12/07/2013 04:07 GMT+7

Nỗi sợ thành người lớn

TẠ DUY ANH
TẠ DUY ANH

TT - “Tôi thích cả những đứa trẻ chạy thật nhanh dưới trời mưa... Những ống quần xắn lên cao trên đầu gối bì bõm để về nhà. Hình như... khi bên ngoài cánh cửa kia là mưa gió thì cái ý nghĩa về nhà nó có vẻ gì đó ấm áp hơn, yên bình hơn và tuyệt vời hơn lúc thường!?” (Nàng tiên mưa).

QBBDn2DT.jpgPhóng to
Sách do NXB Hội Nhà Văn ấn hành

“Cuộc đời không như đôi giày, dễ dàng bỏ ra rồi đi lại” (Trở về tuổi thần tiên).

“Cháu xin ông hãy cho cháu một đặc quyền, đó là đừng để mọi người coi cháu là trẻ nít nữa” (Cổ tích không tên).

“Nỗi sợ lớn nhất của em là phải trưởng thành. Em sợ sau này lớn lên, em sẽ thờ ơ với vài thứ và sẽ phải lo nghĩ nhiều hơn bây giờ” (Sợ).

Đó là những suy nghĩ của một cô bé chưa đầy 14 tuổi, được diễn đạt bằng thứ văn phong khó mà giản dị, sáng sủa hơn. Từ lúc còn rất nhỏ Đan Thi đã bắt đầu viết văn và mau chóng có tác phẩm đăng báo, được giải thưởng. Năm 12 tuổi, với tập truyện ngắn Nụ cười của thiên thần (NXB Hội Nhà Văn 2011), Đan Thi trở thành một trong những tác giả trẻ nhất có sách và hơn thế, gây được sự chú ý của một bộ phận độc giả. Những “thành tựu” này, dù còn nhỏ, chưa hẳn là tín hiệu vui với một cây bút còn ở độ tuổi thiếu nhi. “Thành công” quá sớm thường đi kèm hậu họa là tạo ra cho người viết văn sự ngộ nhận về bản thân mình. Nhiều tấm gương tày liếp đủ là bằng chứng cho nhận định này.

Đan Thi không nằm ngoài nỗi lo ấy của những người yêu quý em.

Nhưng rất may cho đến giờ này thì điều đó chưa xảy ra với cô bé thích sự tĩnh lặng của suy tư hơn là tham gia những trò ồn ã. Đọc hơn 150 trang sách Nào hát lên giai điệu gió (NXB Hội Nhà Văn, 2013), quan tâm của tôi không phải là nó hay lên hay dở đi so với tập đầu tay, mà xem tác giả có thể trụ lại được sau “cú sốc” Nụ cười của thiên thần? Tôi đã có thể thở phào. Chỉ cần đọc ba truyện: Nào hát lên giai điệu gió, Chuyện lạ đêm giao thừa, Trở về tuổi thần tiên đã có thể yên tâm về một Đan Thi đang khao khát vượt lên bản thân mình bằng ý thức của một người từng trải. Không muốn cứ bị coi là trẻ nít, nhưng lại rất sợ phải trưởng thành.

Có lẽ chỉ ở một tâm hồn trong sáng cỡ nào đó mới có thể nói ra điều trái ngược ấy một cách hồn nhiên, thuận tai, khiến người khác phải suy nghĩ trước khi bật cười. Và sau khi cười rồi thì lại cứ vấn vương điều phải nghĩ. Văn học phải có năng lượng bên trong để tự sinh sôi. Đó cũng chính là những gì mà một cây bút nhí phải có làm vốn liếng để mong đi tiếp.

Ví dụ tiếp theo là truyện ngắn Trăng về trên làng Cát. Đọc qua thì thấy có gì đó không ổn về mặt ý tứ, nhưng khi ngẫm nghĩ mới thấy tính nhân bản hồn nhiên của nó. Chỉ tâm hồn trẻ con mới đủ đẹp đẽ để nói lên ước muốn trần trụi mà vẫn tràn ngập chất thơ gần với cổ tích như vậy. Trong thế giới của Đan Thi, không chỉ có trí tuệ và lòng dũng cảm - những phẩm chất được nồng nhiệt ca ngợi qua những trang viết hồn nhiên, lấp lánh những nụ cười thán phục - mà còn tràn ngập tình thương yêu, tinh thần vị tha...những thứ mà thế giới này rất cần để có thể hi vọng vào tương lai.

...Nhưng Đan Thi đã làm được nhiều hơn như thế. Kèm theo mỗi nụ cười là những chùm ánh sáng rực rỡ và thanh bình, màu của những giấc mơ. Đó cũng là những thứ khiến trái tim con người trở nên dịu dàng, rộng lớn...

TẠ DUY ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên