Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - bí thư Thành ủy TP.HCM - Ảnh: TLQH
Không thể có đại học vô chủ, rất nguy hiểm. Đại học phải có chủ, người chủ phải làm đúng quyền của mình
Đại biểu NGUYỄN THIỆN NHÂN - bí thư Thành ủy TP.HCM
Đồng tình với nhiều nội dung sửa đổi của Luật giáo dục đại học sửa đổi, nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần bổ sung làm rõ thêm một số điều trong dự thảo luật.
Cần quy định rõ chủ sở hữu
Cụ thể, ông kiến nghị sửa đổi điều 7 dự thảo luật quy định cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước đầu tư, bảo đảm kinh phí hoạt động. Theo đó, quy định như vậy chưa rõ, cần quy định cơ sở giáo dục đại học do nhà nước là chủ sở hữu, đầu tư và đảm bảo hoạt động.
"Chữ "sở hữu" rất quan trọng, chủ sở hữu là người đề xuất, đầu tư cho đại học phát triển, nhưng phải là người có quyền quyết định nhân sự các trường đại học. Chủ sở hữu mà không quyết định nhân sự, nhân sự đó vận hành đại học theo hướng khác. Vì vậy nên có khái niệm chủ sở hữu trong luật" - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân góp ý.
Đối với cơ sở đại học tư thục cũng vậy, do cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước là chủ sở hữu, đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ sở hữu đại học có 4 quyền: quyền thành lập, đầu tư, quyết định nhân sự, và quyền xử lý chế tài các cơ sở đại học khi vi phạm pháp luật.
"Nếu không làm rõ cái này sẽ thấy đại học như không có chủ, rất nguy hiểm. Không thể có đại học vô chủ. Đại học phải có chủ, người chủ phải làm đúng quyền của mình" - ông Nhân nói.
"Về hội đồng trường, dự thảo luật ghi rõ hội đồng trường đại học công lập là tổ chức đại diện cho quyền chủ sở hữu nhà nước. Vì vậy, cần phải xác định ai đại diện chủ sở hữu nhà nước để họ quản lý, giám sát các trường đại học, tôi đề nghị bổ sung".
Góp ý cho điều 32 dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị quy định rõ các cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm giải trình trước chủ sở hữu, trước người học, trước xã hội và các cơ quan liên quan.
Quy định vậy mới có cơ chế giám sát hoạt động các cơ sở đại học từ trong ra ngoài.
Tăng tính tự chủ cho các đại học
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nói việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở đại học rất quan trọng, giúp phát triển các cơ sở đại học theo hướng sáng tạo, tạo cạnh tranh, huy động sự đóng góp xã hội, hạn chế tình trạng dựa dẫm vào nhà nước.
Tuy nhiên, nữ đại biểu này cũng bày tỏ lo ngại.
"Việc tự chủ sẽ dẫn tới chỉ tiêu đào tạo, các loại hình đào tạo sẽ do các trường tự quyết định, tín hiệu tích cực là các ngành đào tạo sẽ gắn với thị trường lao động. Nhưng trong thời gian bắt đầu thực hiện tự chủ, một số trường sẽ lúng túng khi thiếu vắng vai trò điều tiết của Nhà nước, thiếu sự kết nối giữa các trường, nhiều ngành nghề đào tạo không cân đối, dẫn tới lệch pha cung cầu trong lao động", bà nói.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nêu dẫn chứng cả nước hiện có khoảng 200.000 sinh viên đào tạo ra chưa có việc làm, trong đó khoảng 126.000 có trình độ đại học, 70.800 có trình độ cao đẳng trở lên. Nên trong thời gian đầu tự chủ có thể dẫn tới thừa lao động tại một số ngành, nhưng một số ngành khác lại thiếu lao động.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết việc sửa đổi luật xoay quanh 4 nguyên tắc phù hợp quy định quốc tế, tăng tự chủ, tạo sự cạnh tranh trong hệ thống giáo dục đại học và không làm xáo trộn hệ thống.
Vị này cũng cho biết việc tự chủ của các đại học chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện, và phải có kiểm định rõ ràng của cơ quan chức năng. Về quy định trao quyền tự chủ, cơ quan soạn thảo sẽ lưu ý vấn đề chủ sở hữu đối với các trường.
Và nếu dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi được Quốc hội thông qua, các cơ sở đại học sẽ tự chủ về 3 lĩnh vực chuyên môn, nhân sự và tài chính tài sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận