22/09/2007 08:32 GMT+7

Nixon đi thăm Mao

 ĐINH CÔNG THÀNH dịchNicolas Michel (La Revue tháng 9&10-2007)
 ĐINH CÔNG THÀNH dịchNicolas Michel (La Revue tháng 9&10-2007)

TTCT - Tháng 2-1972, lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến thăm Trung Quốc. sau đây là những bí mật ở hậu trường của một trong những sự kiện lớn nhất thế giới vào hậu bán thế kỷ 20.

1qsWOQZs.jpgPhóng to
Lúc 11g20 thủ tướng Chu Ân Lai và tổng thống Mỹ Nixon duyệt hàng quân danh dự
TTCT - Tháng 2-1972, lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến thăm Trung Quốc. sau đây là những bí mật ở hậu trường của một trong những sự kiện lớn nhất thế giới vào hậu bán thế kỷ 20.

21-2-1972. Air Force One, chiếc máy bay của tổng thống Mỹ, lao về hướng Bắc Kinh. Có mặt trên đó: Richard Nixon. Chuyến đi không tưởng này đã được chuẩn bị trong hậu trường từ nhiều tháng. Các điệp vụ bí mật, nhắn tin qua nhiều trung gian, những cuộc mặc cả lén lút, chỉ nhằm vào một mục tiêu là cho phép Nixon bắt tay với lãnh tụ nước Trung Hoa cộng sản: Mao Trạch Đông. Quả thật, kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời ngày 1-10-1949 đến nay, cả hai quốc gia vẫn chưa bao giờ đối thoại với nhau.

Trong máy bay, Nixon đang thật bối rối. Ông không biết có được người cầm lái vĩ đại tiếp kiến hay không. Đây là một cuộc phiêu lưu rất lớn: nếu bị Mao khinh khi ra mặt, Hoa Kỳ sẽ bị nhục nhã chưa từng có trong lịch sử. Ngay trong giữa thời kỳ chiến tranh lạnh này, một chút sai lầm có thể dẫn đến những tác hại khôn lường. Nhưng nếu Mao chấp nhận gặp ông thì diện mạo thế giới sẽ có thể thay đổi, và - tại sao không?- sự đối đầu ý thức hệ giữa hai khối sẽ bị xóa bỏ vì một cân bằng quốc tế mới...

“Đến Trung Quốc cũng giống như đi lên mặt trăng"

Chiếc Air Force One đã sẵn sàng cất cánh từ Washington. Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers cùng cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đang đợi Richard Nixon và phu nhân. Hôm ấy là ngày 17-2-1972. Tổng thống đến bằng trực thăng. Khi chuẩn bị bước lên máy bay, một nhà báo đưa cho ông tấm bản đồ TQ, đóng dấu của CIA. Nixon nói đùa: “Anh có tin rằng họ cho phép tôi vào với cái này chăng?”.

Chuyến đi dài ngày hôm đó là “một chuyến đi vì hòa bình” như ông đã mơ ước từ lâu. Nhưng “đến TQ cũng giống như đi lên Mặt trăng vậy”. Thật ra lúc đó hiếm có người phương Tây nào am hiểu đất nước này, nơi không một tin tức nào lọt ra được bên ngoài và chưa có tổng thống Mỹ nào đến thăm. Tệ hơn nữa là từ năm 1949, Hoa Kỳ và TQ lại không hề có quan hệ ngoại giao nào.

Chiếc Air Force One cất cánh, nhắm hướng Hawaii, nơi nó nghỉ lại hai ngày. Sau đó đến Guam, thuộc quần đảo Mariannes, để thẳng đường đến Thượng Hải cho một tuần lễ thương thuyết tập trung. Trong máy bay, Nixon cố ngốn những tư liệu mà các cố vấn đưa cho mình, truy sát Kissinger bằng nhiều câu hỏi hóc búa và tập ăn... bằng đũa!

Ngày 21-2, chiếc Air Force One đáp xuống Thượng Hải. Điều hết sức bất thường: phi công TQ thay tay lái. Chính họ sẽ lái chiếc máy bay đến điểm dừng chân cuối cùng. 11g20, máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường dân sự của thủ đô TQ. Lúc đó là 22g20 ở bờ biển phía đông Hoa Kỳ và 19g20 trên bờ biển phía tây: tất cả các đài truyền hình Mỹ có thể loan báo tổng thống vừa đặt chân đến đất Trung Hoa. Một bản tin gây chấn động loan đi khắp thế giới.

Cái bóng của Mao...

Hôm đó là một buổi sáng lạnh lẽo và xám xịt tại Bắc Kinh. Thủ tướng TQ Chu Ân Lai mặc áo khoác màu xanh đen và bộ đồ đại cán kiểu Mao màu xám, xuất hiện với gần 20 quan chức. Họ đứng giữa một đoàn quân danh dự lẫn lộn màu áo xanh lá của quân giải phóng và màu xanh dương của hải quân. Ngôi sao đỏ rực sáng trên mọi chiếc mũ. Lá cờ Mỹ và TQ bay phần phật trước gió. Tại phi trường vắng tanh, nhân chứng duy nhất là những nhà báo Mỹ, họ đã có mặt tại chỗ từ trước đó mấy hôm để ghi lại sự kiện này. Còn đối với một số nhà ngoại giao phương Tây tỏ ý muốn tham dự lễ đón tiếp này, Chính phủ TQ đã khuyên họ nên nộp đơn xin phép... trước khi nói rõ: không cấp giấy phép cho ai cả!

Cũng không có đám đông dân chúng nào tiếp đón cả. Tháng 10-1971, cũng tại phi trường này, hoàng đế Ethiopia Hailé Sélassié đã được hàng trăm trẻ em, công nhân và ca sĩ nồng nhiệt đón chào... Nhưng bóng dáng của Mao ngự trị khắp nơi. Một trong những câu nói của ông ta được viết trên bức tường ở cuối phi đạo: “Khiêu khích bằng cách gây rối loạn, thất bại. Khiêu khích tiếp tục, lại thất bại, và cứ thế cho đến khi sụp đổ hoàn toàn. Đó là cái lôgic của bọn đế quốc và phản động trên toàn thế giới đối với chính nghĩa của nhân dân”.

Do Chu Ân Lai vẫn mặc áo khoác nên Nixon cũng không cởi chiếc áo khoác mặc ngoài bộ quần áo màu xanh biển của mình. Ông bước khỏi máy bay trước tiên, tiếp theo là vợ ông, và bất chấp lời khuyên của các chuyên gia Mỹ về TQ, đệ nhất phu nhân Pat vẫn mặc chiếc áo màu đỏ. Nixon tiến về phía Chu. Hai người đàn ông nắm tay nhau thật lâu. Khi Kissinger xuất hiện, Chu mỉm cười: “À! Chào ông bạn cũ!”. Họ đã bí mật gặp nhau trước đó hai lần để chuẩn bị chi tiết cho chuyến đi này.

Quốc ca hai nước vang lên, tiếp đến là những bài ca cách mạng, trong lúc Chu và Nixon duyệt hàng quân danh dự. Sau buổi lễ chỉ kéo dài chừng 15 phút, các nhà báo quay trở lại xe buýt và các quan chức chui vào những chiếc Limousine màu đen. Trên đường đi, dân chúng khá lèo tèo, tất nhiên rồi, như không mấy chú ý đến đoàn xe lạ. Họ đã nhận được thông báo từ phía chính quyền: không tỏ ra tò mò gì cả đối với người Mỹ. Còn trên các phương tiện truyền thông hôm ấy, thông tin về chuyến viếng thăm của tổng thống Nixon là tin tức cuối cùng được đề cập.

“Chủ tịch đang ở đâu?”

Những chiếc Limousine chạy qua quảng trường Thiên An Môn, nơi đặt một bức tượng Mao khổng lồ. Trong xe, Chu Ân Lai quay qua nói với Nixon: “Bàn tay của ngài đã vượt qua đại dương lớn nhất thế giới: 25 năm vắng bóng đối thoại”. Câu nói này không phải vô tình. Năm 1954, tại hội nghị Genève, khi vấn đề Đông Dương được quyết định và khi khả năng thống nhất Triều Tiên trở thành vô vọng, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Foster Dulles đã công khai... không bắt tay Chu Ân Lai. Một hành động khinh thường mà người TQ vẫn chưa quên.

Đoàn xe đi về hướng phía bắc thành phố, đến Điếu Ngư Đài - nơi được canh giữ cẩn mật mà người TQ quen dành cho khách nước ngoài trú ngụ. Xưa kia, nơi nổi tiếng với hồ nước và kỳ hoa dị thảo này đã được các nhà quí tộc xây dựng những tòa biệt thự lộng lẫy và câu cá từ trên... sân thượng. Xung quanh nơi yên tĩnh này là tường cao, kẽm gai, đèn pha và tháp canh. Vào lúc ấy, Mao và phu nhân mỗi người đều nó một biệt thự ở đây. Trước Nixon, Kim Il-Sung, Nikita Khrouchtchev, Che Guevara và thủ tướng Bắc Việt Nam cũng từng cư trú ở đây. Ba ngày trước khi tổng thống Mỹ đến là ông hoàng Sihanouk của xứ Cambodge.

Khi vừa đến nơi, Nixon và Chu Ân Lai ngồi cạnh nhau trên một chiếc tràng kỷ ở phòng tiếp tân, đối diện là các quan chức TQ và Mỹ đang theo dõi cuộc chuyện trò - xem ra say sưa- của họ quanh một tách trà. Các phiên dịch TQ đảm nhận việc dịch mặc dù phía Mỹ có hẳn một đội thông dịch riêng của mình. Sau cuộc tiếp đón sơ bộ này, phía TQ dành thời gian cho khách nghỉ ngơi. Nhưng Kissinger vốn ở chung biệt thự với tổng thống Mỹ không sao ngồi yên được. Ông có hẹn lúc 15 giờ với Chu Ân Lai. Nixon tỏ ra lo lắng vì cuộc tiếp đón có phần sơ sài này. Dù sao ông cũng cảm thấy an ủi khi người TQ đã hát lên quốc ca Hoa Kỳ, bản Star Spangled Banner.

Trong lúc đó, ở phía nam thành phố Bắc Kinh, trong khu Trung Nam Hải, Mao mặc một bộ đồ mới và mang đôi giày vừa đóng để ông mang vào dịp này. Ông đang bệnh, huyết áp cao, tim đập yếu và chưa dứt ho. Ông chỉ mới chịu cho chữa bệnh từ 20 ngày qua. Bệnh viện Trung Nam Hải đã dọn sạch các thiết bị cấp cứu. Tất cả được chuyển sang nhà của Mao.

Mao rất phấn khích. Ông muốn gặp Nixon ngay từ lúc xuống máy bay, nhưng đã bị thủ tướng can ngăn. Lúc 14g30, Mao không còn kiên nhẫn được nữa. Chu Ân Lai gọi Kissinger: Mao muốn gặp Nixon. Rất nhanh. Chẳng cần nói cũng thấy tổng thống Mỹ đón nhận thông tin này với sự nhẹ nhõm: cho đến lúc này, ông chẳng biết mình có thể gặp được người cầm lái vĩ đại hay không! Đi cạnh Kissinger, ông tức khắc nhảy lên một chiếc Limousine. Chu Ân Lai, Winston Lord, phụ tá của Kissinger, và một nhân viên mật vụ đi theo họ. Chuyện gì sẽ xảy ra? Chủ tịch Mao đang ở đâu?

hwuvB4GK.jpgPhóng to
Giai đoạn này đánh dấu một khúc quanh trong cuộc chiến tranh lạnh và đã được nhà sử học Margaret MacMillan thuộc Trường đại học Toronto kể lại với những chi tiết chưa từng được biết trong quyển sách mang tựa đề Nixon và Mao - Một tuần lễ làm thay đổi thế giới (NXB Random House, 2007). Bằng ngòi bút của một tiểu thuyết gia cùng sự nghiêm túc của một nhà sử học, bà kể lại một cách đầy hấp dẫn những chi tiết bằng cách nào Hoa Kỳ và TQ đã nối lại đối thoại sau bao năm tháng vắng bóng hầu như mọi quan hệ.
 ĐINH CÔNG THÀNH dịchNicolas Michel (La Revue tháng 9&10-2007)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên