Hỏi trách nhiệm, trả lời thành tích
Trả lời chất vấn trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên được Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng “nắm rất vững các vấn đề và chuẩn bị khá kỹ”. Dù vậy, nhiều đại biểu nghe bộ trưởng trả lời xong lại thấy “chưa rõ về trách nhiệm”.
Phóng to |
Đại biểu Danh Út chất vấn về vụ đầu độc sông Thị Vải - Ảnh: V.Dũng |
“Ô nhiễm nghiêm trọng do lịch sử để lại”
Trả lời đại biểu Danh Út (Kiên Giang) và nhiều đại biểu khác đặt câu hỏi về vụ đầu độc sông Thị Vải của Công ty Vedan, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết Vedan có năm cửa xả thải ngầm luồn dưới đất và cắm sâu dưới lòng sông Thị Vải, hệ thống ngầm này do hai công nhân của Đài Loan vận hành suốt 15 năm qua, không một công nhân nào trong 2.600 công nhân VN biết được điều đó. Ông Nguyên nói: “Dự kiến hôm nay (11-11) lực lượng chức năng sẽ vào cưỡng chế Vedan nhưng báo cáo QH là Vedan thực hiện các quyết định xử lý của cơ quan chức năng tương đối nghiêm túc, năm đường cống thì phá ba đường rồi, còn hai đường hiện nay đang hàn lại, bể xử lý nước thải cũng bắt đầu lắp đặt thiết bị... Vedan đã nộp đủ 257 triệu đồng tiền phạt, trong 127 tỉ đồng buộc hoàn trả tiền xử lý nước thì Vedan đã nộp 15 tỉ và cam kết từ nay đến cuối năm sẽ nộp 50% số đó, đến cuối năm 2009 nộp hết toàn bộ số tiền này. Đến nay Vedan đã đóng cửa ba nhà máy trong số bảy nhà máy ở VN”.
“Vedan bị phạt thì đã rõ, nhưng đến nay có cán bộ, công chức nào của bộ, của chính quyền địa phương bị kiểm điểm và từ chức chưa?” - ông Danh Út chất vấn. Ông Phạm Khôi Nguyên trả lời: “Báo cáo với QH, chúng tôi đã cố gắng tối đa trong việc theo dõi, kiểm tra và xử lý những vi phạm của Vedan... ”.
Theo ông Nguyên, hiện nay tình trạng môi trường của VN ô nhiễm nghiêm trọng do lịch sử để lại, trước khi tiến hành công nghiệp hóa thì 80% các cơ sở và nhà máy đều có công nghệ từ những năm 1980, 1970 và 1960; xấp xỉ 4.000 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; trong 2.100 làng nghề có khoảng 1.450 làng nghề nằm trong tình trạng ô nhiễm môi trường; chiến tranh để lại có ba cơ sở về chất độc hóa học dioxin...
“Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế khác dự báo cứ 1% tăng trưởng mà không có giải pháp bảo vệ môi trường thì môi trường sẽ kém đi ba lần, tức là sẽ mất đi 3%... Trước mắt chúng tôi xác định phải xử lý ngay 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong năm 2009 có 65% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được giải quyết dứt điểm” - Bộ trưởng Nguyên nói.
Ngành môi trường vẫn bình an vô sự?
Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) nói: “Tôi là người có văn bản chất vấn và được bộ trưởng trả lời bằng văn bản. Qua trả lời đó tôi vẫn thấy chưa rõ về trách nhiệm. Để tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra hiện nay ở mức nghiêm trọng đúng là có trách nhiệm của ngành môi trường từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, khi nhiều đại biểu khác cũng chất vấn về vấn đề này, theo như bộ trưởng trả lời thì không ai bị sao cả, vẫn bình an vô sự...”.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng cho rằng trong khi đại biểu QH hỏi có người nào, có cá nhân nào trong hệ thống của cơ quan quản lý môi trường bị xử lý kỷ luật không thì bộ trưởng lại trả lời theo hướng báo cáo thành tích rằng trong thời gian qua các cán bộ, công chức có nhiều cố gắng trong việc thực hiện cấp phép... Bà Nga nói: “Chúng tôi cho rằng trả lời như vậy vẫn chưa đủ và chưa đúng với câu hỏi”.
Trả lời đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) về việc khai thác khoáng sản, liệu có giữ lại tài nguyên dự trữ cho quốc gia hay không? Ông Phạm Khôi Nguyên nói rằng đã có quy định về khai thác theo lộ trình, một mặt theo nhu cầu của thị trường nhưng mặt khác cũng phải giữ lại cho con cháu sau này. Về dự án khai thác quặng bôxit Tây nguyên, theo ông Phạm Khôi Nguyên, trong quy hoạch Chính phủ đã chia ra từng giai đoạn và từng công đoạn, chứ không phải khai thác ồ ạt. “Riêng bôxit có một hướng dẫn đặc biệt riêng về công tác đánh giá tác động môi trường với yêu cầu phải bảo đảm khai thác bôxit có hiệu quả nhưng vẫn bảo vệ được môi trường” - ông Nguyên nói.
* Ông Nguyễn Văn Nhượng (đại biểu QH tỉnh Quảng Bình): Bộ trưởng chưa trả lời rõ ràng, minh bạch
Tôi tin thông tin của báo chí về vụ việc Vedan là sát thực, bộ trưởng lại nói chưa chuẩn xác, tôi rất băn khoăn. Tôi chưa có điều kiện kiểm chứng lại nhưng tôi tin báo chí nêu đúng. C.V.Kình ghi * Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên:
Về xử lý Vedan, giữa bộ và địa phương không có đùn đẩy cái gì cả, Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ có quyền xử phạt về vi phạm hành chính, còn việc dừng các khâu sản xuất của nhà máy là trách nhiệm của chính quyền địa phương... Trong Luật bảo vệ môi trường, tại điều 49, khoản 3 có quy định trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của mình. * Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Oan cho điều 49!
Nếu bộ trưởng trích dẫn điều 49 của Luật bảo vệ môi trường để cho rằng bộ trưởng không có thẩm quyền trong việc tạm thời đình chỉ hoạt động của Vedan, tôi cho rằng rất oan cho điều 49 này. Chúng tôi thấy trong điều 49 của Luật bảo vệ môi trường tại khoản 3 quy định về thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, thẩm quyền của Thủ tướng; tại khoản 4 quy định thẩm quyền của bộ trưởng và ba chủ thể này đều có thẩm quyền tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo quy định, khi tranh chấp về thẩm quyền trong trường hợp nhiều người có thẩm quyền xử lý thì người nào thụ lý đầu tiên người đó ra quyết định. Như vậy trong vụ Vedan, Bộ Tài nguyên - môi trường đã lập đoàn kiểm tra và có quyết định xử lý hành chính, tôi không hiểu lý do vì sao bộ chỉ xử phạt một phần, phần còn lại yêu cầu đình chỉ thì để lại cho UBND tỉnh Đồng Nai. V.V.T. ghi |
___________________
Các bộ, ngành trả lời cử tri
Hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản
Trả lời cử tri tỉnh Bình Thuận về việc nhiều tàu thuyền phải đậu bờ do giá xăng dầu tăng cao, Bộ NN&PTNT cho biết Chính phủ đã giao bộ này chủ trì soạn thảo đề án một số chính sách hỗ trợ cho tàu tham gia khai thác hải sản, tàu làm dịch vụ hậu cần cho việc khai thác hải sản tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và DK1. Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp để thực hiện chương trình khảo sát về chi phí, giá thành và giá bán sản phẩm của các đội tàu xa bờ (trên 90CV) tại 15/28 tỉnh, thành phố ven biển để có chính sách hỗ trợ đối với đội tàu này trong giai đoạn giá dầu tăng cao.
Sẽ không cho lấy đất trồng lúa làm sân golf
Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị xem xét lại việc quy hoạch kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, sân golf... Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết trên cả nước có tổng số 144 dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf đã được cấp phép hoặc có chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện dự án; trong đó có 21 dự án chỉ kinh doanh sân golf, còn lại 123 dự án khác kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh bất động sản, khu du lịch. Tổng vốn đầu tư của các dự án này hơn 18 tỉ USD; tổng diện tích đất sử dụng khoảng 49.000ha. Diện tích đất nông nghiệp đã được các địa phương quy hoạch để chuyển đổi cho các dự án khu du lịch, khu đô thị... có mục tiêu kinh doanh sân golf khoảng 12.000ha, chiếm 23,4% diện tích đất của dự án. Trong số 144 dự án này có 34 dự án do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn, 27 dự án liên doanh, còn lại 83 dự án của các nhà đầu tư 100% vốn trong nước. Bộ Kế hoạch - đầu tư đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ không xem xét cấp thêm chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng đất trồng lúa hai vụ, gồm cả các dự án sân golf, dự án khu du lịch, khu đô thị, khu hoặc cụm công nghiệp,...
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho tới nay trên phạm vi cả nước cũng như trên từng địa phương đều chưa có bất kỳ quy định nào về quy hoạch phát triển sân golf.
Sáng nay, 4 bộ trưởng trả lời chất vấn Theo chương trình làm việc của QH, sáng nay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời chất vấn. Dự kiến bộ trưởng Bộ Công thương sẽ được hỏi chủ yếu về vấn đề cung cầu và quản lý chất lượng các loại hàng hóa thiết yếu, trách nhiệm liên quan trong quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo, tình trạng thiếu điện... Bộ Giáo dục - đào tạo sẽ được hỏi về những hạn chế của nền giáo dục và phương hướng khắc phục, vấn đề nhiều trường đại học, cao đẳng được thành lập trong thời gian vừa qua... Bộ Y tế sẽ được hỏi về vấn đề xử lý rác thải y tế, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm... C.V.Kình |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận