07/09/2013 14:20 GMT+7

Nỗi đau của mẹ

MAI HOA
MAI HOA

TT - Thật tình cờ, những người dự khán ngày hôm đó phần đông là các bà, các mẹ. Sau phiên tòa, không biết họ sẽ ngẫm ra được điều gì để răn dạy thêm cho con cháu, chỉ thấy ngay trong phiên tòa có người đã xúc động tới rơi nước mắt, đồng cảm với nỗi lòng của hai bà mẹ có con là bị cáo.

Tưới xăng đốt người yêu, lãnh 13 năm tùTruy tố nghi phạm dùng xăng đốt “vợ”

Pe6GwMky.jpgPhóng to
Huỳnh Công Thạnh ra tòa với những vết thương vừa tự gây ra trên mặt - Ảnh: M.Hoa

Đó là phiên tòa lưu động của TAND TP.HCM ngày 27-8, mở tại phường Phú Trung, Q.Tân Phú, xét xử Đặng Hoàng Nam (24 tuổi) về tội “cướp giật tài sản”, Huỳnh Công Thạnh (44 tuổi) về tội “giết người”.

Đặng Hoàng Nam được đưa ra xét xử trước. Mẹ của Nam, bà Lưu Thị T.L., được mời đến với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vì chiếc xe máy Nam chở bạn đi cướp là của bà. Bà có cái dáng phốp pháp của một người đi nấu ăn thuê, nhưng hôm nay khi ngồi dưới lắng nghe những lời xét hỏi, luận tội con mình, bà dường như trở nên nhỏ bé và yếu đuối: “Từ nhỏ tôi đâu có để nó thiếu thốn thứ gì, vậy mà nó khai đi giật đồ người ta lấy tiền tiêu xài. Cũng vì nó ham chơi, nghe lời bạn xúi giục, tôi nói hoài nó chẳng nghe...”.

Con dại, cái mang

Nam chỉ học tới lớp 10 rồi nghỉ. Sau khi Nam đi nghĩa vụ quân sự về, bà mở cho con một tiệm sửa xe ngay tại nhà, vừa để kiếm thêm đồng ra đồng vào, vừa để giữ chân con ở gần cha mẹ. Chưa được bao nhiêu lâu thì Nam gây chuyện. Hôm đó, Nam ngồi uống cà phê với một người tên Tý trên đường Thoại Ngọc Hầu. Uống xong Tý nhờ Nam chở về nhà. Trên đường về, Tý phát hiện chị Mỹ D. đang đậu xe sát lề đường bên trái ngồi bấm điện thoại. Tý rủ Nam cướp giật, Nam đồng ý. Nam chạy xe ép sát, Tý ngồi sau giật chiếc điện thoại của chị D. rồi bỏ chạy. Chị D. đuổi theo được một đoạn thì hai xe va quẹt với nhau. Chị D. đâm trực diện vào một chiếc taxi đang dừng đèn đỏ phía trước bị chấn thương nặng. Nam và Tý cũng bị ngã xuống đường, lồm cồm bò dậy, bỏ xe lại chạy trốn. Giám định cho thấy chị D. bị thương tích 76%.

Trước tòa, Nam khai không hề biết gì về Tý. “Tình bạn” ngắn ngủi giữa hai người bắt đầu từ một lần đi chơi Internet, có rủ nhau uống cà phê và rồi rủ nhau đi cướp giật. Đến nay Tý vẫn trốn biệt tăm, Nam ra tòa một mình, lãnh án 12 năm tù. Ngay từ lúc nghe kiểm sát viên đề nghị mức án, bà L. đã run lẩy bẩy, cứ lắp bắp hỏi lại: “Mười... mười hai năm thiệt hả cô? Tôi có nghe nhầm không?”. Gia đình bị hại đòi bồi thường thêm tiền chữa trị sau này, bà lại càng hoảng sợ. Để có 80 triệu đồng đưa cho nhà chị D., bà đã cầm cố căn nhà đến nay chưa lấy giấy tờ về được, nếu phải bồi thường thêm nữa biết lấy ở đâu? Ngay cả suốt thời gian mở tiệm sửa xe, Nam cũng chưa có đồng nào đưa mẹ.

“Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Tôi cũng biết nhà bên kia người ta đau đớn lắm, con gái người ta bị thương tích như vậy kia mà. Nhưng còn thằng Nam, tôi giận nó một thì thương nó mười. Con dại thì cái mang, tôi lại thêm giận mình vì không dạy được con nên người...”. Vậy mà, trong cả phiên xử Nam chẳng quay xuống nhìn mẹ một lần...

Bao giờ mẹ gặp lại con?

Hơn 10g trưa, phiên xử Huỳnh Công Thạnh mới bắt đầu nhưng gia đình bị cáo đã tới từ rất sớm. Khi phiên xử trước diễn ra, đứa con trai bị cáo dắt tay bà nội đi vòng quanh chiếc xe tù, vừa khóc vừa năn nỉ xin các chú công an cho gặp bị cáo một lát nhưng không được.

Phiên xử bắt đầu. Một chị đứng tuổi tới trễ, vô tình ngồi kế bên bà hỏi thăm: “Bà ơi, người ta đang xử vụ giết người đấy phải không?”. Nghe thấy hai chữ “giết người”, bà cụ bật dậy như chiếc lò xo: “Giết người đâu mà giết người, vợ chồng nó gây lộn với nhau thôi, nó là con tui mà tui không biết hay sao, chị không biết thì đừng nói, tội nghiệp con tui lắm”.

Bà cụ chỉ có mình Thạnh là con trai, nhưng lại có tới hai người con dâu. Người vợ trước đã ly dị từ năm 2006, có hai con, người vợ sau chưa có hôn thú, tên Lý Thị P., là nạn nhân trong vụ án này. Cuộc sống chung khá yên ấm trong căn nhà thuê, chồng lái xe khách, vợ làm thêm việc lặt vặt đỡ đần. Cho tới một ngày hai người cãi nhau về việc đóng tiền chơi hụi. Bị đánh, chị P. nói sẽ bỏ về quê sinh sống. Nghe vậy, Thạnh dọa sẽ cho nổ bình gas để hai người cùng chết. Ngay sau đó hai người đã làm hòa. Nhưng hôm sau Thạnh đi uống rượu suốt một đêm, nghĩ lại lời vợ nói vẫn còn ấm ức nên mua xăng về đổ lên người vợ và người mình rồi kéo lại gần bếp gas bật lửa. Chị P. bị phỏng nặng, tổn hại sức khỏe 48%. Thạnh cũng bị thương tích 13%.

Tới dự phiên tòa, chị P. mặc áo khoác cao cổ, đội nón rộng vành để che bớt những mảng sẹo lớn dưới cằm, dưới cánh tay. Qua nửa năm, những lớp da mỏng đã kịp kéo trùm lên vết thương, nhưng vẫn còn nhìn thấy rõ từng đường gân xanh phía dưới. Mỗi khi chị xúc động, những mảng sẹo lại đỏ ửng lên, các đường gân khẽ giật giật. Phía trên vành móng ngựa, khuôn mặt của bị cáo Thạnh cũng đầy vết thương rất mới, trán phồng rộp, từng mảng da tróc lở. Luật sư cho biết trong những ngày tạm giam Thạnh đã tự nấu nước sôi đổ lên mặt mình vì “nghĩ ân hận quá”. Trước tòa, giọng nói của bị cáo khàn đặc, yếu đuối như không còn sức lực: “Thưa tòa, bị cáo biết tội lỗi của mình rồi, nếu hôm đó bị cáo không nóng nảy thì sẽ không xảy ra chuyện này...”.

Chỉ ngồi cách con hai hàng ghế, cứ thi thoảng bà cụ lại đứng nhổm dậy định bước tới. “Cho tui lên ôm con tui một cái thôi. Từ ngày nó bị bắt, tui chưa được gặp” - bị kéo ngồi lại, bà cụ càng năn nỉ.

Giờ nghị án, hai bà cháu ngồi xáp lại gần chỗ bị cáo đang ngồi. Chỉ một hàng cảnh sát ngồi chắn giữa, nếu hai bà cháu có nói gì phía trên vẫn nghe được. Nhưng không ai nói được gì. Chỉ có tiếng khóc. Dồn tất cả hơi sức còn lại, bà lão 82 tuổi cố gào lên: “Con ơi, con làm thế mà không nghĩ tới còn có mẹ hay sao, con không nghĩ tới mẹ già này hay sao? Con đi tù mười mấy năm, bao giờ mẹ mới gặp lại con đây?”. Những người ngồi xung quanh vội đỡ lấy bà cụ. Chị đứng tuổi hồi nãy hỏi thăm bà đứng ngay sau, vỗ về cái lưng còng lom khom của bà, rơm rớm khóc. Thạnh nghe vậy cũng khóc thành tiếng. Hai người con dâu, cả đứa cháu nội đứng hai bên bà cũng khóc to. Một bản hòa âm tiếng khóc của già trẻ, lớn bé của một gia đình đang trong cơn sóng gió nghe thật não nùng.

12 giờ trưa, phiên xử mới kết thúc. 13 năm tù. Thạnh bị đưa đi nhanh quá, không ai theo kịp. Người con dâu cũ đỡ bà, cố chạy theo nói lớn: “Anh ơi, ráng cải tạo tốt còn về lo cho mẹ”. Bà cụ thì đã kiệt sức, không nói thêm được gì, chỉ với tay theo chiếc xe tù, gương mặt đờ đẫn. Trước khi lẩn khuất vào đám đông, tôi vẫn nghe bà thều thào rất khẽ: “Bao giờ mẹ mới được gặp lại con, con ơi? Con ơi?”.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên