Phóng to |
Tuy nhiên, chuyến đi lần này không chỉ đơn thuần là mở rộng đối tượng khán giả như hai chuyến đi trước mà còn vì một lý do khác: sân khấu cố định của Vầng trăng cổ nhạc tại Đầm Sen không còn vì khu vực này bị giải tỏa. Chưa tìm được địa điểm mới, Vầng trăng cổ nhạc hiện tại phải “lưu lạc” từ nơi này đến nơi kia...
Trong đêm diễn ở sân vận động Thành Long, Bình Chánh, TP.HCM vào tháng 4 vừa qua, mới chỉ 18g mà khán giả đã chờ sẵn ngoài cổng. 18g30 các chỗ ngồi của sân vận động đã đặc kín. Ước lượng có đến 8.000 người đến xem chương trình, trong đó có những người lặn lội từ các tỉnh xa. 20g15, ban tổ chức buộc phải đóng cửa sân vận động để 20g30 chương trình lên sóng an toàn.
Khi Vầng trăng cổ nhạc đến Q.2 trong tháng 5, khán giả ở Thủ Đức, Biên Hòa kéo đến xem nườm nượp, khán đài không còn một chỗ trống. Điều khiến ban tổ chức và nghệ sĩ cảm động là cả hai đêm diễn ấy trời đổ mưa tầm tã nhưng đông đảo khán giả vẫn ngồi lại đến phút cuối. Các nghệ sĩ trên sân khấu vẫn say sưa hát và diễn trong cơn mưa lạnh. “Qua những chuyến đi như vậy, chúng tôi mới thấy rằng khán giả thật sự không quay lưng với đờn ca tài tử, cải lương” - ông Kiều Tấn, trưởng ban sân khấu của HTV, cho biết.
Vầng trăng cổ nhạc là một trong những chương trình truyền hình hiếm hoi hiện nay kiên trì với đờn ca tài tử, cải lương. Không có nhà tài trợ, Vầng trăng cổ nhạc không ít lần lao đao vì thiếu kinh phí, từng ngưng sáu tháng để nhường sóng cho chương trình giải trí có tài trợ khác. Cứ âm thầm lặng lẽ diễn ra và lên sóng, ấy vậy mà tính từ lúc ra mắt tháng 1-2000 đến nay, Vầng trăng cổ nhạc đã tồn tại 12 năm, thực hiện được 139 chương trình.
Ông Kiều Tấn kể: “Cũng có nhiều ý kiến cho rằng cứ đem Vầng trăng cổ nhạc vào phim trường quay cho khỏe, lại đỡ tốn kém. Nhưng chúng tôi vẫn chưa nghĩ nhiều đến phương án này, dù vừa qua để tránh mưa gió cũng thực hiện thử nghiệm một chương trình tại nhà hát truyền hình TP.HCM. Loại hình đờn ca tài tử phù hợp nhất là không khí ngoài trời, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện vào nhau”.
Đêm diễn tại Bến Tre diễn ra lúc 20g30 ngày 26-7, được truyền hình trực tiếp trên HTV9. Chủ đề tập trung kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sĩ và nói về quê hương Đồng khởi Bến Tre. Chương trình có nhiều tiết mục ca cảnh và hai trích đoạn cải lương Dưới rặng dừa xanh và Bức ngôn đồ Đại Việt. Các nghệ sĩ tham gia gồm có Lệ Thủy, Trọng Hữu, Cao Thanh Tuấn, Kim Tử Long, Phượng Hằng, Quế Trân, Vũ Luân, Phượng Loan... và Đoàn cải lương Bến Tre. Ông Kiều Tấn chia sẻ: “Chúng tôi luôn khuyến khích các nghệ sĩ hát thật. Tuy nhiên, để chương trình thu hút khán giả, chúng tôi mời một số ngôi sao. Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi học tuồng hơi khó khăn nên trong chương trình cũng có vài tiết mục hát nhép. Chỉ vài tiết mục thôi chứ không nhiều”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận