TT - Diễn ra từ ngày 22-4 đến 2-5 tại TP.HCM, cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 khép lại với những tranh cãi "nóng" bên lề cuộc thi hơn là những sáng tạo, tìm tòi đột phá trên sàn diễn.
Đãi cát tìm đạo diễn tài năngCuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013
Phóng to |
Vở chèo Tấm áo bào hoàng đế - điểm sáng trong cuộc thi năm nay - Ảnh: Ngân Anh |
<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Tại buổi tọa đàm sáng 2-5 ở Trường đại học Sân khấu và điện ảnh TP.HCM, mặc dù nội dung được hướng vào những vấn đề học thuật, nhưng những ý kiến "nóng" nhất vẫn xoay quanh chuyện "thầy chuốt trò đi thi". Còn nhớ tại cuộc thi đạo diễn sân khấu trẻ năm 2007, đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Các đạo diễn trẻ nay lại đặt vấn đề: họ bỏ công sức, tiền của đi thi, nhưng nếu có sự can thiệp của các thầy cô vào vở diễn thì điều đó không công bằng!
Ăn tằm phải nhả ra tơ...!
“Quên yếu tố khán giả” Đạo diễn trẻ Trần Thị Nhàn của Nhà hát kịch nói Quân Đội tâm sự: “Chúng tôi vượt hơn 2.000 cây số vào Nam là học về khán giả. Có lẽ do chúng tôi được đào tạo bài bản quá mà quên yếu tố khán giả. Vở diễn chúng tôi về đề tài người lính thì hi vọng sau hội diễn cũng sẽ được đến với những người lính, chứ không phải đóng gói để đó”. |
Tại buổi họp báo trước khi diễn ra cuộc thi, ông Nguyễn Ðăng Chương - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết sở dĩ ban tổ chức không mời NSND Trần Ngọc Giàu tham gia ban giám khảo là do đạo diễn Trần Ngọc Giàu làm cố vấn nghệ thuật cho nhiều vở dự thi (gồm Duyên lạ hồn hoang, Othello, Sắc màu tình yêu, Ðỏ cam vàng, lục lam tím).
Quyết định này nhằm giữ sự trong sáng, công bằng cho công tác chấm giải. Dù vậy, khi cuộc thi diễn ra vẫn có nhiều điều tiếng xung quanh những vở đạo diễn Trần Ngọc Giàu đứng tên cố vấn nghệ thuật. Một trong những vở được nhắc tên là Duyên lạ hồn hoang, khiến nữ đạo diễn trẻ Ðặng Thanh Nga bức xúc và xem đó là sự "xúc phạm".
Ðặng Thanh Nga cho rằng những vở diễn vẫn là sáng tạo của những đạo diễn trẻ, là công sức, tâm huyết của họ.
Tuy nhiên, Phạm Tân - đồng tác giả vở Gió hoàng cung - dẫn ra một ví dụ: năm 2012, đạo diễn Trần Ngọc Giàu dựng vở Ðỏ cam vàng, lục lam tím về đề tài đồng tính, khi đó nữ đạo diễn Nguyễn Thị Thanh Thủy đứng tên tác giả.
Tại cuộc thi lần này, đạo diễn Nguyễn Thị Thanh Thủy dự thi cũng chính bằng vở đó, còn đạo diễn Trần Ngọc Giàu đứng tên cố vấn nghệ thuật, nhưng bản dựng có những chi tiết "na ná" nhau. Từ đây, Phạm Tân và Huỳnh Anh Tuấn của Công ty Dương Bản (dự thi vở Gió hoàng cung) đặt vấn đề về tính công bằng của cuộc thi.
Thật ra, dư luận "thầy chuốt trò đi thi" không phải là không có cơ sở. Nhiều vở diễn có cách xử lý giống nhau mà người trong nghề có thể nhận ra đó là phong cách, xử lý của đạo diễn nào. Buổi tọa đàm đặt ra đâu là sự ảnh hưởng của người thầy với người trò, đâu là tiêu chí một tác phẩm dự thi mà trọn vẹn là công sức, sự sáng tạo của thí sinh?
Sự bức xúc này khiến NSND Giang Mạnh Hà - thành viên ban giám khảo - "trấn an" các đạo diễn trẻ rằng ban giám khảo có thể nhận ra đâu là sáng tạo của người trẻ, đâu là sự can thiệp của người thầy. Ông thừa nhận người trẻ chịu sự ảnh hưởng của thầy, nhưng ví von rằng con tằm ăn dâu phải nhả ra tơ.
Thiếu đột phá
Theo dõi cuộc thi, có thể thấy mỗi vở diễn của đạo diễn trẻ đều sôi nổi nhiệt huyết, niềm đam mê nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu xét chất trẻ ở tính sáng tạo, sự đột phá từ nội dung đến hình thức vở diễn thì cuộc thi vẫn chưa tìm thấy. Có thể có những vở diễn gây ấn tượng tốt, chỉn chu, nhưng để tạo ra một sự đột phá gây dấu ấn thì chưa. Vẫn có nhiều cách xử lý hơi cũ, từ những năm 1980-1990 mà khán giả đã quen thuộc.
Trong đó, vở chèo Tấm áo bào hoàng đế của NSƯT Quang Thập (Ðoàn chèo Ninh Bình) nổi lên như một điểm sáng của cuộc thi. Có nhiều lời khen về sự chuyên nghiệp, lớp lang, đài từ, vũ đạo... của vở diễn. Trong đó sự hài hòa giữa ca và diễn của vở nay không dễ tìm thấy trong những vở diễn dự thi thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống khác.
Vở Yêu không dễ dàng của đạo diễn - NSƯT Lê Thúy Nga (Ðoàn kịch nói CAND) cũng tạo được ấn tượng tốt cho người xem. Vở Chicago của Khắc Duy gây ấn tượng trẻ trung và sôi nổi với loại hình nhạc kịch Broadway. Ðạo diễn Bùi Như Lai muốn định nghĩa rõ hơn về vở "kịch hình thể" Stereowomen - được là chính mình của anh chính xác hơn là kịch đương đại kết hợp kịch đọc. Vở diễn cũng đã góp phần làm nên sự đa dạng thể loại cho cuộc thi năm nay.
Ban giám khảo cũng cần... trẻ
Ðiều sau cùng, câu hỏi lớn nhất là: các đạo diễn trẻ được gì sau những cuộc thi? Ban tổ chức nêu lên cái được lớn nhất là sự tôn vinh nghề nghiệp. Nhưng có một thực tế có thể thấy rõ là để đi tiếp con đường, các đạo diễn trẻ muốn đứng chân trên sân khấu chuyên nghiệp phải thích ứng với những tiêu chí nghệ thuật của sân khấu xã hội hóa, hoàn toàn khác tiêu chí của ban giám khảo.
Cục trưởng Nguyễn Ðăng Chương khẳng định xã hội hóa vẫn là một xu thế tất yếu. Như vậy, tại sao ghế ban giám khảo vẫn còn thiếu chỗ cho những người làm sân khấu xã hội hóa?
Và nếu là những cuộc thi cho người trẻ, tại sao vẫn chưa thấy những tên tuổi như Thành Lộc, Lê Khanh, Chí Trung, Hồng Vân... là những người mà bề dày nghề nghiệp, thành tích của họ đủ sức để "cầm cân nảy mực"? Trong tương lai, nếu có những sự thay đổi như vậy, có lẽ tiêu chí nghệ thuật giữa ban giám khảo và sân khấu xã hội hóa sẽ không còn cách xa như hiện nay.
Tối nay trao giải cho 7 đạo diễn Có 20 vở diễn dự thi cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 vì hai vở Thu khùng của đạo diễn Hạnh Thúy và Điều thiêng liêng nhất của đạo diễn Chánh Trực rút lui vào giờ chót. Đêm trao giải sẽ diễn ra tối 3-5 tại nhà hát Thế Giới Trẻ, TP.HCM. Theo quy chế mới, ban giám khảo sẽ chọn ra bảy đạo diễn trẻ để trao các giải. Quy định này nhằm khống chế số lượng giải thưởng không vượt quá 1/3 tổng số thí sinh ở các kỳ thi, tránh sa vào tiêu cực “cơn bão” huy chương như ở các kỳ liên hoan, hội diễn trước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận