![]() |
TTC - Bất kể ban ngày hay đêm hôm khuya khoắt, chỉ cần nghe một cú điện thoại hay máy bộ đàm réo, báo có thông tin cần phải đưa, đón bệnh nhân cần cấp cứu, là cánh bác tài tất bật lên đường.
Chạy xe ôtô trong thời buổi kẹt xe, ngập nước, đào đường… đang trở thành dàn “đồng ca” khắp nơi nơi này đã khổ, thì chạy xe cấp cứu lại càng khổ hơn.
Khi bước lên xe, nổ máy, hụ còi thì các bác tài luôn ám ảnh trong đầu về sinh mạng của bệnh nhân ở sau lưng và tai nạn giao thông có thể xảy ra ngay trước mắt. “Làm thế nào tìm được con đường ngắn nhất, ít kẹt xe và chạy phải có “đẳng cấp” - có nghĩa là phải có tay lái “lụa”, vừa có thể nhồi ga, lạng lách để có thể đến đón, hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời. Nhưng cũng tránh nhồi xốc, gây “vọng động” cho người bệnh, là bài toán nát óc của giới chúng tôi...” tài xế N. lái xe cấp cứu ở một bệnh viện lớn tại Quận 5 kể.
Áp lực chạy đua với thời gian trở thành nỗi ám ảnh… kinh hoàng của các bác tài. Làm thế nào để vượt qua dòng xe cộ dài dằng dặc trên các con đường mà không va quẹt? Trong khi đường phố hiện nay có không ít người vừa chạy xe trên đường vừa… làm thơ. Có nghĩa là cứ nhè giữa lòng đường mà đi nghênh ngang, thong dong… ngắm cảnh. Mặc kệ tiếng còi hụ inh ỏi phía sau lưng.
Theo qui định của Luật Giao thông đường bộ, khi có tiếng còi hụ của xe cấp cứu thì các xe khác đang lưu thông trên đường phải dạt ra, dành đường ưu tiên cho xe cứu thương. Nhưng không ít người đi đường hiện nay lại cứ “vô tư” mà ngáng đường. Hụ cứ hụ, mà đi cứ đi. Bác tài N.V.M., Phòng khám đa khoa Minh Đức (Quận Gò Vấp) kể rằng, nhiều lần, chạy xe cấp cứu mà trống ngực “giục giã liên hồi”, vì xe cứ phải “bò” từng chút một theo dòng người kẹt cứng. “Tiên sư bố mày, mày chạy xe cấp cứu cho người khác mà lại định đi hại đời ông à!” - có người đã chạy rà theo xe cấp cứu chửi đổng như vậy và nhất định không chịu tránh đường cho xe cấp cứu.
Cũng có không ít lần, người đi đường nhất định không chịu nhường đường ưu tiên cho xe cứu thương chạy chỉ vì cho rằng trong xe… không có bệnh nhân. Như vậy là xe cấp cứu… “dỏm”. Bác tài M. nhăn nhó, kể: “Lắm người cứ yêu cầu phải mở cửa xe cho họ nhìn thấy… bệnh nhân thì mới cho xe qua mặt. Khổ nỗi, mình đang trên đường đi đón bệnh nhân thì làm sao có bệnh nhân trong xe được? Giải thích cho họ “thông” thì lại trễ mất giờ!”.
Các bài tài thổ lộ rằng, áp lực chạy xe trở thành nỗi ám ảnh họ đến độ, cứ ngồi lên xe ôtô, dù không phải là ca cấp cứu nhưng vẫn có thói quen nhấn ga, phóng hết tốc lực.
Nửa đêm đang ngủ trên giường với vợ cũng… vặn mình, quơ tay theo thói quen bẻ… vô lăng và bấm bấm… còi trong… không khí. Chỉ cần nghe chuông điện thoại reo là bật ngay dậy trong trạng thái sẵn sàng… “chiến đấu”. Bác tài N. bảo rằng, dân chạy xe cấp cứu có phương châm sống thật… “cơ động”, đó là: Tóc hớt cao để khi cần không cần chải; quần, áo phải đơn giản để khi cần là lên đường, không cần ủi. Như vậy cũng chưa đủ, tài xế xe cứu thương còn phải có khả năng sẵn sàng nhịn ăn, nhịn ngủ và nhịn luôn… “đi ngoài” khi cần thiết.
Chỉ tại… “thằng tài xế”
Không chỉ đòi hỏi phải có “đẳng cấp” trong việc chạy xe, các bài tài xe cấp cứu lắm khi còn phải kiêm luôn vai trò “phụ tá” bất đắc dĩ cho các y, bác sĩ và người nhà bệnh nhân khi cùng tham gia xốc, đỡ đưa bệnh nhân lên băng ca, thậm chí… “cõng” bệnh nhân từ phòng ra xe.
Bác tài Lý Văn Hòa, chạy xe cấp cứu 5 năm nay ở Phòng khám đa khoa Nhân Ái (Quận Bình Thạnh) tâm sự khi mọi việc chuyên chở bệnh nhân êm xuôi thì chẳng nói gì, còn không ổn thì cánh tài xế xe cấp cứu còn phải chuẩn bị tinh thần “chịu đựng” nghe những lời xỉ vả, thậm chí là thóa mạ. “Người đi đường chửi mình vì hụ còi, giành đường đã đành, mà lắm khi các y, bác sĩ, và nhất là người nhà bệnh nhân mạt sát thậm tệ chỉ vì xe chạy chậm do kẹt xe, ngập nước”.
“Chỉ tại thằng tài xế chạy xe rề rà mà mẹ tao mới qua đời!”. Hầu như, các bác tài xe cứu thương đều từng phải vài lần nghe những câu xỉ vả đại loại như vậy.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Bác tài Hòa trầm ngâm: “Buồn thì cũng buồn thật nhưng phải thông cảm cho họ thôi. Ai chẳng bị sốc khi người thân đang trong cơn hoạn nạn, hoặc qua đời. Thì cũng phải có một ai đó đó để mà trút giận. Thôi thì trút giận vào… tài xế xe cấp cứu”.
Cũng có khi cánh tài xế nhận được điện thoại báo có nơi bệnh nhân cần được cấp cứu, bèn phóng xe hộc tốc, long tóc gáy đến địa chỉ theo tin báo. Hóa ra, chỉ là tin báo giả do ai đó bày trò. Bác tài Hòa từng bị cả một đại gia đình đua nhau chửi xối xả, mắng mỏ thậm tệ chỉ vì dám chạy xe cấp cứu đem “điềm gở” đến nhà người ta, theo một tin báo ảo.
Qui trình tuyển dụng bác tài xe cấp cứu hiện nay cũng khá khắt khe như: Tuổi đời chỉ trong khoảng 25 - 45 tuổi. Quan trọng là tay nghề phải giỏi, có tâm lý ổn định, đạo đức tốt… Bởi vì khi bệnh nhân lên xe thì xem như tính mạng đã được giao phó một phần cho các bác tài xe cấp cứu cùng với quĩ thời gian cuộc đời hết sức eo hẹp.
Bởi vậy, dù áp lực công việc ghê gớm như thế, nhưng các bác tài bảo rằng, họ cảm thấy rất yêu và tự hào về công việc của mình. “Cứ tưởng tượng ngồi trên xe với còi hụ inh ỏi, đường ngập nước, kẹt xe, phía sau thì có bệnh nhân sắp sửa… “đi đai”. Bao nhiêu là lời thúc giục, la lối của người nhà bệnh nhân phía sau lưng. Thần kinh tài xế căng như dây đờn, mồ hôi tuôn như tắm. Nhưng cứ nghĩ đây không chỉ đơn thuần là công việc, mà còn là một việc làm ý nghĩa gắn với sinh mệnh con người, chúng tôi vượt qua áp lực, nhấn ga và… phóng tới” - bác tài N. thổ lộ.
VŨ BÌNH
Tuổi Trẻ Cười số 364 (ra ngày 15-09-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận