13/10/2015 05:06 GMT+7

Nobel kinh tế tôn vinh nghiên cứu giảm nghèo

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)

TT - Giải Nobel kinh tế 2015 được trao cho nhà kinh tế học có công tìm ra các mối liên hệ giữa chính sách kinh tế thúc đẩy phúc lợi xã hội và giảm nghèo đói.

Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Anh Angus Deaton được trao giải Nobel kinh tế năm 2015 - Ảnh: AFP
Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Anh Angus Deaton được trao giải Nobel kinh tế năm 2015 - Ảnh: AFP

Những gì chúng ta thấy ngày nay là hệ quả của một thế kỷ phát triển bất bình đẳng trong một thế giới giàu có đã bỏ rơi rất nhiều người ở phía sau mình. Những người hiện rời bỏ quê hương đều mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn và lại càng gây sức ép to lớn ở biên giới của thế giới giàu và thế giới nghèo. Trong ngắn hạn, chỉ có sự ổn định trong tình hình bất ổn chính trị của những khu vực xung đột mới có thể giải quyết được tình trạng bất ổn này

GS Angus Deaton nói về cuộc khủng hoảng di dân hiện tại ở châu Âu

Hôm qua, Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển (RSAC) đã quyết định trao giải Nobel kinh tế cho nhà kinh tế học người Mỹ gốc Anh Angus Deaton với công trình phân tích về tiêu dùng, sự nghèo đói và phúc lợi xã hội.

Ủy ban trao giải Nobel nhấn mạnh bằng việc chỉ ra các mối liên hệ giữa những quyết định tiêu dùng cá nhân và những tác động đến toàn nền kinh tế, công trình của Deaton đã giúp làm biến đổi nền kinh tế vi mô, vĩ mô và những nền kinh tế phát triển.

Giáo sư Angus Deaton - 69 tuổi, sinh ở Edinburgh và có cả quốc tịch Anh lẫn Mỹ - là giáo sư kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Trường Woodrow Wilson ở Princeton (Mỹ) từ năm 1983. Hiện ông đang nghiên cứu về y tế, phúc lợi xã hội và sự phát triển kinh tế.

Giúp hoạch định chính sách

RSAC nhấn mạnh công trình nghiên cứu của giáo sư Deaton đã có tác động đáng kể đến việc ra chính sách, hỗ trợ điển hình trong quyết định nhóm xã hội nào đang bị thuế giá trị gia tăng áp trên thực phẩm gây ảnh hưởng.

Ông xoáy vào việc dùng dữ liệu nghiên cứu hộ gia đình ở các nước đang phát triển, nhất là các dữ liệu về tiêu dùng, dữ liệu đo tiêu chuẩn sống và sự nghèo đói.

Giáo sư Deaton được vinh danh nhờ ba thành tựu, đó là hệ thống ước tính nhu cầu đối với những loại hàng hóa khác nhau do ông phối hợp cùng đồng nghiệp John Muellbauer phát triển năm 1980. Thứ hai là các nghiên cứu mối liên hệ giữa tiêu dùng và thu nhập do ông thực hiện năm 1990.

Cuối cùng là công trình đo lường các tiêu chuẩn sống và sự nghèo đói ở các nước đang phát triển mà ông đã hoàn thành sau đó vài chục năm thông qua các cuộc nghiên cứu hộ gia đình.

“Để viết ra chính sách kinh tế thúc đẩy phúc lợi xã hội và giảm nghèo đói, trước tiên chúng ta phải hiểu những lựa chọn tiêu dùng cá nhân. Hơn bất kỳ người nào khác, Angus Deaton đã nêu bật được sự hiểu biết này” - Ủy ban trao giải Nobel nhấn mạnh.

Nạn nghèo đói vẫn rất nghiêm trọng

Giáo sư Deaton nhấn mạnh nạn nghèo đói vẫn còn rất tồi tệ vì hiện có số lượng rất lớn người trên toàn thế giới đang sống trong đói nghèo và vẫn còn những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tồn tại ở người trưởng thành và trẻ nhỏ.

“Tôi lạc quan, nhưng tôi không muốn trở thành người lạc quan mù quáng. Mọi thứ vẫn đang rất tồi tệ” - giáo sư Deaton trả lời sau khi biết tin được trao giải Nobel. Giáo sư Deaton cho rằng giảm được nạn nghèo đói ở các nước nghèo tất yếu sẽ giải quyết được vấn nạn di cư hiện nay. Song để làm được điều này cần có thời gian rất dài.

RSAC khẳng định công trình nghiên cứu của giáo sư Deaton thể hiện qua “Hệ thống nhu cầu lý tưởng”. Công trình này đã tạo ra đóng góp lớn trong việc theo dõi những sự thay đổi của thuế làm thay đổi sự tiêu dùng của các loại hàng hóa khác nhau.

Ông giải quyết được vấn đề bằng thuyết “Nghịch lý của Deaton” khi dữ liệu cho thấy các mức tiêu dùng chỉ thay đổi một cách rất “êm ái”, ngay cả khi xuất hiện những thay đổi bất ngờ đối với thu nhập. Giải pháp của Deaton là nghiên cứu thu nhập và tiêu dùng của cá nhân chứ không phải thu nhập trung bình của từng người.

Ông cũng mở đường trong việc sử dụng dữ liệu kinh tế ở mức cá nhân và định hình lại cách ước tính sự nghèo đói. Nghiên cứu của ông cũng xoáy sâu vào “bẫy nghèo đói”, về câu hỏi liệu con người nghèo vì họ đói và không đủ sức làm việc hay họ đói vì nghèo.

Theo RSAC, vấn đề “bẫy nghèo đói” là vấn đề quan trọng trong quá trình thiết kế chính sách hỗ trợ của quốc tế đối với các nước nghèo nhất.

3 câu hỏi căn bản

Ông Deaton đã đặt ra ba câu hỏi căn bản: người tiêu thụ phân chia cách xài tiền của mình như thế nào? Xã hội tiêu thụ và tích lũy được bao nhiêu? Và làm sao đo lường được phúc lợi của cá nhân?

Những câu hỏi này đã buộc ông tiến hành phân tích kỹ những vấn đề như mối quan hệ giữa thu nhập và số lượng calori tiêu thụ của cá nhân và mức độ của sự phân biệt giữa các thành phần giới tính trong nội bộ gia đình.

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên