05/10/2013 08:00 GMT+7

Nơi bến sông

NGUYỄN THỊ HẠNH THUẦN (Bình Thuận)
NGUYỄN THỊ HẠNH THUẦN (Bình Thuận)

AT - Tôi thường đứng trên bancông của tòa nhà, nơi tôi làm việc, nhìn xuống phía dưới là dòng sông đang trôi, như chẳng nghĩ ngợi gì về cuộc đời, chỉ có con người mình hay suy diễn và tự mình buồn rồi thả nỗi buồn ấy vào dòng sông… Nước sông này sẽ chảy về đâu, nếu mình cứ đi dọc theo nó hoài thì mình sẽ đến đâu, chắc là phải có điểm dừng chứ? Lúc nhỏ, có lần tôi hỏi chị Mai câu ấy, tôi nhớ chị nhìn mặt nước sông trôi rồi nói: “Mỗi con sông đều về nhà của nó, như con người vậy thôi… Có lúc cu Bi biết không, chị cũng muốn đi theo con sông này thử cho biết nhà nó đó!”.

EDbC9LDD.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Thành Trung

Tôi đem chuyện này về kể với mẹ, mẹ la cho một trận mà tôi không hiểu lý do. Mẹ chỉ gút lại một câu là tôi lúc nào cũng phải làm cho chị vui, đừng hỏi vớ vẩn để chị buồn, chị đi theo con sông là mẹ từ tôi luôn… Tôi sợ xanh mặt, từ đó không dám hỏi linh tinh nữa, chỉ theo chị ra bến sông ngồi rồi kể chuyện lớp học, chuyện tôi bí mật giấu chiếc bút lông của nhỏ bạn cùng bàn, hay chuyện mẹ nói tôi phải là người bảo vệ chị (cái này là do tật nhiều chuyện không kiềm chế được nên tôi tiết lộ), chị mím môi cười. Tôi thích nhìn chị lúc cười thế này lắm, vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ làm sao.

Năm đó tôi học lớp năm, mười một tuổi. Nghĩa là chị Mai trở thành chị dâu của tôi ba năm tròn.

Mẹ chậm con nên sinh anh trai tôi được gần mười lăm năm sau tôi mới lọt tọt ra đời, ba mẹ với anh cưng chiều tôi lắm. Ba mẹ thích con gái mà tôi thì trắng trẻo nên ba mẹ làm tôi như búp bê. Nhớ có lần ba mẹ về ngoại, anh tôi rủ bạn tới nhà chơi, lúc đó tôi chừng khoảng năm sáu tuổi gì đó. Chị Mai học cùng lớp với anh, hai người lúc đó hình như đã “bồ” nhau rồi, tôi thấy anh múc nước cho chị uống, còn chỉ hình ba mẹ trong quyển album cho chị ấy xem nữa, lần đó ảnh quên mất thằng Bi đang dạo qua dạo lại chờ giới thiệu… Bỗng chị Mai cúi xuống làm bộ ngạc nhiên, ôm lấy tôi rồi nói:

- A! Là bé Bi “đẹp gái” mà anh hay nhắc đây phải không?

Thiệt, lần đó tự nhiên tôi thấy xấu hổ, sao anh lại nói mình đẹp gái, mà chị ấy còn hùa theo để chọc tôi nữa chớ! Tôi vùng khỏi tay chị chạy ra khỏi nhà, qua tìm mấy đứa sư phụ trong xóm để bàn bạc. Một lát sau, tụi tôi kéo quân khoảng bốn đứa, đu bám lên cái hàng rào trước nhà, gọi to:

- Chị Mai ơi! Chị Mai!

Chị thò đầu ra, cười toe toét, tưởng tôi vui rồi, ai ngờ lũ chúng tôi hét to lên một câu mà đến giờ tôi vẫn không tìm ra nghĩa: “Mai, Mai, Mai, mười hai lỗ đít, kéo cho dài mười chín con heo…” rồi cười ngặt nghẽo, bỏ chạy, trong lòng hả hê ghê lắm. Hôm sau đang đeo balô tung tăng đi học về, trời nhá nhem thì tự nhiên trên cây sơri đầu hẻm có một người từ trên cây nhảy xuống cái phịch, tôi thót tim, đứng như trời trồng, thì ra là chị Mai. Chị nắm hai tay tôi lại hỏi :

- Sợ chưa?

Tôi lí nhí muốn khóc:

- Dạ… sợ…!

Vừa nói chị vừa thả một tay ra bóp lấy “khẩu súng nhỏ” của tôi rồi vừa cười vừa nói:

- Cái này là cái gì?

Tôi mắc cỡ không trả lời, chị nghiêm giọng:

- Còn chọc ghẹo chị lung tung nữa thì một là méc anh Thành, hai là cắt cái này, biết chưa?

Tôi sợ chết khiếp, sợ méc một mà sợ bị cắt tới mười, nên từ đó gặp chị không dám đọc cái câu lãng òm, vô nghĩa kia nữa.

Mấy tháng sau anh tôi ra trường, xin được chỗ làm là anh chị cưới nhau. Tôi còn nhỏ chưa biết gì nhiều, chỉ sau này nghe người lớn kể lại khó khăn, nước mắt ghê lắm, chứ không đơn giản như những vợ chồng khác. Nghe đâu người ta nói tuổi anh chị khắc nhau, ông thầy chuyên coi tuổi coi ngày nói hai tuổi anh chị lấy nhau là tuyệt mạng. Ba mẹ hai bên ai cũng lo lắng, cũng thương và sợ cho anh chị nhưng hai người quyết rồi, anh Thành còn nói trước hai bên dòng họ: “Nếu con phải tuyệt mạng mà cưới được Mai con cũng cam lòng”. Chị Mai cũng nói vậy. Không ai bàn ra nữa, mọi người nghĩ thôi thì lấy phúc lấy phần của hai nhà để cho anh chị được hạnh phúc, biết đâu…

Nhà chị với nhà tôi đều coi như có của ăn của để, không phải chân lấm tay bùn, cuộc sống của anh chị cũng rất hạnh phúc.Anh đi làm, chị phụ mẹ tôi việc nhà, rảnh rỗi còn dạy tôi học. Nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, ba mẹ nói giờ chỉ mong có đứa cháu nội nữa là chết nhắm mắt. Tôi yêu thương chị như mẹ của mình, mà chị thì không chỉ vậy, chị còn coi tôi là người bạn thân nhất, đến nỗi có bữa hai chị em ra sông ngồi hóng gió, chị nói:

- Cu Bi biết lúc tối chị ngủ mơ thấy gì không? Thấy chị có em bé đó, bé gái, mà giống cu Bi y chang à!

Tôi biết chị nói thật lòng nên không nhớ bài lai mà giận dỗi. Ném viên đá xuống sông rồi tôi trả lời chị:

- Cháu mà giống em chị có thích không? Hay chị thích giống anh Thành? Mơ mà cũng xạo xạo…

Chị cốc đầu tôi rồi cười mím môi, đôi mắt lấp lánh như mặt sông khi ánh nắng rọi vào.

Một buổi chiều đầu hạ, tôi hí hửng vừa đi vừa nhảy nhót mong về nhà để khoe với mọi người là tôi được học sinh giỏi, nhà trường mời phụ huynh lên dự lễ tổng kết. Tôi suy nghĩ mãi, cuối cùng quyết định chọn chị là người sẽ “vinh dự” đi dự lễ ở trường tôi.

Vừa về tới đầu ngõ, tôi nghe tiếng bà Năm hàng xóm nói như khóc: “Tao đã nói mà… tội cả hai chưa… lấy nhau mới được một năm à…”. Cái câu nói đó sao nó buồn thê lương vậy? Tôi chạy vào nhà, cảnh nhà đông đen, ai cũng sụt sịt khóc, mẹ tôi xỉu lên xỉu xuống, ba ngồi như pho tượng, chị Mai mím chặt môi, tôi cảm giác như bật cả máu. Chị ngồi bên cạnh anh trai tôi, cầm bàn tay của anh, rồi rờ rẫm khuôn mặt anh ấy. Tôi nghe có người lớn nói:

- Thôi con, số nó ngắn ngủi, con làm vậy nó đau đớn, không siêu thoát được đâu…

Chị gật gật đầu, im lặng ngồi nhìn anh tôi một lát rồi đứng dậy, giúp mọi người lo liệu đám tang.

Khi mọi thứ xong xuôi rồi chị mới ôm mẹ tôi mà khóc. Hai nỗi đau như một làm tôi thắt cả ngực, tôi không dám nhìn, chạy ra sông ngồi, thấy ba đã ngồi đó trước rồi, hai cha con chẳng nói gì, chỉ thở dài, nặng nề, ảo não. Nghe mọi người kể lại anh tôi đang làm việc, tự nhiên thấy đau thắt ngực, thở khó, chở xuống bệnh viện thì không kịp, người ta nói hình như là đột quỵ.

Đó là mùa hè thê thảm của tôi năm lớp ba.

Xóm tôi người ta nhắc hoài chuyện anh chị cãi lời thầy, không hợp tuổi mà vẫn lấy nhau, ba mẹ tôi im lặng, đau buồn mà biết làm sao… Mẹ nói anh chẳng để lại gì cho ba mẹ và tôi, chỉ có mỗi mình chị, nên ai nói gì thì nói, cả nhà phải bù đắp để chị không phải tủi thân. Tôi còn nhỏ, không hiểu gì sâu xa, chỉ là trong thâm tâm tôi thật sự rất thương chị nên không cần mẹ dặn dò, tôi lúc nào cũng rất cẩn trọng, sợ làm chị buồn, sợ chị tìm đường của con sông để đi về nhà nó…

Anh Thành đi rồi, nhà buồn hiu, trưa nào ăn cơm xong tôi cũng trèo lên cái đivăng sau nhà nằm với chị, tôi gác một chân lên chân chị rồi mới yên tâm ngủ. Chị Mai quay người lại xoa xoa cái lưng tôm của tôi rồi nói:

- Chị có đi đâu mà cu Bi sợ, ngủ ngoan đi, dậy rồi hai chị em mình đi ra huyện nha!

- Ra huyện thiệt hả chị? Chị mua sắm gì hả? Chị mua cho em bộ cờ cá ngựa đi, chị nghen!

- Ừa, chị mua vải về may quần áo cho Bi nữa, sắp vào học lại rồi… Nhanh ghê, mới đó mà ba tháng rồi…

Tôi biết chị nói ba tháng là kể từ ngày nào nên không dám hỏi gì nữa, nhắm mắt cho giấc ngủ trưa đến, những buổi trưa êm đềm, buồn bã của chị tôi.

Có đôi khi chẳng cần lời nói mà con người cũng có thể hiểu được nhau. Tôi nghiệm ra điều này là vì mặc dù tôi chẳng bao giờ nói ra mà chị Mai biết hết những gì tôi nghĩ, tôi thích cái gì, tôi sợ mất chị ra sao.

Một lần đi học về, không thấy chị đâu, mẹ nói chị ra sông giặt quần áo, tôi chạy ra tìm hoài, gọi tên chị hoài mà chẳng thấy chị đâu. Tôi sợ hãi khóc thét lên, chạy về nhà thì thấy chị đang phơi đồ, tôi ôm chặt chị rồi mếu máo:

- Em không thấy chị ngoài bến sông… Em sợ lắm...

Chị Mai ngồi xuống lau nước mắt nước mũi cho tôi rồi nói:

- Chị xin lỗi cu Bi, chị giặt xong đi đường tắt sau nhà để về nên để cu Bi chạy ra không thấy chị. Mà sau này Bi nhớ nha, chị không bao giờ bỏ ba mẹ, bỏ cu Bi đi đâu. Bi đừng sợ, đừng khóc để ba mẹ buồn nha!

Chị nói vậy nhưng tôi vẫn lo, lúc nào cũng bám theo chị như cái đuôi, đến nỗi có đứa bạn không biết, nó khen: “Mẹ bạn đẹp chưa, trẻ ghê thiệt!”. Tôi cười hì hì: “Chị tui đó!”.

Khi tôi vào đại học, rồi nghỉ hè về quê, mới đặt cái balô xuống tôi nghe mẹ nói:

- Ơ, Mai nó nghe nói mày về chạy ra đón rồi, không gặp chị hả con?

Tôi liền mượn xe đạp của ba chạy ra lại chỗ đường lộ, trong lòng cứ nghĩ ngay đó có cái quán nước, người ta chắc nói cho chị biết là tôi về rồi, biết đâu gặp chị giữa đường. Nhưng không, tôi nhìn thấy chị Mai của tôi đang đứng chỗ người ta hay bỏ khách xuống nhưng đôi mắt chị lại nhìn về phía làng. Chị đội cái nón lá, đứng cạnh cái xe đạp, dáng người nhỏ bé, thấy thương lắm… Tôi chống xe, rồi vừa thở vừa cười:

- Trời, chị biết em về nhà rồi, sao chị không về luôn, đứng đây chi nắng vậy?

- Chị sợ nếu về rồi cu Bi quay ra lại tìm chị không thấy thì sao? Chị biết là Bi sẽ quay lại mà…

Đó là chị giữ lời hứa với thằng Bi mười mấy năm trước…

Tôi và chị dắt hai chiếc xe đạp vừa đi về nhà vừa kể đủ thứ chuyện, mùi nắng quê và mùi làng mạc thân thương như ba mẹ, như người chị dâu tội nghiệp đang đi bên cạnh tôi đây.

Chị Mai giờ bốn mươi mấy tuổi rồi, chị ở vậy không đi bước nữa, ai lạ đến chơi nhà cứ tưởng chị là con gái lớn ế chồng của ba mẹ. Chị cười, ba mẹ cũng im lặng không đính chính gì cả.

Có lần qua nhà bà Năm chơi, bà nói:

- Bây không biết chớ có nhiều người chồng chết trúng cái giờ gì đó mà vợ không bao giờ lấy được chồng nữa đâu… Số con Mai chắc vậy đó!

Có lần về thăm nhà, tôi với chị lại ra bến sông ngồi, tôi hỏi:

- Chị còn nhớ anh Thành hả? Sao không lấy chồng, rồi sinh con? Sau này chị già…

Chị nói nhẹ nhàng như gió:

- Chị lấy chồng khác rồi sinh con làm sao giống cu Bi với anh Thành được.

Tôi cười buồn.

Rồi chị kể cho tôi và con sông nghe:

- Hồi đó, lúc thầy nói không hợp tuổi, thiệt ra anh chị cũng đi hỏi lung tung. Có người chỉ cách làm phép để hóa giải số mệnh là anh chị phải đứng ở hai đầu cầu rồi hai người làm như không quen biết đi đến giữa cầu, nắm lấy tay nhau coi như làm quen, như vậy sẽ được ăn đời ở kiếp! Chị còn nhớ lúc đứng ở giữa cầu, anh Thành nói giỡn: “Mai ơi, sau này có gì cũng đừng coi anh như người không quen biết nha!”. Chị cúi xuống nhìn sông rồi nói: “Dạ, ông thần sông làm chứng giùm con nghen!”.

Lời hẹn thề của anh chị vọng xuống dưới đáy sông. Con sông quê tôi cứ chảy hiền hòa vậy, gìn giữ biết bao lời thề, chứng kiến biết bao nỗi buồn vui, ly biệt, xoa dịu những đau đớn ở những năm tháng trẻ trung tươi đẹp của chị tôi. Và đã nhiều lần, tôi biết đã nhiều lần, vì thương tôi, thương ba mẹ với anh Thành mà con sông ngăn cản không cho chị Mai về thăm nhà của nó...

08sGooT4.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 ra ngày 1/10/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN THỊ HẠNH THUẦN (Bình Thuận)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên