Nếu cuộc thương thảo hoàn tất, ông Goetz trở thành vị HLV nước ngoài thứ tám của đội tuyển VN nhưng là đời thứ 12, bởi có ba vị nhiều hơn một lần dẫn dắt (ông Riedl ba lần, Calisto và Tavares đều hai lần). Trong tám vị HLV ngoại, thành công lớn nhất là ông Calisto với chiếc cúp AFF 2010. Kế đến là ông Weigang khi đoạt được chiếc HCB đầu tiên tại SEA Games 1995, rồi ông Riedl với một số lần á quân AFF Cup lẫn SEA Games.
Hai trong ba người thành công đều là những HLV gắn bó với VN rất nhiều, đó là Calisto và Weigang (từng sống và làm việc ở miền Nam trước ngày đất nước thống nhất). Còn ông Riedl đến VN đầu năm 1998 và chiến tích đầu tay là chiếc HCB Tiger Cup vào cuối năm. Nghĩa là ông cũng có gần trọn một năm tìm hiểu con người VN, bóng đá VN. Đồng thời đó cũng là thời điểm bóng đá VN khá giàu có về lực lượng khi những ngôi sao như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Quốc Cường... đang ở đỉnh cao.
Dẫn ra những câu chuyện cũ như thế để thấy rằng ông Goetz sẽ gặp nhiều khó khăn một khi trở thành HLV đội tuyển VN trong thời điểm hiện nay. Nếu kịp nhận chức vào tuần đầu tháng 5, ông cũng chỉ có một tháng làm quen để tham gia vòng loại World Cup 2014. Còn từ nay đến khi diễn ra SEA Games 2011, nửa năm để nắm bắt, để hiểu một nền bóng đá nhiều lắt léo (từ cầu thủ đến giải vô địch quốc gia) là quá ngắn, đã vậy cầu thủ giỏi thì quá hiếm.
Đó là phần ông Goetz, còn phía chủ nhà, hiện tại sự hiểu biết về vị HLV này vẫn còn khá mù mờ. Nhà báo Vũ Công Lập, người rất am hiểu bóng đá Đức, đã bày tỏ sự âu lo chính đáng: ”Tôi tìm nhiều tài liệu nhưng chưa biết gì nhiều về ông này, ngoại trừ một điều là nghe rằng ông ấy rất nóng nảy. Nhưng điều tôi lo hơn cả là cách tuyển người của mình. Chúng ta chỉ mới biết ông ấy qua giấy tờ là những bản lý lịch nghề nghiệp, lời giới thiệu của Liên đoàn Bóng đá Đức. Tại sao không mời ông ấy sang VN tiếp xúc trực tiếp với Hội đồng HLV quốc gia để nghe ông ấy trình bày nhằm hiểu con người, quan điểm làm bóng đá của ông ấy rồi mới quyết định...”.
Tôi chợt giật mình khi nghe đến “bản giới thiệu của Liên đoàn Bóng đá Đức...”. Bởi ngày nào, ông Letard cũng đã có hẳn một bản giới thiệu toàn là khen ngợi của ông Aimé Jacquet lẫy lừng đấy thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận