12/11/2018 10:24 GMT+7

Nở rộ mua bán đại học​

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Hàng loạt tập đoàn, công ty liên tiếp mua lại nhiều trường đại học thời gian gần đây. Tuy pháp luật không cấm nhưng có nhiều ý kiến trái chiều về thực tế này.

Nở rộ mua bán đại học​ - Ảnh 1.

Số lượng trường đại học đã bán những năm gần đây - Đồ họa: N.KH.

Đó là vụ chuyển nhượng Trường ĐH Gia Định, TP.HCM năm 2018, một thương vụ gay cấn với ít nhất 4 nhà đầu tư và phần thắng cuối cùng thuộc về Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng.

Chiến thắng này của Tập đoàn Nguyễn Hoàng đồng nghĩa với thất bại của ít nhất 3 đối trọng "sừng sỏ" khác trong các cuộc thương thảo trước đó, trong đó có một công ty đã sở hữu nhiều hơn một trường đại học (ĐH).

Gay cấn

Một người tham gia thương vụ này cho biết có ít nhất 4 đối tác đã trực tiếp gặp và thương thảo với Trường ĐH Gia Định. Lúc này, Trường ĐH Gia Định có 2 cổ đông lớn nắm giữ 80% và 20% cổ phần. Có lúc tưởng chừng trường ĐH này đã được quyết định bán cho đối tác khác chứ không phải Nguyễn Hoàng.

Thời điểm đó, cổ đông nắm giữ 20% không đồng ý bán, cổ đông nắm giữ 80% chỉ đồng ý bán 70%. Đó là những khúc mắc dẫn đến sự dùng dằng và sau đó Nguyễn Hoàng là người mua lại, nắm quyền kiểm soát trường ĐH này.

Tiếp sau ĐH Gia Định, Nguyễn Hoàng hoàn tất việc mua lại phần lớn cổ phần của Trường ĐH Hoa Sen để nắm quyền điều hành trường này. Ngày 30-10-2018, Trường ĐH Hoa Sen tổ chức đại hội cổ đông bất thường bầu bổ sung 6 thành viên hội đồng quản trị mới, tất cả đều đại diện cho Nguyễn Hoàng. Đây là thương vụ mới nhất giúp Nguyễn Hoàng nắm quyền kiểm soát ĐH Hoa Sen.

Nở rộ mua bán đại học​ - Ảnh 2.

Trường ĐH Hoa Sen là cơ sở giáo dục mới nhất đổi chủ sở hữu - Ảnh: M.G.

Chỉ trong năm 2018, tập đoàn này đã thâu tóm hai trường ĐH tại TP.HCM. Trước đó, Nguyễn Hoàng hoàn tất việc mua lại và là cổ đông duy nhất tại hai trường ĐH khác là ĐH quốc tế Hồng Bàng năm 2015 và ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2016. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, đây là đơn vị sở hữu cùng lúc nhiều trường ĐH nhất tại Việt Nam.

Không chỉ Gia Định hay Hồng Bàng, nhiều thương vụ mua bán ĐH khác cũng chứng kiến cảnh nhiều nhà đầu tư đang sở hữu nhiều trường ĐH, CĐ cùng xúc tiến việc mua bán.

Chẳng hạn như việc mua lại Trường ĐH Phú Xuân (Huế) năm 2018, có hai đối tác (đều đang sở hữu hệ thống nhiều trường CĐ) cùng thương thảo để trở thành đối tác đầu tư chiến lược vào trường này.

Cuối cùng, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) đã thành công trong việc kiểm soát ĐH Phú Xuân. Trước đó, năm 2017, IAE liên doanh với Công ty cổ phần Vicostone mua lại Trường ĐH Thành Tây (Hà Nội), nhưng sau đó đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Vicostone.

Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho biết hiện có nhiều đối tác - hầu hết đều đang sở hữu các trường ĐH, CĐ khác ở TP.HCM - tiếp xúc với một số trường ĐH tại Đồng Nai, Bình Dương để mua lại, bởi ở TP.HCM hầu hết trường ĐH tư thục đã được chuyển nhượng cho các đối tác có tiềm lực tài chính mạnh.

Trước đó, hàng loạt trường ĐH khác cũng được bán cho các nhà đầu tư mới như Tập đoàn Thành Thành Công mua ĐH Yersin (Lâm Đồng) năm 2016, Tập đoàn Hoàn Cầu mua ĐH Quang Trung (Bình Định) năm 2015. Năm 2013, Trường ĐH Phan Thiết, Thái Bình Dương cũng chính thức có chủ mới.

Mua đại học: nhanh và rẻ

Theo các chuyên gia, trong gần 10 năm qua, các điều kiện thành lập trường ĐH ngày càng siết chặt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc mua bán trường diễn ra cấp tập. Đó là chưa kể quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 của Chính phủ năm 2013 cũng nêu rõ không thành lập mới trường ĐH tại Hà Nội và TP.HCM.

Điều này khiến các chủ đầu tư mới không mặn mà với việc thành lập mới vì các điều kiện về vốn, đất đai, đội ngũ, trong khi thời gian thành lập một trường ĐH cũng mất vài năm.

Theo quyết định 07 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện thành lập ĐH, trường ĐH tư thục phải có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, không quy định giá trị đầu tư tại thời điểm thẩm định.

Đến quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013, trường ĐH tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu 250 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng phân hiệu). Trong khi đó, nghị định 46 năm 2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đối với trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu 1.000 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường)…

Một chủ đầu tư cho biết dù đã có quyết định về mặt chủ trương cho phép thành lập trường ĐH trong hai năm qua, nhiều cuộc thẩm định về cơ sở vật chất, đội ngũ, đất đai đã được tiến hành, chủ đầu tư cũng nỗ lực đáp ứng các điều kiện, nhưng đến nay việc thành lập vẫn chưa được quyết định.

"Thực tế các trường ĐH được bán trong thời gian 5 năm trở lại đây dao động từ 100 đến hơn 500 tỉ đồng, vẫn thấp hơn nhiều so với vốn điều lệ bắt buộc khi thành lập mới. Vì lỡ đầu tư theo phương án này để xây dựng trường đặc thù, nếu không tôi đã chọn phương án mua lại trường sẽ ít chi phí hơn, đi vào hoạt động ngay" - vị này nói.

Sau khi mua họ sẽ làm gì?

Theo TS Đàm Quang Minh (đại diện IAE), các quy định về thành lập mới trường ĐH hiện nay rất ngặt nghèo, nên việc nhà đầu tư chọn phương án mua lại trường ĐH sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Dĩ nhiên việc mua bán ĐH sẽ khó hơn rất nhiều so với việc mua lại một doanh nghiệp. Ở nhiều nước cũng có việc các tập đoàn sở hữu nhiều trường ĐH.

Pháp luật hiện không có quy định nào cấm các tập đoàn sở hữu nhiều trường ĐH. Do đó, việc họ mua và sở hữu nhiều trường là điều bình thường, không vấn đề gì. Điều quan trọng là sau khi mua họ sẽ làm gì với trường. Đó là bài toán kinh doanh đầu tư nên người ngoài không biết được.

ĐH Hoa Sen lại đại hội cổ đông bất thường ĐH Hoa Sen lại đại hội cổ đông bất thường

TTO - Sáng 30-10, Trường ĐH Hoa Sen tổ chức đại hội cổ công bất thường năm 2018 sau khi Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng mua lại cổ phần.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên