05/05/2020 13:30 GMT+7

Nỗ lực cứu La Clef

HẢI TRIỀU
HẢI TRIỀU

TTO - Giới yêu điện ảnh Pháp đang hồi hộp theo dõi số phận của rạp chiếu phim nổi tiếng La Clef ở Paris đã bị chủ cơ ngơi đóng cửa đầu năm 2019 nhằm thay đổi công năng.

Nỗ lực cứu La Clef - Ảnh 1.

Rạp La Clef chiếu phim bên ngoài trên tường

Paris là "thủ đô người yêu xinê"? Để xác định điều này, dân Pháp thường nêu kỷ lục địa điểm có thể xem phim trong nội thành Paris: 85 rạp chiếu, 417 màn ảnh; nếu cộng cả vùng Paris là 311 rạp và 1.147 màn ảnh. 

Ý nghĩa hơn là số lượng hơn 500 phim khán giả có thể xem trên các màn ảnh đó hằng tuần. 

Ngoài những phim thương mại đại chúng còn vô số tác phẩm không phát hành thương mại hay phát hành hạn chế; trong đó có những phim đến từ những nước có nền điện ảnh ít ai biết, như Việt Nam.

Yda ở rạp La Clef

Thanh danh "thủ đô người yêu xinê" của Paris gắn với hệ thống rạp xếp hạng "Art et essai" (nghệ thuật và thử nghiệm) - hệ thống chiếu bóng độc lập, ngoại biên các tiêu chí thị trường, tồn tại nhờ trợ cấp nhà nước. 

Hệ thống này chiếm 60% tổng số rạp của Pháp, nhận trợ cấp hằng năm đến hơn 16 tỉ euro. Nhưng sự sống còn của các rạp "Art et essai" tùy thuộc vào cạnh tranh/thao túng của hệ thống chiếu phim thương mại, phụ thuộc cả các chủ cho thuê địa ốc.

La Clef (chìa khóa) được biết đến như rạp duy nhất ở Paris đón tiếp các sinh hoạt hội đoàn - trong đó có câu lạc bộ điện ảnh Việt Nam mang tên Yda (Yêu điện ảnh).

Tại La Clef, từ năm 2008 đến cuối năm 2018, Yda đã giới thiệu 131 tác phẩm Việt Nam thuộc các thể loại truyện, tài liệu với phụ đề tiếng Pháp; đã tiếp đón nhiều đạo diễn Việt Nam đến giao lưu như Đặng Nhật Minh, Việt Linh, Vinh Sơn, Hồ Quang Minh, Nguyễn Võ Nguyên Minh, Síu Phạm, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Lê Bảo, Nguyễn Trinh Thi, Đoàn Hồng Lê, Nguyễn Thị Thắm, Trần Phương Thảo...

Nỗ lực cứu La Clef - Ảnh 2.

Rạp La Clef và biểu ngữ “Văn hóa ghê tởm sự trống rỗng” - Ảnh: La Clef

Xem phim trên những bức tường

Sau quyết định bán cơ ngơi của chủ La Clef, một số nhân viên làm thuê cố duy trì rạp theo hình thức hợp tác xã nhưng thương lượng bất thành. Đầu tháng 9-2019, một tập thể các nhà điện ảnh cùng hội Home Cinéma quyết định... chiếm rạp để mở cửa lại. 

Tự đặt tên La Clef Revival, họ nhân danh văn hóa vượt lên sở hữu tư với biểu ngữ "Văn hóa ghê tởm sự trống rỗng" căng trước rạp, tổ chức chiếu phim và thảo luận mỗi tối về điện ảnh.

Cuối tháng 12-2019, tòa án ra phán quyết trục xuất hội Home Cinéma, tuyên phạt 4.000 euro cộng với 350 euro mỗi buổi chiếu phim. La Clef Revival chống án, tuyên bố chỉ dừng hoạt động khi có giải pháp duy trì rạp chiếu với tính chất hội đoàn. 

Với dịch covid-19 và lệnh phong tỏa tháng 3, mọi rạp chiếu ở Pháp buộc đóng cửa. La Clef Revival có sáng kiến chiếu phim dã ngoại mỗi tối thứ sáu, mà màn ảnh là các bức tường trống của khu dân cư. Sáng kiến này được một số rạp và cá nhân hưởng ứng, phổ cập ở Paris, Lyon, Bruxelles, Roma...

Ngày 8-6 tới tòa phúc thẩm sẽ quyết định số phận của La Clef và những nỗ lực cứu sống nó. Từ đây đến đó, người yêu điện ảnh Paris có thể ra bancông/cửa sổ xem phim trên những bức tường...

Nhờ hệ thống rạp chiếu "Art et essai", một số phim Việt Nam đã được phát hành thương mại ở Pháp: Chung cư của Việt Linh (1999), Những người thợ xẻ của Vương Đức (2000), Mùa ổi của Đặng Nhật Minh (2002), Mê Thảo của Việt Linh (2002), Vũ khúc con cò của Nguyễn Phan Quang Bình (2003), Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh (2004), Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di (2012), Cha và con và... (Mekong Stories) của Phan Đăng Di (2016), Tìm Phong của Trần Phương Thảo và Swann Dubus (2018).

Phương thức phát hành của các rạp "Art et essai" là giữ phim ở rạp càng lâu càng tốt: bắt đầu từ mỗi ngày nhiều suất sang mỗi ngày một suất và kết thúc với mỗi tuần một suất. Bằng cách đó những phim như Mê Thảo hay Mekong Stories đã đứng rạp ở Paris đến ba tháng.

Trong khi tại TP.HCM, Mê Thảo chỉ chiếu hết tuần thứ hai thì rạp quyết định lấy chỗ cho phim của Thành Long, theo lịch đã xếp sẵn. Còn phim của Phan Đăng Di đến nay vẫn chưa được phát hành trong nước.

Vì dịch COVID-19, Oscar cho phép phim phát trên mạng tranh giải Phim hay nhất Vì dịch COVID-19, Oscar cho phép phim phát trên mạng tranh giải Phim hay nhất

TTO - Để đủ điều kiện dự giải, một phim phải được chiếu rạp liên tục ít nhất 7 ngày, nhưng hiện các rạp phim đa số đang đóng cửa vì dịch COVID-19 nên ban tổ chức Oscar phải thêm ngoại lệ cho năm nay.

HẢI TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: La Clef