Theo các cơ quan chức năng, hiện đã có khoảng 30ha lúa bị chết do nhiễm mặn. Diện tích lúa bị thiệt hại tại tỉnh Bến Tre chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Giồng Trôm.
Ngày 23-4, đi dọc theo các tuyến đường tại xã Phong Nẫm, chúng tôi ghi nhận nhiều đám lúa đã cháy khô, một vài đám lúa hiện nông dân đang cắt bỏ để chuẩn bị gieo sạ lại khi có mưa.
Ông Nguyễn Văn Chí - một nông dân tại xã Phong Nẫm - cho biết cách đây khoảng 2 tháng, thấy giá lúa cao nên đành làm liều xuống giống vụ 3 đầy may rủi.
"Thời điểm đó giá lúa 9.000 - 10.000 đồng/kg nên tui cũng thấy ham. Hơn nữa khu vực này những năm trước làm lúa vụ 3 nhưng không bị mặn nên cũng làm liều xuống giống và đầu tư khoảng 10 triệu đồng cho đám ruộng này", ông Chí nói.
Hiện đám ruộng hơn 8 công của gia đình ông Chí đã bị khô héo, không trổ bông và thiệt hại hoàn toàn. Ông Chí cho biết hiện độ mặn nguồn nước ngoài kênh khoảng 3 phần ngàn nên không thể bơm vào ruộng cứu lúa. Không còn cách nào khác, ông đành thuê máy cắt, cắt bỏ toàn bộ đám lúa để chờ sạ giống vụ sau.
Ông Võ Văn Nam - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre - cho biết trước đó các ngành chức năng tỉnh đã nhiều lần khuyến cáo người dân không xuống giống vụ 3.
Tuy nhiên, một số người dân vì thấy giá lúa cao nên bất chấp khuyến cáo, xuống giống vụ 3 từ cách nay khoảng 2 tháng.
"Tuy chưa có báo cáo chính thức từ huyện nhưng qua nắm bắt sơ bộ, có khoảng 30ha lúa vụ 3 bị thiệt hại do xâm nhập mặn và chủ yếu tập trung tại huyện Giồng Trôm", ông Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận