Bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sáng 5-9 - Ảnh: Hữu Khoa |
TP. Hồ Chí Minh: Bí thư Thành ủy đánh trống khai giảng năm học mới
Sáng 5-9, ông Lê Thanh Hải - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM đã đến dự lễ khai giảng và tuyên dương khen thưởng học sinh xuất sắc năm học 2015-2016 của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hải cho biết rất vui được biết học sinh của trường không chỉ học giỏi mà còn, hát hay, chơi thể thao tốt, tích cực hưởng ứng nhiều hoạt động xã hội sôi nổi. Điều đó thể hiện nhà trường không chỉ quan tâm dạy chữ mà còn coi trọng việc dạy làm người.
"Lứa tuổi học sinh là thời kỳ thật đẹp trong mỗi đời người. Các em hãy bắt đầu năm học mới với niềm hứng khởi say mê, niềm tự hào được học tập rèn luyện dưới mái trường đẹp, cổ kính với bề dầy truyền thống vẻ vang...
Các em hãy sống những ngày đẹp nhất, chủ động tiếp thu kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành xã hội, làm giàu hành trang vào đời, trở thành những công dân có ích cho TP, cho đất nước" - Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải nhắn nhủ.
Cũng tại lễ khai giảng, 643 học sinh vừa trúng tuyển vào lớp 10 của trường đã ra mắt trước toàn thể các thầy cô và anh chị các khối lớp trên.
Dịp này 69 học sinh đạt giải cao tại kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào đại học cao đẳng, học sinh có thành tích tốt trong kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia... đã được tuyên dương.
Trước đó, nghi thức dâng hoa lên tượng đài cố tổng Bí thư Lê Hồng Phong cũng đã diễn ra.
Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải đã đánh hồi trống khai trường khi nhiều chùm bóng bay được các em học sinh thả lên bầu trời gửi theo mong muốn về một năm học nhiều niềm vui, nhiều thành công.
Học sinh trường Lê Hồng Phong nhộn nhịp trong lễ khai giảng sáng 5-9 - Ảnh: Hữu Khoa |
Tại trường PTTH Gia Định, P. 17 Q. Bình Thạnh, lễ khai giảng có sự tham dự của ông Lê Hoàng Quân - Ủy Viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Quân đã đánh trống khai trường, tặng cờ thi đua cho nhà trường và trao phần thưởng cho các em học sinh đậu điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH và ĐH của trường trong năm học vừa qua.
Trong không khí nô nức của giáo viên và học sinh ngày khai trường, Chủ tịch UBND TP chúc ngôi trường giàu truyền thống này có số học sinh đậu thủ khoa đại học tăng gấp đôi trong năm học mới.
Ông Lê Hoàng Quân - Ủy Viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, đến dự lễ khai giảng tại trường PTTH Gia Định, P. 17 Q. Bình Thạnh và khen thưởng các em học sinh đậu điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH của trường - Ảnh: D.N.Hà |
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đã đến dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Trường Chinh, P.Tân Hưng Thuận, Q.12.
Tại đây, ông Thưởng thực hiện nghi thức đánh trống khai giảng và cùng thầy cô các em học sinh thả bóng bay chúc mừng năm học mới đến hơn 2.200 học sinh của trường, đồng thời thay mặt lãnh đạo TP trao huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước cho nhà trường.
Ông Võ Văn Thưởng đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Trường Chinh - Ảnh: Q.Khải |
Cũng trong buổi lễ khai giảng năm học mới, trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì những thành tích trong công tác giáo dục từ năm học 2009-2010 đến năm học 2013-2014. Đến dự buổi lễ có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND thành phố.
Ông Lê Văn Phước - hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu, cho biết trong những năm qua trường đã vinh dự đón nhận các bằng khen, giấy khen của Thủ tướng và của thành phố. Học sinh của trường có nhiều thành tích học tập xuất sắc, tỷ lệ đậu đại học cao đẳng hơn 90%, 52 học sinh giỏi cấp thành phố và Olympic...
“Huân chương này sẽ góp phần cổ vũ tinh thần dạy và học của tập thể thầy cô, học sinh trường chúng tôi” - ông nói.
Theo ông Phước, năm học 2015-2016, trường sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nâng cao chất lượng dạy và học. Ông cũng dặn dò học sinh lớp 10 mới bước vào trường cố gắng học tập, học sinh khối lớp 11 và 12 chủ động tiếp thu kiến thức và kỹ năng.
Trong buổi lễ khai giảng, toàn bộ giáo viên và học sinh của trường đã cùng hát bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” - người nữ anh hùng mà trường đã vinh dự được mang tên. Đây là giây phút xúc động nhất của buổi lễ khai giảng và là truyền thống của trường nhiều năm qua.
Sau đó, giáo viên chủ nhiệm của các lớp 10 được đọc tên để nhận lớp, xen trong những tràng pháo tay của các em. Sau khi hiệu trưởng trường tuyên bố khai giảng, các tiết mục văn nghệ được tiếp nối.
Em Ngọc Thảo, học sinh lớp 11A2, chia sẻ: “Ngày khai giảng năm nay, em cảm nhận được không khí háo hức khi cả nước đồng loạt khai giảng. Năm học này em sẽ cố gắng học tốt hơn nữa”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND thành phố, đến dự lễ khai giảng tại Trường THPT Võ Thị Sáu sáng 5-9. Dịp này, nhà trường đón nhận huân chương lao động hạng Ba - Ảnh: Thanh Tùng |
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đã đến chung vui cùng với gần 2.000 học sinh của trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới và khánh thành khu hành chính và cải tạo phòng học của trường (công trình có tổng kinh phí hơn 26 tỉ đồng).
Ông Nguyễn Thành Phong (thứ hai từ phải sang) tại buổi lễ khai giảng, khánh thành - Ảnh: Nguyễn Phượng |
Tại trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, đông đảo phụ huynh đưa con tới trường. Có em chưa kịp ăn sáng, cầm vội ổ bánh mì mẹ đưa. Bảo vệ và lực lượng dân phòng cũng có mặt từ sớm để giữ trật tự trước cổng trường.
Tại trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, học sinh đứng thành từng cụm phía trước và trong sân trường. Trong niềm vui gặp lại bạn bè và tâm trạng bắt đầu năm học mới, Ngọc Thảo, học sinh lớp 11A2 cười tươi: “Sáng em dậy lúc 5g30, ăn uống thay đồ xong, mẹ chở em từ nhà ở quận Thủ Đức lên đây”.
Còn Ngọc Hương tỏ ra rất vui vì năm ngoái em bệnh không dự lễ khai giảng được, xem như năm nay là lễ khai giảng đầu tiên em dự ở năm học mới.
Các học sinh cho biết trước đó vài ngày, các em đã có buổi tập xếp hàng, nghi thức chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Một số phụ huynh đưa con đến trường, khi được hỏi cho biết họ cũng thấy hài lòng khi con mình khai giảng đúng ngày. Bà Trần Lê Ánh Tuyết có con gái đang học lớp 12 trường này, nói: “Ít ra trường cũng phải tổ chức đúng ngày. Mình người lớn không cảm thấy gì vì qua tuổi học hành lâu rồi, nhưng con nít nó có một ngày vui”.
Phụ huynh đưa con đến sớm còn để tránh nỗi lo kẹt xe. Vì tất cả các trường trong thành phố khai giảng cùng ngày nên sáng sớm đường đã bắt đầu đông.
Niềm vui ngày khai trường của học sinh trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) - Ảnh: Yến Trinh |
Quang cảnh buổi lễ khai giảng ở trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) - Ảnh: Yến Trinh |
Từ 6g sáng, tại Trường tiểu học Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM nhiều phụ huynh đưa con em tới trường dự lễ khai giảng. Vì là một trong những điểm trường vùng sâu vùng xa của huyện Bình Chánh nên việc đi lại ở đây còn khó khăn. Nhiều học sinh phải dậy sớm đi bộ tới trường, một số còn phải đi qua đò ngang để đến trường. Tuy nhiên, các em đều rất vui, trò chuyện rôm rả với bạn bè.
Bé Trúc Linh hớn hở chia sẻ: “Năm nay con học lớp 1, sáng ba đưa con đi. Gặp bạn bè, cô giáo con vui lắm!”.
Đưa cháu tới trường, bà Nguyễn Thị Năm chia sẻ: “Nhà có đứa cháu nào là tôi đưa nó đi khai giảng hết ráo. Mà năm nào đưa đi cũng thấy khoái”.
9g, sau khi kết thúc phần lễ, Trường tiểu học Bình Lợi đã tổ chức phần hội cho các em học sinh với cách trò chơi dân gian, các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Các hoạt động này do chi đoàn giáo viên tổ chức. Không khí tại sân trường rất sôi động, các em tỏ rất hiếu động và vui thích với các trò chơi.
Thầy Hà Ngọc Hóa - hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay trường trích tiền ngân sách và vận động phụ huynh được 80 triệu để xây dựng mái che cho học sinh. Đây năm đầu tiên nhà trường khai giảng dưới mái che nên các em được vui đùa thỏa thích. Nhờ có mái che nên phần hội năm nay được kéo dài hơn so với những năm trước đây”.
Bà Năm và cháu ngoại hào hứng đi dự khai giảng - Ảnh: Hải Quân |
Niềm vui của học sinh Trường tiểu học Bình Lợi sau khi hiệu trưởng nhà trường đánh hồi trống khai trường - Ảnh: Hải Quân |
Tại Trường Tiểu học Tân Quy, Quận 7, TP.HCM, mặc dù chỉ có vỏn vẹn 10 lớp học nhưng ngày khai giảng ở đây nô nức tiếng cười nói của học sinh.
Không rộn rã với đông đảo học sinh, giáo viên hay băng rôn, cờ hoa nhưng mái trường này lại đầy ắp tiếng cười.
Gần 6g sáng, một số học sinh tới sớm đã biết phụ cô giáo trang trí sân khấu, quét dọn khuôn viên nhà trường. Nhiều em học sinh được ba mẹ tranh thủ đưa tới sớm để phụ huynh đi làm cho kịp. Có học sinh mới lớp 3, lớp 4 đã biết đi xe đạp tới trường, tay dắt xe, tay chỉnh lại áo trắng cho tươm tất.
Nguyễn Thị Trúc Ly (học sinh lớp 4) cười nói: “Khai giảng năm con lớp 3, con cũng quét sân trường như thế này, con thích khai giảng lắm vì ngày khai giảng rất vui”.
Ít lớp, ít cô nên trò nào cũng vanh vách tên nhau. “Ngày thường em này ít nói nè!”, “Kia là thầy dạy võ của con”, “cô giáo cũ của con là cô xinh xinh kia nè”… Có em cười vang khi cùng nhau rượt đuổi trong sân trường, cũng có bé học lớp 4 òa khóc vì… “con nghỉ học mấy ngày về quê, giờ sợ các bạn không chơi với con nữa”.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Quy, Quận 7, TP.HCM nô đùa trước giờ khai giảng. Ảnh - Hồng Nguyên |
Sáng sớm 5-9 hòa cùng không khí cả nước, trường Tiểu học Thạnh An, xã đảo Thạnh An, H.Cần Giờ đã tổ chức buổi lễ khai giảng năm học mới. Là một xã đảo nên việc đi lại và điều kiện học tập của các em vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên Ban giám hiệu nhà trường đã cố gắng để có một buổi lễ khai giảng trọn vẹn nhất cho các em.
Các em nhỏ háo hức dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho lễ khai giảng và bắt đầu một năm học mới.
Các em tại xã đảo Thạnh An trong ngày khai giảng - Ảnh: Lê Phan |
Trong khi đó, phụ huynh, học sinh xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, cũng nô nức đến dự lễ khai giảng năm học mới, đồng thời cũng là lễ khánh thành Trường Tiểu học Võ Văn Thặng.
Nhiều học sinh dậy sớm đi bộ đến trường vì ba mẹ bận làm việc. Em Nguyễn Thị Thanh Hằng, học sinh lớp 5B khoe: "Em đã học ở trường này 4 năm, năm nay lớp 5 trường mới xây xong. Trường to và đẹp, sạch sẽ, có nhiều máy quạt và đèn chiếu sáng. Nhà ăn cũng to, có sân trường to, có sân tập thể dục…Em đã đến trường từ 6g sáng và đi thăm thú mọi nơi trong trường. Đây là lễ khai giảng hoành tráng nhất của em từ trước đến nay, năm học mới được học ở trường lớp mới em vui lắm".
Học sinh Trường Tiểu học Võ Văn Thặng hào hứng trong lễ khai giảng tại ngôi trường mới - Ảnh: Thục Trinh |
Sáng 5-9, bà Nguyễn Thị Thu Hà - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đến dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1.
Buổi lễ trang trọng nhưng diễn ra nhanh gọn, bà Nguyễn Thị Thu Hà đại diện đánh trống khai giảng năm học mới trước sự hân hoan chào đón của rất đông học sinh. Dịp này, Trường THPT Lương Thế Vinh cũng vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước.
Sau buổi lễ, học sinh của trường được tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí như biểu diễn võ cổ truyền, đọc sách, triển lãm ảnh biển đảo quê hương, đánh cờ…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà trao Huân chương Lao động hạng ba cho Trường THPT Lương Thế Vinh - Ảnh: Sơn Bình |
Lễ khai giảng với chủ để “Tổ quốc và mẹ” Không giống như những trường khác, lễ khai giảng ở Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM có chủ đề: “Tổ quốc và mẹ”. Vì vậy, sân khấu được thiết kế với hình ảnh tổ quốc nơi đầu sóng và mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ với hai câu thơ: Núi non xa ngàn dặm/Lòng mẹ trải trăm phương. Hành lang sân lễ cũng là hình ảnh những người mẹ gắn liền với đất nước từ thuở khai hoang mở cõi như truyền thuyết Âu Cơ, người mẹ trong truyện cổ tích Hòn Vọng Phu, bà mẹ Thứ chèo đò, tiễn con trong kháng chiến chống Mỹ; hình ảnh người mẹ trong thời bình từ lúc mang thai cho đến lúc sinh con, nuôi con trưởng thành.
Lễ khai giảng ở Trường Nhân Việt vẫn có những nghi lễ truyền thống (như đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng cũng đọc diễn văn khai giảng,…) nhưng ấn tượng và xúc động nhất là hoạt cảnh “Tổ Quốc và Mẹ”. |
Hà Nội: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khai giảng năm học mới
Sau bài phát biểu ngắn gọn chưa đầy 5 phút nêu bật những thành tựu của ngành giáo dục trong năm học vừa qua và những kỳ vọng trong năm học tới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã đánh trống khai giảng năm học 2015-2016 tại Trường tiểu học Nam Từ Liêm (Quận Nam Từ Liêm - Hà Nội).
Buổi lễ diễn ra đơn giản nhưng trang trọng và kéo dài chưa đến 1 tiếng đồng hồ. Các em học sinh mặc đồng phục trắng, đội mũ ca-lô trắng ngồi giữa sân trường có căng bạt chống nắng. Sau phần phát biểu ngắn gọn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và lãnh đạo nhà trường, các em bước vào phần hội với các tiết mục văn nghệ của giáo viên và học sinh nhà trường.
Kết thúc buổi lễ, tất cả học sinh đứng dậy cùng hát vang và nhảy múa trên nền nhạc bài hát "lời chào của em" một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Nam Từ Liêm - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Các em học sinh mặc đồng phục trắng dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Nam Từ Liêm - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Lễ khai giảng năm học mới diễn ra tại Hà Nội với 1,7 triệu học sinh các cấp không xảy ra tắc đường khi lực lượng công an, dân phòng, sinh viên tình nguyện được rải ra ở tất cả các khu vực có trường học.
Hình ảnh các phụ huynh dắt tay các bé tiểu học trong bộ đồng phục mới, những tốp nam nữ sinh áo trắng chạy xe đạp đến trường trong sớm mùa thu mang lại cảm giác yên bình hơn. Không ít người dân đi ngang qua cổng trường dừng chân rưng rưng trước không khí khai trường thiêng liêng.
Ngày khai trường năm nay có phần đặc biệt hơn vì mục đích “vì học sinh, hướng đến học sinh” của tất cả các nhà trường. Hầu hết các trường tiểu học không còn tình trạng luyện tập khai giảng và bắt học sinh xếp hàng từ sớm ngoài hè đường, trước cổng trường để đón khách mời…
Ở trường PTDL Lương Thế Vinh, các em học sinh có mặt từ 6g30 phút sáng nhưng không xếp hàng, không căng thẳng với những khẩu lệnh. Từng tốp học sinh túm tụm trò chuyện. Những học sinh lớp 6 được các thầy, cô chủ nhiệm đón từ cổng để dặn dò.
Lễ khai trường diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ, trong đó sau lễ chào cờ, ngoài bài phát biểu, trò chuyện, căn dặn của hiệu trưởng, các nội dung khác đều dành cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú cho biết lễ khai giảng chủ yếu dành nhiều thời gian để phần biểu dương những học sinh có kết quả đầu vào cao của khối 10, thành tích xuất sắc của khối 11, 12, tôn vinh các học sinh có kết quả cao trong kì thi THPT vừa qua và tổ chức các hoạt động vui tươi do chính các em học sinh thể hiện.
Múa dân vũ, nhảy fashmod là những hoạt động tập thể 100% học sinh cùng tham gia ở nhiều trường từ tiểu học đến THPT. Ở một số trường, thầy, cô giáo cũng cùng học sinh nhảy, múa tập thể.
Theo quan sát của Tuổi Trẻ, bài phát biểu của nhiều thầy, cô hiệu trưởng năm nay cũng thay đổi, những nội dung liệt kê thành tích đã giảm bớt hoặc không xuất hiện, thay vào đó là những lời tâm sự, dặn dò chân tình với học trò.
“Bên cạnh những niềm vui, đôi lúc thầy cũng thoáng thấy những hiện tượng đáng buồn. Đó là khi trông thấy em nào vô tư vứt rác không đúng chỗ….”, đây là lời trò chuyện của PGS Văn Như Cương với học sinh tại lễ khai trường. Những tâm sự không màng màu sắc của đại lễ nhưng lại gần với học trò và khiến các em lắng nghe.
Một học sinh được bạn cõng đến trường trong lễ khai giảng tại trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - Ảnh: Vĩnh Hà |
Học sinh lớp 10 trường THPT Phan Huy Chú nhảy fashmod trong ngày khai giảng - Ảnh: Vĩnh Hà |
Tại khu vực ngoại thành Hà Nội, từ 6g sáng học sinh đã nô nức tới trường chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Ghi nhận tại trường THCS Phù Lưu (xã Phù Lưu, huyện Ứng Hoà), việc tổ chức buổi khai giảng khá gọn nhẹ. Thầy Dư Tất Đạt - hiệu trưởng trường THCS Phù Lưu, cho biết toàn trường có 212 học sinh nên việc tổ chức khai giảng chỉ diễn ra trong khoảng một tiếng đồng hồ. Riêng thời gian làm lễ rút ngắn dưới 30 phút, còn lại là các tiết mục biểu diễn của thầy cô trong trường.
Học sinh trường THCS Phù Lưu tiến hành nghi thức chào cờ - Ảnh: Tiến Thành |
Kiên Giang: Ông Lê Hồng Anh đánh trống khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực
Tại Kiên Giang, ông Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới 2015-2016 tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Đây là một trong những ngôi trường trung học lâu đời nhất của tỉnh với lịch sử hình thành và phát triển trên 60 năm.
Phát biểu trước giáo viên và gần 2.000 học sinh của nhà trường, ông Lê Hồng Anh biểu dương thành tích dạy và học của trường Nguyễn Trung Trực trong những năm vừa qua.
Ông cũng đề nghị tập thể thầy cô giáo Trường THPT Nguyễn Trung Trực cùng với ngành giáo dục cả nước thực hiện cho được mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Nhân dịp khai giảng năm học mới, ông Lê Hồng Anh đã trao tặng 300 triệu đồng cho Trường THPT Nguyễn Trung Trực để nhà trường tổ chức khen thưởng cho các em học sinh đạt thành tích giỏi, xuất sắc trong năm học 2015-2016.
“300 triệu đồng sẽ đủ khen thưởng cho 300 cháu, nhưng trường ta có tới trên 1.900 cháu và nếu các cháu phấn đấu học tốt hơn, thành tích tốt hơn, nhiều cháu giỏi, xuất sắc hơn nữa thì bác sẽ thưởng thêm”, ông Lê Hồng Anh nói.
Cũng nhân dịp này, đại diện VNPT Kiên Giang, Chi nhánh Sacombank Kiên Giang và các cựu học sinh trường Nguyễn Trung Trực cũng đã chung tay đóng góp 39 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng để khen thưởng cho các em học sinh đạt thành tích tốt trong năm học vừa qua.
Cũng trong sáng 5-9, nhiều ngôi trường trên địa bàn TP Rạch Giá đã tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, đúng như tinh thần chỉ đạo chung của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trước đó.
Hầu hết lễ khai giảng chỉ gồm nghi thức chào cờ, hát quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục nhân ngày khai trường, phát biểu của lãnh đạo nhà trường, phát biểu cảm tưởng của học sinh và phần trao thưởng, trao học bổng. Một số trường còn có thêm chương trình văn nghệ mở đầu lễ khai giảng do các em học sinh tự biểu diễn.
Đến khoảng 8g30, nhiều trường đã kết thúc lễ khai giảng, cho học sinh ra về, tránh được việc các em phải ngồi phơi nắng nghe đọc diễn văn hàng giờ liền như các năm trước.
Trường tiểu học và trung học cơ sở Thổ Châu - cách trung tâm huyện đảo Phú Quốc hơn 100km, đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2015-2016. Đây là ngôi trường đặc biệt bởi có đến 4 cấp học gồm mẫu giáo, tiểu học, THCS và một lớp 10 của cấp THPT.
Do ở xa đất liền, mỗi tuần chỉ có một chuyến tàu từ đảo vào trung tâm huyện Phú Quốc nên việc đi lại, học tập của học sinh xã đảo này rất khó khăn. Học hết THCS các em phải vượt biển vào trung tâm huyện để tiếp tục nuôi ước mơ trong con đường học vấn. Nhiều em sau khi hoàn thành THPT đã chọn nghề giáo để trở về giảng dạy ở ngôi trường nơi trùng khơi sóng gió này.
Thầy Phạm Văn Tiệp - hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm nay toàn trường có 350 học sinh, trong đó mẫu giáo có gần 100 cháu, đầu cấp 1 có 84 học sinh, lớp 5 có 38 học sinh, lớp 9 có 17 học sinh. Đặc biệt năm nay nhà trường có thêm một lớp 10 với 22 học sinh theo học hệ giáo dục thường xuyên. Đây là con em của xã đảo vì không có điều kiện vào đất liền học tiếp nhưng mơ ước được tiếp thu tri thức.
Là ngôi trường ở tuyến đầu biên giới nên đa số học sinh đều là con em của ngư phủ và bộ đội hải quân, bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn. Hình ảnh các cháu học sinh của cả …4 cấp học, đồng phục không đồng nhất là hình ảnh đẹp giữa hòn đảo xa xôi này.
Thầy Tiệp còn cho biết do xã đảo Thổ Châu còn đang sử dụng máy phát điện bằng dầu nhưng chỉ ưu tiên ban đêm, ban ngày thường xuyên không có điện nên rất khó khăn trong công tác giảng dạy. Ngay cả buổi lễ khai giảng sáng nay trường phải chờ điện đến 8 giờ mới có thể bắt đầu.
Buổi lễ khai giảng tại trường Tiểu học và THCS Thổ Châu phải chờ đến 8g mới bắt đầu vì….không có điện - Ảnh: Hồng Kiên |
Cũng trong sáng nay, toàn thể các trường trên địa bàn huyện Phú Quốc đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Ghi nhận của Tuổi Trẻ, các trường đều tổ chức lễ khai giảng rất ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng. Hầu hết các trường đều bỏ phần báo cáo, phát biểu dài lê thê như mọi năm.
Tại trường THPT An Thới, sau nghi thức chào chờ và nghe đọc thư của Chủ tịch nước là phần trao học bổng của các tổ chức, mạnh thường quân dành cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Còn ở trường THPT Phú Quốc, ngôi trường lớn nhất huyện đảo buổi lễ khai giảng cũng diễn ra ngắn gọn nhưng trang trọng. Sau buổi lễ, thầy cô, học sinh vốn đã làm quen với nhau trước hai tuần học hàn huyên trò chuyện dưới những tán cây.
Cần Thơ: Khai giảng ở trường “tạm thoát án tử”
Sáng 5-9, vẫn diễn ra lễ khai giảng bình thường tại Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ, ngôi trường vốn vừa được cho phép học tạm trong giai đoạn chờ quyết định cuối cùng của UBND TP Cần Thơ về việc xây mới hay trùng tu.
Bà Trần Thị Lụa - hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết đây là năm khai giảng thứ 99 của trường và mong các học sinh tiếp tục nỗ lực, xứng đáng với truyền thống của trường này trong gần một thế kỷ qua. Rất nhiều học sinh có mặt tại buổi lễ khai giảng đã rất vui mừng khi năm học 2015-2016 vẫn còn được ngồi dự khai giảng dưới sân trường mà trước đó các em tưởng sẽ phải đập bỏ để xây mới.
Trước đó, nhà trường đã có nguyện vọng cho học sinh học tạm trong thời gian khai giảng và đã được lãnh đạo TP Cần Thơ chấp thuận.
Sáng cùng ngày, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng 2 TP Cần Thơ tổ chức khánh thành Trường THPT An Khánh với quy mô 1.200 học sinh (tương đương 30 phòng học).
Đây là ngôi trường mà trước đó TP Cần Thơ dự định sẽ dời toàn bộ học sinh trường THPT Châu Văn Liêm sang học để phục vụ việc xây mới trường trăm tuổi này. Vì vậy khóa học đầu tiên trường An Khánh chỉ tuyển sinh 539 em học sinh khối 10 để chuẩn bị cho việc di dời học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm.
Học sinh vui vì vẫn được khai giảng ở Trường THPT Châu Văn Liêm - Ảnh: Chí Quốc |
Đồng Tháp: trường biên giới náo nức ngày khai giảng
Ngay từ rất sớm hàng ngàn học sinh các cấp học từ tiểu học đến THCS thuộc các xã biên giới Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã nô nức đến dự lễ khai giảng. Nhiều em là học sinh Việt kiều có bố mẹ sinh sống tại Campuchia phải bắt đò, phà từ sớm để đến dự lễ khai giảng đúng giờ.
Thầy Lê Đức Dũng - hiệu trưởng trường THCS Thường Thới Hậu A chia sẻ: “Năm học này trường tiếp nhận hơn 520 học sinh theo học các cấp, trong đó có hơn 32 học sinh Việt kiều. Trường cũng tạo điều kiện, liên hệ với các bến đò để các em có thể thuận tiện dự lễ khai giảng”.
Em Nguyễn Văn Thọ, học sinh lớp 6A2 trường THCS Thường Thới Hậu A cho biết: “Cha mẹ em sinh sống tại Campuchia, thỉnh thoảng mới về Việt Nam. Sáng nay em thức dậy từ rất sớm, đón phà để đi đến trường”. Trong bộ đồ tinh tươm Thọ vẫn còn bẽn lẽn do chưa quen được bạn bè mới.
Buổi lễ khai giảng tại đây diễn ra nhanh gọn, chỉ vỏn vẹn 15 phút. Sau đó trường tổ chức các trò chơi, tiết mục văn nghệ, võ thuật…
Phần hội, trò chơi được nhiều học sinh hào hứng, nhất là phần kết kèn bằng tàu dừa. Mỗi lớp được phát một nắm lá dừa và các em được tự do kết những chiếc kèn to nhỏ kiểu dáng tùy sở thích với điều kiện kèn phải thổi kêu thật to. Hòa cùng những tiếng kèn thổi to te là tiếng hò reo cổ vũ và cả những tiếng cười rộn rã...
Các em học sinh Trường THCS Thường Thới Hậu A thỏa thích vui chơi ở phần hội - Ảnh: Thành Nhơn |
Quảng Ninh: Khắc phục mưa lũ để đến lớp
Nằm sâu trong thôn Khe Sím, điểm trường Tha Cát phân hiệu 2, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7 tại Quảng Ninh. Mảng tường bị nước xối đổ vẫn còn đó, trống hoác ngay cạnh cổng vào.
Ngày 4-9, mưa to khiến trường tiếp tục bị ngập hơn 20cm bùn, các cô giáo phải nhờ sự giúp sức của công ty than Quang Hanh, dọn vệ sinh đến tối mịt mới vệ sinh được sạch trường.
Sáng 5-9, hòa chung không khí của ngày khai giảng năm học mới, 51 học sinh của điểm trường cũng tham dự buổi tựu trường ấm cúng cùng các cô giáo. Các em được tập trung trong một lớp học, nghe cô hiệu phó Nông Thị Ngân đọc thư của chủ tịch nước và phát biểu khai giảng.
Trường tiểu học Tha Cát có tổng cộng 127 học sinh, chia làm 2 điểm trường. Từ QL18 vào đến điểm trường chính gần 15km, đường xấu và hư hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua.
8g40, cô Nông Thị Ngân đánh trống khai trường, bắt đầu năm học mới.
Sau mưa lũ lịch sử, đoạn tường đổ của điểm trường Tha Cát phân hiệu 2 vẫn chưa được khắc phục - Ảnh: Đức Hiếu |
Hơn 50 cô trò điểm trường Tha Cát phân hiệu 2 tổ chức lễ khai giảng ấm cúng tại trong một lớp học - Ảnh: Đức Hiếu |
Tại Nghệ An gần 700.000 học sinh ở 1.600 trường học trong tỉnh chính thức bước vào năm học mới bằng không khí lễ khai giảng vui tươi, phấn khởi.
Chị Trần Thị Nhu, 31 tuổi, phường Hồng Sơn, TP Vinh thức dậy sớm chuẩn bị bữa sáng, cặp sách để đưa hai con học tiểu học và mầm non dự lễ khai giảng. Chị Nhu và chồng là lao động tự do gần chợ Vinh, thu nhập bấp bênh.
“Trước đây tôi không được học hành nên không biết chữ, cuộc sống có chật vật nhưng vợ chồng tôi đều dồn sức để hai con được đến trường đi học cùng bạn bè”, chị Nhu tâm sự.
Tại trường tiểu học Hồng Sơn, P.Hồng Sơn, TP Vinh, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn trong 30 phút nhưng vẫn tạo không khí phấn khởi cho học sinh với các phần phát biểu của hiệu trưởng, đọc thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước, chào đón các học sinh vào lớp 1 và các tiết mục văn nghệ của cô trò nhà trường. Nhiều phụ huynh vào tận sân trường để theo dõi lễ khai giảng của con.
Bước vào năm học 2015-2016, Nghệ An đã đầu tư gần 76 tỉ đồng và huy động từ các địa phương, nguồn xã hội hóa 193 tỉ đồng mua sắm thiết bị dạy học và xây dựng cơ sở vật chất.
Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, năm học này tỉnh này có thêm 527 phòng học mới, thêm 70 trường được công nhân trường chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 905 trường (tỉ lệ đứng thứ hai khu vực Bắc Trung Bộ).
Chị Trần Thị Nhu (phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An) chải tóc cho con gái đến trường khai giảng năm học mới - Ảnh: Doãn Hòa |
Một học sinh còn ngái ngủ trong lễ khai giảng - Ảnh: Doãn Hòa |
Lâm Đồng: Lễ khai giảng ở một ngôi trường đặc biệt
Buổi khai giảng ở Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng là buổi khai giảng đặc biệt. Các học sinh đều có thính lực rất kém, có học sinh hoàn toàn không nghe được. Học viên các lớp không đồng đều tuổi nhau, vì hoàn cảnh các em nhập học không đúng tuổi.
Lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn để "nhường" cho phần vui chơi ca múa. Được sinh hoạt vui chơi nhiều nên các học sinh rất hào hứng. Sau 3 tháng mới được gặp lại, các em “rôm rả” trò chuyện bằng tay.
Sau đó, tất cả các em được đo thính lực. Đây là việc cần thiết để điều chỉnh máy trợ thính cho học sinh và giáo viên có hướng dạy thích hợp cho học sinh.
Học sinh khiếm thính thực hiện bài múa bằng việc quan sát ký hiệu tay của cô giáo - Ảnh: M.Vinh |
Không khí khai giảng cũng tràn ngập khắp Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng khi sương sáng còn chưa tan. Học sinh của trường xúng xính trang phục truyền thống của người dân tộc K’Ho, M’Nông… đi khắp sân trường vui đùa cùng bạn bè. Một số học sinh khác tất bật sắp xếp ghế để chuẩn bị cho lễ khai giảng.
Các học sinh lớp 10 mới vào trường cho biết không khí khai giảng ở trường dành cho học sinh dân tộc ít người lớn nhất tỉnh Lâm Đồng khiến các em náo nức, hồi hộp. K’Hoàng cho biết: “Em học trường huyện ở Di Linh, cũng không gặp nhiều người bạn cùng dân tộc với mình, lên đây được gặp nhiều bạn như vậy nên vui lắm, như gặp lại anh em vậy”.
Các học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng xúng xính trang phục truyền thống của dân tộc mình - Ảnh: Mai Vinh |
Đúng 7g, lễ khai giảng bắt đầu bên trong một hội trường nhỏ. Sau phần văn nghệ do học sinh thực hiện, đại diện nhà trường phát biểu dặn dò học sinh mới vào trường và học sinh cuối cấp. Sau đó học sinh quay lại lớp học bắt đầu buổi học.
Nam sinh K’Vân cho biết: “Do đây không phải là buổi học đầu tiên nên chỉ náo nức lúc dự khai giảng thôi, còn về lại lớp học không khí cũng không khác lạ lắm. Bạn bè mới cũng làm quen từ trước rồi”.
Tại Đắk Lắk, trường Tiểu học Amakhê, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ thầy cô và học sinh đã có mặt từ rất sớm trong không khí tất bật. Các em học sinh quét dọn lại sân trường, các thầy cô cán bộ lắp lại loa, sắp xếp bàn ghế để chuẩn bị cho lễ khai giảng.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Trà cho biết: ” Ngày hôm qua trường đã được quét dọn, chuẩn bị chu tất, nhưng do trời mưa bão nên sáng nay chúng tôi phải đến sớm để chỉ đạo làm lại từ đầu”.
Năm nay, lễ khai giảng sẽ diễn ra trong vòng một tiếng, thời gian phần lễ sẽ giảm đi tập trung vào phần hội để học sinh vui chơi, cô Trà cho biết thêm.
Mặc dù đến 7g30 mới bắt đầu lễ khai giảng nhưng khoảng 6g, rất nhiều học sinh huyện Krông Bông, Đắk Lắk đã tập trung đến các điểm trường để dự lễ.
Tại điểm trường tiểu học Cư Pui 2, hầu hết các em học sinh tự đi bộ đến trường, những bạn nhỏ nhà xa tự mình đi xe đạp tới. Nhiều em không kịp ăn sáng nên ăn tạm que kem hoặc gói mì tôm sống.
“Em thích lễ khai giảng vì mẹ cho tiền để đi... ăn kem” - em Sánh Thị Mai, lớp 2A, trường tiểu học Cư Pui 2 vừa mút que kem vừa khoe.
Các em nhỏ Trường tiểu học Cư Pui 2 tự đi xe đạp đến trường dự khai giảng - Ảnh: Lĩnh Hồng |
Niềm vui trẻ thơ của các em nhỏ Trường tiểu học Cư Pui 2 trong ngày khai giảng - Ảnh: Lĩnh Hồng |
Trường tiểu học Cư Pui có 7 điểm trường với tổng số 1.580 em học sinh. Tuy nhiên, nhà trường chỉ tổ chức lễ khai giảng tại điểm trường chính là Trường tiểu học Cư Pui 2 cho 500 học sinh của 4 điểm trường gần nhất.
“Do có điểm trường cách đến gần 20 cây số nên nhà trường đành phải để các em ở xa nghỉ ở nhà, không được tới dự lễ khai giảng. Thiệt thòi và buồn cho các em nhưng như thế thì đỡ vất vả cho phụ huynh lẫn học sinh” - thầy Vũ Đình Tùng - hiệu trưởng Trường tiểu học Cư Pui cho biết.
8g, lễ khai giảng tại Trường THCS Cư Pui, Đắc Lắc kết thúc. “Trời nắng lắm nên được về nhà sớm em thấy thoải mái hơn rất nhiều. Khoảng 8g15 em về tới nhà rồi” - em Tạ Thị Thủy Tiên, lớp 6A1, Trường THCS Cư Pui vui vẻ nói.
Tuy nhiên nhiều học sinh tỏ ra hụt hẫng vì thời gian khai giảng quá nhanh. “Không có các tiết mục văn nghệ chào mừng và chỉ loáng một chốc đã xong lễ khai giảng khiến em bất ngờ luôn” - em Trần Thị Yến Vy, lớp 6A1, Trường THCS Cư Pui nói.
Tại trường THPT Trần Hưng Đạo, lễ khai giảng cũng chỉ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau các tiết mục văn nghệ, nhà trường chỉ gói gọn khoảng 15 phút để hoàn thành các nghi thức như chào cờ, đọc thư chủ tịch nước và diễn văn khai mạc. Thời gian còn lại nhà trường dành thời gian trao học bổng và xe đạp cho các học sinh vượt khó học giỏi.
Tại Bình Dương, sau lễ khai giảng, các em học sinh được tham gia các trò chơi dân gian ngay tại sân trường. Phụ huynh cùng con em hào hứng tham gia các trò chơi: nhảy bao bố, ném bóng, các trò chơi vận động...
Chị Phạm Tuyết Nga (36 tuổi, ngụ TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết: "Tôi thấy vui vì nhà trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, các cháu không phải chờ lâu như trước. Xong lễ các cháu lại được chơi trò chơi rất sôi động".
Các em học sinh trường Tiểu học Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) tham gia các trò chơi sau lễ khai giảng - Ảnh: Xuân An |
Mới 5 giờ sáng, rất nhiều công nhân trên địa bàn thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, các khu công nghiệp đã phải dậy tranh thủ đưa con đến trường khai giảng, sau đó đến công ty làm việc.
Ghi nhận tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hàng ngàn học sinh được cha mẹ đưa đến cổng trường để mua đồ ăn sáng, nước uống.
Đa phần các cháu là con của đối tượng công nhân làm việc tại các KCN ở xa, không có thời gian nấu ăn cho con vì phải đưa con đến trường rồi về công ty làm việc cho đúng giờ.
Dù đến giờ khai giảng, nhiều học sinh tỏ ra mệt mỏi vì phải dậy sớm hơn thường ngày. Có cháu còn tranh thủ ăn sáng ngay trong lúc xếp hàng chuẩn bị khai giảng.
Một học sinh trường Tiểu học Bình Chuẩn (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) tỏ sự mệt mỏi vì phải đến trường sớm hơn thường lệ - Ảnh: Xuân An |
Đồng Nai: Vẫn còn ca ba
Theo Sở GD-ĐT tỉnh, Đồng Nai có hơn 618.000 học sinh bước vào năm học mới, trong đó bậc tiểu học có 244.000 em.
Toàn tỉnh có 824 trường học, gồm 282 trường mầm non và 542 trường phổ thông cùng hơn 73.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Tại Trường tiểu học Trảng Dài, TP.Biên Hòa, chỉ có học sinh khối 1 và 10 lớp thuộc khối 5 được dự lễ khai giảng do trường không chứa hết lượng học sinh quá đông.
Theo cô Đoàn Thị Thủy - hiệu trưởng Trường TH Trảng Dài, trong năm học này, trường tiếp nhận 949 học sinh lớp 1 nhập học. Số lượng học sinh đầu cấp tăng nhanh khiến trường thiếu lớp học bố trí giảng dạy cho các em, nhiều em phải học ca 3 (từ 10g30 đến 14g) khiến việc học, ăn uống của các em bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo trường làm tờ trình để mượn 10 phòng học của Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, đồng thời tiến hành dồn lớp, tận dụng các phòng chức năng để giải quyết lớp học cho các em học sinh đang học ca 3. Dự kiến, trong 1-2 tuần tới sẽ thực hiện.
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa, hiện ở TP.Biên Hòa còn 3 trường khác phải học ca 3 là Trường TH Nguyễn Chí Thanh có 8 lớp với 376 học sinh, Trường TH Phước Tân có 14 lớp với 700 học sinh, Trường TH Tam Phước 2 có 6 lớp với 300 học sinh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Đồng Nai cho biết sẽ tìm hiểu các trường phải học ca 3 để tìm hướng giải quyết, không để học sinh phải học ca 3 trong năm học này. Trong tuần tới, sở sẽ cử lãnh đạo xuống làm việc với Trường TH Tam Phước 2 để nắm tình hình.
Dự kiến, trường có thể mượn phòng học của Trường Sĩ quan Lục quân II hoặc Trường trung cấp tài chính kế toán gần đó nhằm xóa các lớp học ca 3 tại đây.
Các em học sinh Trường TH Trảng Dài trong ngày lễ khai giảng năm học 2015-2016 - Ảnh: A Lộc |
Đà Lạt đồng loạt cắt giảm ba mục chính của lễ khai giảng
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các trường tiểu học, trung học và THPT tại địa bàn đều cắt hoặc giảm ba mục chính của lễ khai giảng theo công điện chỉ đạo của phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại Trường tiểu học Trưng Vương, P.2 TP Đà Lạt, phần lễ chỉ diễn ra trong 30 phút, sau đó nhà trường tổ chức múa lân, các tiết mục văn nghệ do học sinh của trường biểu diễn và cuối cùng là tổ chức sân chơi cho học sinh trong buổi khai giảng. Sân chơi này bao gồm: biểu diễn xiếc cho học sinh lớp 1, chơi kéo co, lớp 2- 3 nhảy bao bố và lớp 4-5 sẽ chơi kéo co.
Riêng phần lễ, trường này đã cắt giảm ba phát biểu chính gồm: Diễn văn khai giảng của hiệu trưởng trường, diễn văn của đại biểu UBND TP và phần phát biểu của đại diện phụ huynh học sinh.
“Do cắt giảm hầu hết các phát biểu nên cảm nhận chung là các em thích thú khi được vui chơi nhiều hơn. Riêng các thầy cô, phụ huynh thì cảm nhận được buổi lễ ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng” - vị phó hiệu trưởng trường này nhận định.
Tại Trường tiểu học Mê Linh, thầy Võ Ngọc Minh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết buổi lễ khai giảng chỉ diễn ra trong khoảng 1 giờ là vừa phải để tránh học sinh mệt mỏi. Đây là buổi khai giảng ngắn nhất từ trước tới giờ tại trường này vì đã bỏ hầu hết các diễn văn như mọi năm, chỉ đọc thư chức mừng của chủ tịch nước. Theo thầy Minh, ngày khai giảng năm nay chỉ phảng phất phần “lễ”, tập trung chính cho phần “hội” với các tiết mục văn nghệ, giải trí dành cho học sinh.
Niềm vui của học sinh trường tiểu học Trưng Vương, TP Đà Lạt trong ngày khai giảng sáng 5-9 - Ảnh: C.Thành |
Huế khai giảng gọn gàng; Quảng Trị làm lễ sớm để tránh nắng cho HS
Tại TP Huế, không khí lễ khai giảng ở các trường mầm non và tiểu học đông vui, nhộn nhịp hơn, do có thêm phần đón học sinh mới và biểu diễn văn nghệ, múa lân. Các trường THCS và THPT diễn ra gọn nhẹ.
Vì tất cả các trường trong thành phố Huế khai giảng cùng ngày, nên từ sáng sớm đường phố đã đông nghịt, các cổng trường luôn chật kín phụ huynh đứng chờ con. Lực lượng công an, và lực lượng dân phòng cũng có mặt từ sớm để giữ trật tự và điều tiết giao thông trước cổng trường.
Tại trường tiểu học Hùng Vương, TP Đông Hà, Quảng Trị, lễ khai giảng diễn ra trong khoảng một giờ. Để tránh cho học sinh bị nắng, nhà trường đã tiến hành lễ khai giảng từ 6g45.
Buổi lễ được thực hiện đơn giản với các nội dung đón học sinh lớp một, ban giám hiệu chào mừng học sinh và một chương trình văn nghệ với hai tiết mục gồm một của học sinh và một của giáo viên. Hàng trăm phụ huynh cũng theo con mình vào sân trường dự khai giảng.
Một phụ huynh tên Lê Thị Thu Hương cho biết có nghe nói về việc “trả lại ngày khai giảng cho học sinh” nên dành thời gian đưa con đến dự lễ để xem. Chị rất hài lòng về buổi lễ gọn gàng như thế. “Các cháu nhỏ không phải ngồi giữa nắng hàng tiếng đồng hồ nghe phát biểu mà không hiểu gì”, chị Hương nói.
Không khí khai giảng tại trường Tiểu học Hùng Vương - Ảnh: Quốc Nam |
Các trường Đà Nẵng khai giảng trong tiết trời đẹp
Sáng 5-9, trường học các cấp tại Đà Nẵng đã đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới trong thời tiết đẹp. Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, năm học 2015-2016 có 354 trường mầm non, phổ thông, trong đó hệ THPT có hơn 30.000 HS, THCS có hơn 53.800 HS, tiểu học hơn 83.900 HS.
Tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng lễ khai giảng chỉ kéo dài chừng 45 phút. Riêng phần hội được kéo dài để các em vui chơi. Nhà trường đã thuê đoàn múa lân biểu diễn góp vui cho các em trong mùa lễ tựu trường.
Ngoài ra, mỗi học sinh đều được nhận một phần quà trị giá 20.000 đồng. Cô Nguyễn Trân Lê Hồng Trinh cho biết do nhà trường mới được tách ra có 538 em/22 lớp học, các em phải học nhờ trong cơ sở thuê nên năm nay trường có sự quan tâm đặc biệt của các ban ngành và UBND quận Liên Chiểu.
Tại các trường khác ở quận Liên Chiểu, lễ khai giảng đều diễn ra với phần phát biểu ngắn gọn. Riêng các trường cấp 1 đều tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian thu hút học sinh.
Học sinh hào hứng với màn múa lân do trường TH Võ Thị Sáu Liên Chiểu, TP Đà Nẵng tổ chức - Ảnh: Trường Trung |
Tiền Giang: ngày khai trường không trọn vẹn
Sáng 5-9, phụ huynh đưa con em đi dự lễ khai giảng ở Mầm non Tịnh Nghiêm, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Thọ, tỉnh Tiền Giang, mà không vui nổi bởi con đường vào trường đang thi công có nhiều rủi ro rình rập.
Theo cô Viên Quang, hiệu trưởng trường, con đường dẫn từ đường lớn vào trường dài khoảng 500m được khởi công nâng cấp cách đây hơn 1 năm. Trước khi khởi công, con đường vẫn còn khá tốt, hai xe có thể tránh nhau để đi qua được nhưng sau khi đơn vị thi công đào đường lên để lắp cống, con đường như một bãi sình kéo dài đến tận cổng trường học.
Phụ huynh muốn đưa con đến trường phải gửi xe cách 500m rồi cõng con vào, đi trên con đường đang thi công dở dang với bề rộng chưa đầy 1m.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong buổi sáng ngày 5-9 hàng trăm phụ huynh đưa con đến trường Mầm non Tịnh Nghiêm phải dẫn bộ con vào trường, đi cheo leo bên những hố công trình sâu hoắm, đầy rẫy những thanh sắt chong lên. Một phụ huynh cho biết những ngày mưa còn cơ cực hơn. Đã có nhiều phụ huynh và bé đến trường bị té trên đoạn đường này.
Phụ huynh đưa con em đến trường mầm non Tịnh Nghiêm để dự lễ khai giảng nhưng trong lòng họ không vui nổi vì nguy hiểm rình rập trên con đường dẫn vào trường |
Khuôn mặt rạng ngời của các cô cậu học trò trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, Quảng Nam trong ngày khai giảng - Ảnh: Lê Trung |
HS dự lễ khai giảng trường tiểu học Hòa Hiệp, xã Long Hòa huyện Cần Giờ - Ảnh: Thanh Tuyền |
HS vui chơi trong ngày khai giảng tại trường Tiểu học Khánh Phú, xã Khánh Phú, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa - Ảnh: Huyền Trang |
Các em học sinh người đồng bào thiểu số rất vui khi cùng vui chơi trong ngày khai giảng tại Trường THCS Trà Lâm, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi - Ảnh: Trần Mai |
Các em học sinh Trường THPT Đông Sơn I, Thanh Hóa hân hoan trong buổi lễ khai giảng năm học mới sáng 5-9- Ảnh: Hà Đồng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận