11/10/2017 06:59 GMT+7

Nói láo trên truyền hình

Thầy Cãi
Thầy Cãi

TTO - Trước nay, người ta thường chỉ nói láo để làm trò vui, chọc cho thiên hạ cười...

Nói láo trên truyền hình - Ảnh 1.

Đó là một dạng tấu hài bình dân ý nhị nhằm mục đích giải trí vui vẻ cho một tập thể nhỏ. Nói láo bình dân chẳng những vô hại; ngược lại còn có lợi bởi nó được xem là văn học dân gian đem lại nụ cười lạc quan cho nhiều người nghe.

Cơn bão số 10 đi vào vùng duyên hải Hà Tĩnh gây ra nhiều thiệt hại to lớn cho bà con ta; trong đó huyện Kỳ Anh là địa phương có đến 80% nhà bà con bị tốc mái hay sụp đổ. Những hình ảnh đưa trên truyền hình cho người xem thấy rất rõ chuyện đau lòng ấy. 

Hễ nhà tốc mái thì phải mua tôn hoặc ngói để lợp lại. Hễ nhà sập thì phải mua cây gỗ, gạch, xi-măng để xây dựng lại. 

Thừa cơ hội đó, những cửa hàng tư nhân bán vật liệu xây dựng nâng giá lên để kiếm thêm đồng lời. Tâm lý này là bình thường trong hoạt động buôn bán của tư nhân đặc biệt khi nhu cầu mua sắm quá lớn.

Một chủ cửa hàng bán tôn - cái loại tôn mỏng như lá lúa và gió thổi mạnh thì bay như bươm bướm vờn hoa, giải thích trên truyền hình vì sao bà bán tôn mắc hơn trước đây: "Điện lưới chưa có, tôi phải nổ máy phát điện mới cắt tôn được; xăng dầu mắc nên phải bán giá lên". 

Một ông chủ nhà mua fibro cement lợp mái cho biết: "Fibro trước đây giá chỉ 40.000 đồng/ tấm; bây giờ phải mua mắc hơn 10.000 đồng, 20.000 đồng/ tấm". Một ông chủ nhà lợp ngói tấm cho biết mỗi tấm ngói mắc hơn trước 1.000 đồng...

Sự thật là như vậy; giá vật liệu xây dựng tăng lên sau bão là cái gì rất thật, không một ai có thể chối cãi được. 

Ấy vậy mà tiếp theo sau đó, một lãnh đạo của ngành công thương Hà Tĩnh khẳng định trên truyền hình rằng hoàn toàn không có chuyện nâng giá lên, rằng sở của ông đã kiểm tra và bảo đảm sẽ xử lý những ai nâng giá bán vật liệu xây dựng...

Ngồi ở trong văn phòng, nhắm mắt nói láo bừa bãi đã là một cái tội. Cái tội lớn hơn là nội dung câu nói có vẻ mị dân khi đứng về phía những bà con nghèo mua vật liệu xây dựng để làm lại nhà cửa nhưng bản chất dối trá của câu nói lại mang tính thỏa hiệp, bao che cho những ai nâng giá bán lên. Tóm lại, đó là câu nói bao che cái sai trái và đánh bóng "thành tích" của ngành công thương mình.

Hỡi ơi, ông lớn Hà Tĩnh! Ông nói láo trên truyền hình làm gì một câu đáng tiếc như vậy khiến cho hàng triệu người xem kênh VTV8 cười nhạo ông? Một người cán bộ chân thật chỉ cần nói: "Tôi sẽ cho kiểm tra lại ngay và nếu có tình trạng nâng giá, chúng tôi sẽ nhắc nhở bà con buôn bán cố gắng chia sẻ mất mát với những bà con có nhà cửa bị hư hại".

Bởi ông cố gắng giữ "thành tích" của ngành quá khiến cho mọi việc hư bột, hư đường hết ráo.

Xin đề nghị như vầy: các cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành nên nói thật với nhân dân. Nói láo trên truyền hình hay trên tờ báo đều rất nguy hiểm bởi ngày nay thông tin bùng nổ, chẳng ai có thể giấu diếm nhân dân (qua các kênh thông tin truyền thông) được cái gì cả. 

Các vị lãnh đạo địa phương cũng nên mạnh dạn kỷ luật những cán bộ nói láo. Chính họ chứ không phải là một ai khác làm mất uy tín của địa phương mình. Anh em báo đài chỉ muốn đưa sự thật, sự thật và sự thật.

Thầy Cãi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên