02/07/2016 14:15 GMT+7

Nơm nớp lo sợ cây xanh gãy đổ

TH.HOÀNG - L.PHAN - Q.KHẢI
TH.HOÀNG - L.PHAN - Q.KHẢI

TTO - Mùa mưa chỉ mới bắt 
đầu, nhưng tình trạng cây xanh ngã đổ liên tục đã làm nhiều người đi đường lo sợ...

Khoảng 2g chiều 27-6, tại khu vực trước bến xe Tân Phú, mưa gió làm cây ngã đổ khiến người chạy xe ba gác bị thương - Ảnh: Uyên Trinh
Khoảng 2g chiều 27-6, tại khu vực trước bến xe Tân Phú, mưa gió làm cây ngã đổ khiến người chạy xe ba gác bị thương - Ảnh: Uyên Trinh

Trong một trận mưa dông cuối tháng 6, TP.HCM có tới 35 cây xanh đổ hoặc tét nhánh làm nhiều người đi đường bị thương, xe cộ hư hỏng.

Thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 27-6) có 66 cây ngã, đổ (259 cây tét nhánh) làm hư hỏng 10 ôtô, môtô và bị thương 6 người...

Cây nghiêng, rễ lồi trên mặt đường

Ghi nhận tại các tuyến đường Bàu Cát, Trương Công Định, Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình), Nguyễn Văn Hưởng (Q.2), các tuyến đường số tại P.Tân Kiểng (Q.7) và một số đường tại Q.3 chủ yếu trồng ba loại cây chính là phượng, xà cừ và me tây. Đây cũng là các loại cây dễ bị gãy đổ khi mưa gió thời gian qua.

Tại đường Bàu Cát, một số cây phượng có cành vươn cao, khẳng khiu có nguy cơ gãy khi mưa dông, có cây còn bị nghiêng dựa hẳn vào bó dây cáp viễn thông. Còn tại đường Nguyễn Văn Hưởng, hàng loạt cây xà cừ bị gió thổi nghiêng, rễ cây lòi lên khỏi mặt đất khiến gạch lót vỉa hè bong ra.

Bà Kiều Thị Hận (50 tuổi, ngụ P.Thảo Điền, Q.2) cho biết thời gian gần đây nhiều cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng đều bị bật rễ lên khỏi mặt đất. Người dân lo sợ vì cây xanh có thể ngã bất cứ lúc nào khi mùa mưa đang tới.

Ngay trước nhà bà Hận, một cây xà cừ to có đường kính gần 1m bị nghiêng hẳn về phía ngôi nhà, bộ rễ nổi làm nứt nguyên phần vỉa hè xung quanh, các viên gạch lót bị rễ cây đội lên.

“Gần như năm nào trên đường này cũng xảy ra tình trạng cây ngã đổ, may mà chưa trúng ai, giờ thấy cây nghiêng vào nhà mà sợ quá” - bà Hận nói.

Trong những cây xanh bị ngã, đổ thời gian qua có những cây đã bị mục gốc, rễ như trường hợp cây xà cừ trên đường Trường Chinh ngã đè anh Nguyễn Ngọc Triều ngày 27-6. Nhìn bề ngoài lá còn sum sê nhưng gốc cây bị ngã trụi lủi, không còn một “cọng” rễ nào bám theo, quan sát phần đất gốc cây thấy nhiều rễ cây bị úng.

Khó kiểm soát rễ cây dưới đất

Theo Sở Giao thông vận tải TP, hiện có khoảng 130.000 cây xanh đường phố các loại. Việc đốn hạ cây già cỗi, mục cũng như chống sửa cây nghiêng, cắt tỉa cành, kiểm tra cây có dấu hiệu bất thường được làm thường xuyên trong mùa mưa bão.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị quản lý cây xanh đốn hạ, trồng thay thế trên 200 cây chết, thay thế trên 117 cây già cỗi, bị bọng, sâu bệnh trên một số tuyến đường trung tâm TP.

Sở Giao thông vận tải TP cho rằng thời tiết diễn biến bất thường: nắng kéo dài, mực nước ngầm sụt giảm làm cây bị chết khô, suy yếu, mưa lớn kèm lốc xoáy cục bộ... là những nguyên nhân chính làm cây xanh ngã đổ.

Bên cạnh đó, các công trình như điện, chiếu sáng, hệ thống cấp, thoát nước, cáp viễn thông... làm không gian sống của hệ rễ cây xanh bị thu hẹp, rễ bị cắt xén làm cây xanh dễ ngã đổ hơn khi có mưa to gió lớn.

Sở Giao thông vận tải TP còn nhìn nhận rất khó đánh giá các trường hợp cây bị bọng, mục rễ bằng quan sát bên ngoài, hiện chưa có trang thiết bị đánh giá chuyên ngành nên một số trường hợp chưa được xử lý kịp thời.

Đặt vấn đề bồi thường hay hỗ trợ các trường hợp bị tai nạn do cây xanh gây ra, đại diện Sở Giao thông vận tải TP cho rằng đa số trường hợp cây xanh ngã đổ thời gian qua là sự cố bất khả kháng.

Tuy nhiên để chia sẻ rủi ro với người đi đường, UBND TP thống nhất chủ trương lập quỹ hỗ trợ với kinh phí 1 tỉ đồng, hiện các đơn vị đang xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí này.

Trước đó, các trường hợp bị tai nạn liên quan đến cây xanh đều được Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh thỏa thuận mức hỗ trợ bằng chi phí của đơn vị.

Còn trường hợp xác định nguyên nhân tai nạn cây xanh do trách nhiệm của đơn vị quản lý, trực tiếp chăm sóc thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.

Về ý kiến mua bảo hiểm cây xanh, Sở Giao thông vận tải TP cho biết đã giao đơn vị trực thuộc tiến hành làm việc với các đơn vị bảo hiểm. Nhưng phía bảo hiểm cho rằng trường hợp sự cố được xác định khách quan, bất khả kháng như mưa, bão, dông lốc thì đơn vị bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm đền bù nên việc mua bảo hiểm chưa xúc tiến được.

Sở Giao thông vận tải đang làm việc với các nhà bảo hiểm nước ngoài để tìm hiểu hình thức bảo hiểm này.

Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM):

Phải bồi thường khi bị tai nạn do cây ngã đổ

Trong trường hợp cây ngã đổ đè người đi đường, lỗi thuộc về đơn vị chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh. Vì trách nhiệm của công ty cây xanh là chăm sóc, cắt tỉa, biết tuổi thọ, quy luật sinh tồn của cây.

Xét về sự kiện bất khả kháng là chỉ khi nào xảy ra núi lửa, động đất, thiên tai, bão lũ, còn khí hậu ở Việt Nam, hiện tượng dông lốc thường xuyên xảy ra nên không thể xem là sự kiện bất khả kháng.

Về vấn đề nâng cấp đô thị ảnh hưởng tới gốc rễ cây, công ty chăm sóc cây xanh phải kiểm soát việc nâng cấp đó ảnh hưởng như thế nào, nên làm sao là hợp lý.

Nếu công ty cây xanh thấy gốc yếu nhưng chưa đủ thẩm quyền hạ đốn, có đề xuất lên cơ quan liên quan mà chưa được duyệt thì lúc này mới không có lỗi và không chịu trách nhiệm bồi thường.

Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu, cơ quan quản lý phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về người và tài sản cho bên thiệt hại, nhanh chóng và kịp thời.

UYÊN TRINH ghi

TH.HOÀNG - L.PHAN - Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên