. Trong khi sân khấu TP.HCM đa dạng hơn, họ nuôi dưỡng thói quen đi xem kịch của khán giả giữa hàng chục sân khấu đỏ đèn hằng đêm, khán giả nào sẽ vào rạp đó. Bí mật vườn Lệ Chi đông khách cũng là chuyện đương nhiên thôi.

H.OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên