Diễn viên Tiến Lộc có những giây phút xuất thần lột tả chiều sâu nội tâm nhân vật Kiên trong vở Trái tim người Hà Nội - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Chiến tranh, hòa bình, vào đại học hay đi bộ đội nó khác nhau nhiều đến thế hay sao? Thế nào là một cuộc đời tốt, một cuộc đời xấu?
Tình nguyện vào bộ đội ở tuổi 17 sẽ cao thượng hơn là vào đại học ở tuổi 17 ư?
Đó là những đối thoại về chiến tranh - thời cuộc, sự sống - cái chết, tình yêu - lý tưởng... của đôi tình nhân Phương - Kiên - từ khi ở tuổi 17 cho đến lúc bước vào tuổi xế chiều - trong vở kịch Trái tim người Hà Nội được Nhà hát Kịch Hà Nội công diễn tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 5 - 2022.
Cảnh đôi tình nhân đạp xích lô trên phố ra ga Văn Điển trong vở Trái tim người Hà Nội - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Những con người "bước ra" từ tiểu thuyết
Cuộc đối thoại được mở ra trong một không gian sân khấu màu xám với tạo hình lủng củng, cũ nát, ngả nghiêng của những bậc thang, ô cửa, ghế đẩu, xe đẩy, cột đèn, loa phường, đàn guitar, khăn rằn, ba lô...
Tất cả cho người xem hình dung về một Hà Nội thời chiến và một truông Gọi Hồn nơi tuyến lửa. Không gian ấy thêm phần trĩu nặng, u ám khi có những tảng đá treo lơ lửng. Nhưng, bay bổng bên trên là khúc nhạc của những lý tưởng, ước mơ, tình yêu luôn bừng cháy của bao trái tim trẻ tuổi Hà thành...
Và, thật thú vị khi họ chính là những con người "bước ra" từ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, với những gương mặt thân quen như Kiên, Phương, Can - người lính đào ngũ, Hòa - cô giao liên (trong kịch tên Hoa), Sơn - người lính lái xe (trong kịch tên Tùng)...
Có thể thấy, tác giả Phùng Nguyễn đã khéo chắt lọc những lời thoại, chi tiết, câu chuyện quan trọng trong tiểu thuyết để kết nối thành một kịch bản khắc họa khá rõ nét tâm hồn người Hà Nội trong chiến tranh và sau chiến tranh, có cao thượng và hèn nhát, có can trường và buông xuôi, có sáng trong và mê muội...
Từ nền tảng ấy, ở Trái tim người Hà Nội, người lính trinh sát tên Kiên không chỉ xót xa, đau đớn đến bế tắc, cùng quẫn khi đối thoại với đồng đội: "Ở nơi đây có còn là con người hay không?"; với chính bản thân mình:
"Trái tim tôi có thể thoát khỏi gọng kìm siết chặt của những nỗi buồn chiến tranh?" mà còn có cuộc đối thoại xoay theo hướng khác khi trở về với đời thường. Đó là cuộc đối thoại nảy lửa của anh với Phương và đám bạn không nhập ngũ năm nào (Phú là đại diện - một kẻ bảnh chọe, đểu cáng, ăn chơi)...
Riêng với Phương, vở kịch đã đem đến không ít bất ngờ khi "bẻ lái" cuộc đối thoại, vừa mới tưởng chừng nhấn chìm Kiên trong nỗi đau đớn, giày vò không lối thoát nhưng ngay sau đó đã mở ra cả một bầu trời tình yêu tươi xanh.
Và, đó chính là cuộc đối thoại cuối cùng từ trái tim đến trái tim của những người con Hà Nội: cháy bỏng yêu, cháy bỏng sống, cháy bỏng cống hiến, cháy bỏng bao dung...
Cảnh trong vở Trái tim người Hà Nội - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Không nhiều thử nghiệm, nhưng giàu sức gợi
Cũng bởi được cảm tác từ Nỗi buồn chiến tranh nên gam màu chính của vở kịch luôn trầm lắng trong dòng đối thoại, triết luận vốn làm nên tiếng vang cho cuốn tiểu thuyết.
Nhưng len vào đó còn là hình ảnh lãng mạn hiện thực hóa chi tiết đôi tình nhân đạp xích lô trên phố ra ga Văn Điển; là đôi ba tiếng cười nhẹ nhàng từ ông đạp xích lô, bác tuần đường và cả tiếng cười có phần chua chát từ những dị tật bởi chiến tranh đem lại.
Tuy nhiên, qua âm nhạc và bàn tay của đạo diễn Phùng Tiến Minh, tiếng cười ấy vẫn duyên dáng, thơ mộng, như anh lính lái xe tên Tùng vì ra chiến trường mà bị tật méo mồm nhưng khi cầm đàn và cất tiếng hát về Hà Nội thì lại tròn vành, rung cảm.
Ở Trái tim người Hà Nội không có nhiều thử nghiệm về kịch bản, diễn xuất, dàn dựng, âm thanh, ánh sáng hay thiết kế, có chăng là đôi chút thay đổi khi diễn viên vừa diễn xuất vừa tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu ê kíp thực hiện hay dẫn chuyện bằng lời kể hoặc bằng âm nhạc...
Dẫu vậy, vở vẫn đủ sức chinh phục khán giả phủ kín rạp Công Nhân bằng một kịch bản văn học có chiều sâu, giàu sức gợi cũng như lối diễn xuất chân thực của các diễn viên Thùy Dương, Chí Nhân, Mạnh Hưng, Hường Dương, Hồng Liên...
Đặc biệt, hóa thân vào vai Kiên - một nhân vật có một đời sống cảm xúc phong phú, liên tục đấu tranh giữa lý tưởng và hiện thực đầy phức tạp; Tiến Lộc có những giây phút xuất thần lột tả chiều sâu nội tâm nhân vật qua những cử chỉ, biểu cảm tinh tế, kéo khán giả đồng cảm, sẻ chia...
Vở kịch Trái tim người Hà Nội sẽ được Nhà hát Kịch Hà Nội tiếp tục công diễn lúc 20h các ngày 9 và 10-12 tại rạp Công Nhân, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận