Nhà này có ba người, mỗi người một “vũ khí” riêng. Bửu quần xắn cao, nước mắt tầm tã, kêu trời than đất “Nhà tôi sống nhờ mấy con heo, chừ mấy ông tiêu hủy, lấy chi tụi tôi sống!”. Người chồng cầm con dao không biết làm gì cạnh chuồng heo, mặt lầm lì. Em trai của Bửu thì ngồi chắn ngay trên chuồng heo, có vẻ lăm lăm… tử thủ.
Tai họa “heo tai xanh”
Nhà Bửu có 16 con heo. Chi cục thú y tỉnh về lấy mẫu bệnh phẩm của một con gửi đi xét nghiệm. Trung tâm Thú y vùng III (Đà Nẵng) kết luận là dương tính với vi rút dịch tai xanh. Phó chủ tịch UBND xã Bình Đào – Võ Khắc Lâm nhẫn nại: Nhà em một con bị bệnh, theo quy định của Nhà nước, phải tiêu huỷ toàn bộ heo trong nhà. Để lại trước sau gì mấy con còn lại cũng dịch chết, lại còn làm lây lan mầm bệnh sang nhà khác.
Bửu sừng sộ: Mấy ông nói heo tôi bị dịch lấy chi làm bằng chứng? Xã nhìn huyện, huyện nhìn xã ngẩn ngơ. Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Ngữ cũng thừa nhận là chỉ mới nghe điện thoại thông báo, chứ văn bản ngắn dài ra sao chưa thấy. “Heo của tôi, các ông xét nghiệm kết quả ra sao phải cho tôi biết chớ. Tự dưng vu cho heo tôi bị dịch rồi ào vào giết là sao?” - Bửu bắt bẻ.
Thấy đoàn cán bộ có vẻ yếu lý, gia đình Bửu càng làm căng. Thú y thôn bị một người hăm: Đụng vô heo của tôi là ông… mất việc. Cả chục thanh niên được huy động đến để châm điện, đào hố…, chẳng biết sợ ai mà đồng loạt bỏ về. Tình hình có vẻ căng hung. May lúc đó, thêm chiếc ôtô con nữa đổ đến, một lãnh đạo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và một lãnh đạo chi cục Thú y tỉnh xuất hiện. Vừa bước vào nhà một người đã oang oang: heo dịch là tiêu hủy, quy định vậy rồi, không cãi chi nữa, các anh cứ thế mà làm thôi! Cán bộ kia bổ sung: Chấp nhận tiêu hủy thì được hỗ trợ, không thì cưỡng chế sẽ không được gì cả! Xem ra lời nói cũng như sự có mặt của hai cán bộ này đã không làm lay chuyển được tình thế tí nào, nếu như không nói là ngược lại.
Phóng to |
Hồ Thị Bửu chứa chan nước mắt sau khi vận động chồng ký vào biên bản tiêu hủy heo nhà mình |
Và vẫn giữ thái độ từ tốn như lúc ban đầu, ông Lâm cùng một hai cán bộ xã khác ngồi tỉ tê nói chuyện, phân tích lợi, hại đúng, sai và kêu gọi tinh thần vì cái chung cộng đồng của gia đình Bửu. Thì ra những cán bộ này nhà nào cũng có nuôi heo, cũng đều biết rằng, tiền hỗ trợ 25.000đ/kg chỉ bù đắp khoảng 75% thiệt hại khi tiêu hủy heo thịt hoặc heo con nhưng không đáng bao nhiêu đối với heo nái. Không phải bất cứ con cái trưởng thành nào cũng là heo nái, có con không đẻ, có con đẻ không sai, không đều. Để có được con nái vừa ý là rất khó và phải mất nhiều năm. Không thể đánh đồng con nái với con heo thịt…
Cán bộ xã càng nói, Bửu càng khóc mùi hơn. Nhưng sau đó có cảm giác như nguôi ngoai điều gì đó trong lòng mình. Và Bửu lặng lẽ đi thuyết phục chồng, em trai.
Đến 12h trưa, người chồng của Bửu mới đặt bút ký vào biên bản đồng ý tiêu hủy 15 con heo nhà mình, trong đó có mấy con nái đang chửa. Mặc dù giờ hành chính của một cán bộ nhà nước đã qua nhưng ông Lâm và các cán bộ xã khác vẫn chưa chịu về, họ cởi bỏ quần áo cán bộ, trở lại là một nông dân để đi tiêu hủy heo dịch cho bà con. Họ làm vơi được chút ít nỗi buồn cho nông dân mùa dịch.
Nếu không phải là cán bộ gần dân, hiểu dân thì sẽ không có cuộc dân vận toát mồ hôi kéo dài bốn giờ đồng hồ liên tục như vậy. Cán bộ xã Bình Đào đã tránh cho gia đình Bửu một cuộc cưỡng chế, tức là tránh làm đau lòng thêm cho họ một lần nữa sau nỗi đau mất đàn heo.
“Mất nồi cơm”
Phóng to |
Những con heo này là cuộc sống của những người dân quê |
Xui xẻo cho Quảng Nam, đợt dịch tai xanh lần này lại bùng phát ngay tại vùng đông này, bắt đầu từ xã “heo” Bình Đào. Ngay khi có kết quả xét nghiệm heo ở đây bị dịch tai xanh, xã liền tổ chức tiêu hủy.
Thú y xã Trần Công Dũng, thành viên đoàn tiêu hủy kể: Chúng tôi đi trong tiếng khóc. Có nhà, đoàn chưa đến mà đã khóc như đám ma rồi! Bà Đỡ, bà Mãi, bà Được (thôn Vân Tiên) lao vào chuồng ôm mấy con heo nái đỏ ửng vì bị sốt mà khóc. Người ta giằng các bà ra để tạt nước, châm điện heo, nhưng cứ đưa que điện vô chuồng là các bà nhào tới.
Ông Dũng nói: Họ từng là hộ thiếu đói nhờ nuôi heo mà lên hộ nghèo. Họ khóc vì tiếc của, và vì thấy mình phụ ơn con vật. Ở vùng này, tết đến nhà nhà cúng “ông chuồng” thì con heo không chỉ là cơm ăn, áo mặc, học hành… mà còn là một linh vật có ơn tình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận