Ông Kawaue Junichi - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - trao giải nhất cho tác giả Lâm Long Hồ - Ảnh: L.ĐIỀN
Tôi mong sự phổ biến của văn hóa Haiku độc đáo trong tiếng Việt cũng như Haiku tiếng Nhật sẽ được thúc đẩy hơn nữa và sự giao lưu từ trái tim đến trái tim của người dân hai nước thông qua thơ Haiku sẽ tiến xa thêm
Ông Kawaue Junichi - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM
Thơ Haiku Việt là thơ haiku của người Việt, viết bằng tiếng Việt và mang phong cách Việt. Một đất nước có truyền thống thi ca lâu dài, với một kho tàng thi ca đồ sộ như Việt Nam, sao vẫn cần thêm thể thơ Haiku? Thêm Haiku không chỉ vì thêm một thể thơ ngắn, cô đúc, vì thơ lục bát phong dao của Việt Nam còn ngắn hơn cả Haiku, mà chính là vì thêm một cách thức nhìn đời, một cách thức phản ánh đời sống của thơ Haiku. Thơ Haiku đã tạo ra một thế giới riêng, một cách thể hiện đời sống rất riêng.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Lê Giang
Bài thơ Haiku Việt đoạt giải nhất, tác giả Lâm Long Hồ đến từ An Giang phản ánh một thực trạng trong đời sống hiện đại trong vỏn vẹn 15 chữ:
Cà phê ngày Tình nhân/Hai màn hình điện thoại/Chiếu sáng hai mặt người.
Bài thơ này, như nhận định của phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Lê Giang - trưởng ban giám khảo - "tưởng không có gì để nói". Bởi mọi thứ bày ra thật rõ ràng: một đôi bạn trẻ yêu nhau ngồi với nhau trong ngày Valentine.
Tiến sĩ Đoàn Lê Giang nhắc lại truyền thuyết về Thánh Valentine phải chịu hình phạt thảm khốc của hoàng đế độc tài để bảo vệ tình yêu đôi lứa, vì thế mà người ta mới lấy ngày 14-2, ngày ông bị tử hình để tôn vinh ông, cũng là tôn vinh tình yêu bất diệt của con người.
"2000 năm sau cái chết ấy, trong thời đại công nghệ, người ta vẫn đi với nhau vào ngày Thánh Valentine, nhưng dường như người ta không biết, không thiết giao tiếp với nhau nữa: mỗi người một điện thoại, sống ảo, sống trong thế giới của riêng mình.
Hai người, hai điện thoại và hai gương mặt trong hai quầng sáng xanh mới cô đơn làm sao! Nghệ thuật hiện đại rung chuông cảnh tỉnh về môi trường sống hiện nay, về tính nhân văn đang đứng trước nguy cơ do chính con người tạo ra. Thơ Haiku cũng góp tiếng nói vào câu chuyện ấy", tiến sĩ Đoàn Lê Giang nêu nhận xét.
Sáng kiến mở cuộc thi Haiku Việt Nhật để vừa phổ biến thể thơ độc đáo của Nhật Bản, vừa gắn kết những tâm hồn thơ Việt Nam đồng điệu với cấu tứ đặc thù của Haiku, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn tổ chức cuộc thi thơ Haiku Việt Nhật lần đầu tiên vào năm 2007.
Từ đó duy trì 2 năm 1 lần, nay đã là lần thứ 7, số lượng người làm thơ Việt Nam yêu thể thơ Haiku Nhật Bản ngày càng nhiều hơn, thể hiện qua chất lượng và số lượng các tác phẩm gửi về dự thi.
Để chào mừng 7 lần tổ chức thành công cuộc thi thơ Haiku Việt Nhật, trong lần trao giải năm nay, ông Kawaue Junichi - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - đã sáng tác một bài Haiku để tặng cuộc thi và đọc tặng ngay tại lễ trao giải.
Bản dịch tiếng Việt do tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh Như thực hiện, như sau:
クーロンの /恵みゆたかに/春(テト)祝う
Mừng Tết về/Vùng Cửu Long/Bạt ngàn mênh mông.
Các bài Haiku đoạt giải lần 7 (năm 2019):
Giải nhì:
Lặng lẽ trong lồng/Tiếng chim đơn độc/Vọng vào thinh không. (Phạm Quốc Duẩn - Hà Nội)
Mong manh khô giòn/Lá thu dưới đất/Mòn chân ai. (Lê Thị Thanh Tâm - Hà Nội)
San hô nổi/Trắng bãi bờ/Đại dương mất máu. (Đỗ Thượng Thế - Đà Nẵng)
Giải khuyến khích:
Đàn cá ngửa bụng/Triền loa kèn rủ trắng khăn tang/Sông lặng im mặc niệm… (Phan Đức Lộc - Điện Biên)
Dạt vào bờ/Mắt cá voi ngấn lệ/Dập dềnh túi nylong. (Nguyễn Thánh Ngã - TP.HCM)
Chiếc áo sờn vai/Kể chuyện cuộc đời/Treo trên vách núi. (Trịnh Thị Ngọc - Bình Phước)
Những nhà chọc trời/không cao bằng cánh nhạn/chơi với hồ mây. (Phó Đỗ Quyên - TP.HCM)
Vào Thành Cổ/Bàn chân chạm cỏ mềm/Buốt nhói! (Nguyễn Văn Song - Hưng Yên)
Biển phủ ni lông/Cụ rùa/Thở ống hút. (Lê Hữu Thương - Hà Nội)
Nước đọng bên đường/Những bông hoa nhỏ/Soi gương. (Lâm Minh Trí - TP.HCM)
Ếch gọi bạn/Đêm mưa trên đồng/Gọi cả bão giông! (Hồ Trường - Bến Tre)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận