18/12/2010 06:26 GMT+7

Nỗ lực đổi mới tuyển sinh

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TT - Ông NGÔ KIM KHÔI, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ trong cuộc trao đổi sáng 17-12 về chủ trương thí điểm “tự chủ trong tuyển sinh” đối với một số trường ĐH. Ông Khôi cho biết:

6 cơ sở ĐH được tuyển sinh riêngBộ bớt ôm đồm, trường thêm tự chủ

uiXKP8jO.jpgPhóng to
Thí sinh xem lại kết quả làm bài trong kỳ thi tuyển sinh ĐH 2010 tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đây là một trong hai trường sẽ tham gia thí điểm tuyển sinh riêng trong năm 2011 - Ảnh: V.Hà

- Hai mùa tuyển sinh gần đây, sau mỗi kỳ thi dư luận đều phản ảnh những điểm chưa thật sự hợp lý, hiệu quả của phương thức tuyển sinh “ba chung”, đánh giá là “tấm áo ba chung đã quá chật cho tất cả các trường ĐH, CĐ dùng chung”.

Sau tám năm thực hiện, đã có đủ thời gian để bộ và các trường tích lũy kinh nghiệm thực tế cũng như tính toán hiệu quả để nghiên cứu, xây dựng một phương án tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp với các điều kiện thực tế hiện nay. Đồng thời thực hiện yêu cầu về đổi mới quản lý giáo dục ĐH theo định hướng triển khai việc phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục ĐH, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường.

* Dư luận đang quan tâm những trường được bộ dự kiến giao quyền tự chủ trong tuyển sinh, chịu trách nhiệm toàn diện tất cả các khâu của công tác tuyển sinh, bao gồm cả việc ra đề thi, được lựa chọn trên những tiêu chí gì, thưa ông?

- Đó là những trường ĐH trọng điểm, nhiều năm gần đây có chất lượng tuyển sinh đầu vào cao trong từng nhóm ngành đào tạo, điểm chuẩn trúng tuyển thuộc loại cao nhất ở từng khối thi, có kinh nghiệm tốt, có năng lực trong tổ chức tuyển sinh và quản lý đào tạo...

x40taM7l.jpgPhóng to
Ông Ngô Kim Khôi - Ảnh: T.H.
* Vậy nếu hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội trình Bộ GD-ĐT đề án tự chủ trong tuyển sinh, bộ có cho phép hai trường này được thí điểm ngay trong tuyển sinh 2011 không? Khi đó, việc xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đối với thí sinh dự thi nhưng không trúng tuyển vào hai trường này sẽ được thực hiện như thế nào?

- Bây giờ còn quá sớm để trả lời cụ thể về những vấn đề này. Hiện hai trường mới có công văn trả lời bộ và đang tiếp tục xây dựng đề án chi tiết về tự chủ tuyển sinh. Bộ yêu cầu đề án của các trường phải rất chi tiết. Cụ thể, tính toán mọi khả năng và có biện pháp giải quyết đối với mọi tình huống có thể nảy sinh khi tự ra đề, tổ chức thi tuyển, chấm thi, xét tuyển...

Trên cơ sở đề án cụ thể của các trường trình, bộ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng rồi mới có quyết định. Vì vậy, có thể nói lộ trình và thời điểm thực hiện “tự chủ trong tuyển sinh” chủ yếu phụ thuộc nội dung và chất lượng đề án của các trường. Đề án phải chặt chẽ, có tính khả thi cao, thể hiện trường có đủ năng lực, nhân lực và kinh nghiệm quản lý tốt... Bộ GD-ĐT mới có thể giao quyền tự chủ cho trường.

Tôi muốn nhấn mạnh việc thí điểm giao quyền tự chủ trong tuyển sinh là một nỗ lực đổi mới trong công tác quản lý nói chung và tuyển sinh nói riêng của bộ. Nhưng bộ sẽ thực hiện một cách thận trọng, cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiện chúng tôi đang chờ đề án chi tiết của các trường.

* Vấn đề giao quyền tự chủ trong tuyển sinh, thay đổi phương thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ có được đưa ra bàn thảo trong hội nghị tuyển sinh toàn quốc năm 2011 không, thưa ông? Ngoài ra, còn có những nội dung nào được sửa đổi, bổ sung trong quy chế tuyển sinh sẽ được thảo luận tại hội nghị?

- Hội nghị thi và tuyển sinh toàn quốc dự kiến tổ chức vào ngày 8-1-2011 qua cầu truyền hình. Vấn đề tự chủ trong tuyển sinh, lộ trình và phương thức thực hiện, thí điểm như thế nào... sẽ được đưa ra lấy ý kiến thảo luận, đóng góp của cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo. Sẽ có một số nội dung, quy định cụ thể trong quy chế tuyển sinh được đề xuất bổ sung, sửa đổi nhưng hiện nay dự thảo sửa đổi này vẫn đang được hoàn thiện trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các trường trong thời gian qua. Đối với một số vấn đề, ý kiến chưa thống nhất, chúng tôi tiếp tục bàn bạc, nghiên cứu và lấy thêm ý kiến.

Nói chung, sau hội nghị tuyển sinh ngày 8-1, mọi chủ trương, định hướng cho kỳ thi tuyển sinh 2011 sẽ được thống nhất và công bố rộng rãi cho xã hội và thí sinh. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ có thể khẳng định chủ trương của Bộ GD-ĐT là giữ kỳ thi tuyển sinh 2011 cơ bản ổn định như những năm trước, không có thay đổi gì lớn.

* Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục nghiên cứu

Quá trình nghiên cứu phương án đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ đang ở giai đoạn đầu. Phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 vẫn giữ ổn định như các năm trước. Thông tin này được lãnh đạo Bộ GD-ĐT chính thức thông báo chiều 17-12 sau khi Tuổi Trẻ có bài phản ánh về việc Bộ GD-ĐT đang giao cho một số trường ĐH xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh từ năm 2011.

Trong văn bản do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, Bộ GD-ĐT cho biết bộ đang nghiên cứu đổi mới mọi hoạt động, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục ĐH. Trong quá trình đó, các cơ quan chức năng của bộ đang nghiên cứu phương án đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ. Hai ĐH quốc gia và một số trường ĐH cũng được đề nghị cùng độc lập nghiên cứu về phương án tuyển sinh mới.

Lãnh đạo bộ khẳng định: “Hiện nay, quá trình nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu, còn phải qua nhiều bước, sau đó sẽ lấy ý kiến rộng rãi của xã hội và báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi áp dụng”.

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên