![]() |
Hình ảnh bình yên, đẹp như tranh vẽ ở làng Kon Sơ Lăl cũ trước thời điểm bị cháy - Ảnh: B.D. |
13g ngày 29-4, ông Biên - phó chủ tịch UBND xã Hà Tây (huyện Chư Păh, Gia Lai) - gọi điện thoại báo tin cho chúng tôi mà như khóc.
Lỗ tai như lùng bùng, một cảm giác buồn khó tả, khó nói thành lời hiện ra trong đầu chúng tôi - những người đã đến ngồi dưới gốc cây vú sữa cổ thụ ở Kon Sơ Lăl ngắm nhìn không gian bình yên, tự tay hái những chùm cây trĩu quả ở ngôi làng đẹp hiếm có còn sót lại trên Tây nguyên ấy.
Kon Sơ Lăl là ngôi làng cũ bị bỏ hoang, cách trung tâm xã Hà Tây khoảng 10km. Đó là một ngôi làng đặc biệt về cả kiến trúc cũng như số phận. Kon Sơ Lăl lớn lên trong ký ức bao thế hệ con trai con gái Ba Na.
Đến năm 2002, trước chủ trương di dời dân ra vùng trung tâm, những người già ở Kon Sơ Lăl đã tình nguyện bước ra khỏi rừng, để lại sau lưng một ngôi làng đã đi vào tâm trí bao thế hệ.
Làng Kon Sơ Lăl nằm quây thành vòng tròn dưới một khu đất trống ở bìa rừng, lấy nhà rông làm trung tâm, những ngôi nhà được bết bằng tường tranh vách đất, nằm bình yên như ký ức tuổi thơ của đứa trẻ sống ở thôn quê.
Nhưng người Kon Sơ Lăl về nơi ở mới không đặt dấu chấm hết cho ngôi làng, nơi ấy lại mang một hình hài mới: được chính những người yêu quý ngôi làng tự tay chăm sóc, giữ gìn như chính là trách nhiệm của mình.
Nhiều người như chúng tôi khi đến Kon Sơ Lăl đã tự đặt câu hỏi: tại sao sau bao nhiêu năm từ khi người làng dời đi, ngôi làng ấy vẫn có hơi ấm của bàn tay con người? Bao nhiêu ngôi nhà mái lợp bằng tranh, vách đất vẫn đâu đó như có tiếng của trẻ con Ba Na gọi mẹ trong ngày lễ thổi tai, ngày lễ trưởng thành?
Người Ba Na ở Hà Tây nói làng đã dời đi nhưng vẫn có người chăm sóc, nhiều năm nay bốn năm người lớn tuổi già đi ở ngôi làng đó hằng ngày vẫn nằm trên nhà sàn chờ ngày tắt thở bên ngôi làng của mình. Họ không muốn rời xa.
Cũng như người Ba Na không muốn mất đi nơi thân quen ấy, đã tự nguyện đến đây mỗi ngày coi sóc nhà rông, giữ ngôi làng ấy không mất đi theo thời gian và tuổi tác của con người.
Năm 2009, trước phong trào lùng tìm gỗ trắc, rất nhiều thương lái đã tìm đến và ngã giá, hứa sẽ mua cho mỗi hộ dân trong làng Kon Sơ Lăl mới một chiếc xe tay ga đắt tiền, xây cho làng một tuyến đường bêtông và làm một ngôi nhà rông kiên cố mới.
Đổi lại, người làng đồng ý để người lạ rút bốn cột gỗ trắc trong nhà rông ở làng cũ. Người Kon Sơ Lăl nổi giận. Sức mạnh của đồng tiền đã không lấy đi được tình yêu và niềm kiêu hãnh ấy. Kon Sơ Lăl vẫn đứng vững và sống mãnh liệt, trở thành nơi tụ họp trong những ngày lễ quan trọng của làng.
Năm 1995, khi đi tìm bối cảnh cho phim Đất nước đứng lên, làng Kon Sơ Lăl vào tầm ngắm của các nhà làm phim nhưng vì nhiều lý do khách quan, phim đã phải quay ở một địa điểm khác.
Câu chuyện người dân Ba Na ở Hà Tây tự lưu giữ, bảo tồn một ngôi làng đi qua bao thế hệ đã đặt ra câu hỏi về công tác bảo tồn đối với ngành văn hóa. Nói chuyện bảo tồn một ngôi làng vốn không gắn nhiều với lịch sử trong thời buổi ngành văn hóa tỉnh Gia Lai đang giật gấu vá vai, thiếu thốn đủ bề thì thật khó.
Nhưng không phải là không có lý do khi chính nhiều người có trách nhiệm cũng nói về Kon Sơ Lăl trong niềm tiếc nuối: “Giá như chúng tôi có nhiều tiền hơn, giá như có ai đó tâm huyết và đứng ra biến ngôi làng ấy thành một địa điểm du lịch thì có lẽ câu chuyện cũng đã khác...”.
Nhà rông và ngôi làng bình yên hiếm hoi ấy đã biến thành ngọn đuốc trong ngày dông bão, hình ảnh ấy mãi ám ảnh và day dứt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận